Sáng ngày 24 tháng 4 năm 2024, tại hội trường 303 Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Ban Công tác phía Nam – TW Hội đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ cơ sở Hội có tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên dưới 60% các tỉnh, thành phía Nam”. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 đã đặt ra trong Nghị quyết.
Hội thảo do đồng chí Trần Thị Huyền Thanh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Công tác phía Nam TW Hội LHPN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó trưởng ban Công tác phía Nam và đồng chí Nguyễn Thị Oanh – Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Trần Đức Sự, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ Tp.Hồ Chí Minh và 60 học viên lớp bồi dưỡng cơ bản nghiệp vụ công tác Hội cấp huyện năm 2024 đến từ 16 tỉnh, thành phía Nam
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Trần Thị Huyền Thanh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Công tác phía Nam cho biết, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã đề ra “Đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên, phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn” gắn với 02 khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh” và “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Tuy nhiên hiện nay, công tác tập hợp, thu hút phụ nữ, phát triển hội viên còn nhiều hạn chế, cụ thể: vẫn còn 16/21 tỉnh, thành có cơ sở dưới 60% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội, trong đó có 640/2.652 cơ sở tập hợp dưới 60%, đáng chú ý là còn 129/640 cơ sở tập hợp dưới 50%. Các nguyên nhân cho thực trạng trên được đề cập như: Công tác điều động, luân chuyển cán bộ ảnh hưởng đến chất lượng, kinh nghiệm cán bộ Hội; Công tác quản lý hội viên tại một số một số đơn vị chưa chặt chẽ; Việc quản lý số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn để tập hợp, thu hút vào tổ chức Hội LHPN chưa cập nhật thường xuyên, kịp thời, đồng bộ; Chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập nên chưa khuyến khích động viên phụ nữ trẻ có năng lực tham gia công tác Hội; Một số chị em phụ nữ thường xuyên đi làm ăn xa chưa sắp xếp thời gian để tham gia sinh hoạt Hội; Một số hội viên hết tuổi lao động khi nghỉ hưu chuyển sang tham gia sinh hoạt Hội người cao tuổi; Một số cán bộ Hội cơ sở còn thiếu kiến thức, kỹ năng vận động quần chúng; năng lực, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác Hội còn hạn chế… Qua phân tích các khó khăn nêu trên, các đại biểu dự Hội thảo đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội.
Qua quá trình thảo luận, các đại biểu tham dự đều thống nhất đưa ra một trong những giải pháp để hỗ trợ cơ sở Hội có tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên dưới 60% là cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Đây cũng chính là chỉ đề năm 2024 mà Hội đã xác định. Bên cạnh đó, Hội LHPN các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phong trào phụ nữ, nhiệm vụ công tác Hội có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hoạt động hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hoá các hình thức tập hợp, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng mô hình phù hợp nhu cầu, đối tượng, độ tuổi nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ như: mô hình về văn nghệ, thể dục thể thao, mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, đổi mới truyền thông trên không gian mạng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ Hội cơ sở, cán bộ chi hội; chú trọng tập huấn, cập nhật kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội; biểu dương khen thưởng các đơn vị làm tốt; tổ chức giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm giữa các đơn vị, các mô hình… Đặc biệt, thời gian tới với những đơn vị có tỷ lệ thu hút hội viên phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt còn thấp dưới 60% cần rà soát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để tuyên truyền, vận động và tìm biện pháp để tháo gỡ kịp thời như mục đích của Hội thảo đề ra.
Xuân Quỳnh