Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam là “chiếc nôi” đào tạo cán bộ nữ

Thừa ủy quyền của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Trần Lan Phương (bìa phải), Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tặng Bằng khen của TƯ Hội cho tập thể Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Trần Lan Phương (bìa phải), Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tặng Bằng khen của TƯ Hội cho tập thể Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời chiến và đang bắt nhịp cùng thời đại mới, tiếp tục sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội và cán bộ các cấp, các ngành khu vực phía Nam, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Ngày 7/3, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam (TP Thủ Đức, TPHCM) kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (8/3/1969 – 8/3/2024). Tham dự Lễ kỷ niệm có: bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Trần Thị Hương, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. 

Ngôi trường ngày càng “thay da đổi thịt”

Lễ kỷ niệm được tổ chức long trọng, trang nghiêm nhưng không kém phần ấm áp. Ở đó, các nguyên lãnh đạo Học viện, phân hiệu qua các thời kỳ và các cán bộ hưu trí, các thầy cô giáo và các thế hệ sinh viên cùng kể cho nhau nghe về chặng đường hình thành và phát triển trong 55 năm qua. Mọi người “tay bắt mặt mừng” khi có dịp về lại ngôi trường xưa, gặp mặt đồng nghiệp cũ và cùng nhìn ngắm sự “thay da đổi thịt”, lớn mạnh hôm nay của trường.

Ảnh tư liệu về Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam thời trước
Ảnh tư liệu về Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam thời trước

Cô Mai Thị Tuyết, 84 tuổi, nguyên cán bộ Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, rưng rưng xúc động khi ngắm nhìn ngôi trường mà cô đã từng làm việc. “Tôi làm công tác về văn phòng, chăm lo ăn uống, giấy tờ cho học viên. Thời trước, Phân hiệu có 3 dãy nhà, không có bàn học và chỉ ngồi dưới đất. Bây giờ, nhìn thấy ngôi trường khang trang như vậy tôi thật sự sung sướng và xúc động. Tôi thấy cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng hiện đại; các thầy cô, cán bộ năng động, giỏi hơn nhiều. Thời chiến tranh, phụ nữ chủ yếu làm công tác binh vận và dân vận. Làm binh vận để tuyên truyền làm tan rã hàng ngũ của địch, còn dân vận thì đi xuống với dân”, cô Tuyết cho hay.

Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, cho biết, bà vinh dự và hạnh phúc khi được dự Lễ kỷ niệm với vai trò là cựu học viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, thay mặt cho học viên, sinh viên các thế hệ nói lên những tình cảm, tâm tư của mình. “Qua khóa học tại Phân hiệu, bản thân mình được trưởng thành hơn, vì được các thầy cô truyền đạt những kiến thức và kỹ năng đối với công tác Hội và những kinh nghiệm quý báu để làm tốt hơn nhiệm vụ. Mình đã học được rất nhiều từ kỹ năng tuyên truyền trước đám đông, đến kỹ năng điều hành sinh hoạt Hội, kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội, xử lý tình huống, dân vận khéo, viết tin bài… 

Sau mỗi khóa học, chúng tôi đã vận dụng kiến thức, kỹ năng bổ ích thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đã có rất nhiều bạn thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau là một cách đền đáp xứng đáng với công ơn thầy cô”, bà Lê Thị Thái chia sẻ.

Viết tiếp trang sử hào hùng

Trên chặng đường phát triển, trường đã có nhiều thay đổi về vị thế từ Trường Lê Thị Riêng đến Trường Cán bộ Phụ nữ TW II, phân hiệu Trường Cán bộ Phụ nữ TW và đến nay là Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, là một cơ sở đào tạo công lập, trực thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam. Phân hiệu luôn phát huy và tiếp nối truyền thống trong hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội, công tác phụ nữ và bình đẳng giới, góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp, cán bộ nữ các ngành và phụ nữ thời kỳ mới.

Sinh viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm
Sinh viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm

Đặc biệt, từ năm 2019 đến 2023 là thời kỳ phát triển và lớn mạnh đột phá. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu của Phân hiệu ngày càng phát triển và đổi mới. Phân hiệu đã có bước chuyển biến toàn diện theo định hướng phát triển chung của Học viện, vừa là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, vừa là địa chỉ bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ nữ. Hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác trong và ngoài nước đều có những thành quả nhất định, đánh dấu bước chuyển mình theo hướng phát triển đi lên của Phân hiệu. Hiện nay, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam còn tuyển sinh đào tạo đại học chính quy các ngành: Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành; Công tác xã hội; Tâm lý học; Luật; Tuyển sinh liên thông và cao học ngành Công tác xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, phát biểu tại Chương trình.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, phát biểu tại Chương trình.

Định hướng phát triển trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết: “Để tiếp nối truyền thống 55 năm, chúng tôi nguyện sẽ giữ vững truyền thống quý báu và viết tiếp trang sử hào hùng; tiếp tục xây dựng Phân hiệu trở thành một trung tâm bồi dưỡng cán bộ Hội và cán bộ nữ có uy tín tại phía Nam. Phân hiệu sẽ có những chiến lược mới, bước đi phù hợp với các nguồn lực phù hợp với bối cảnh trong nước nhằm thay đổi hình ảnh của mình. Chúng tôi sẽ tạo ra những bứt phá mạnh mẽ, xác lập vị trí của phân hiệu trong nền giáo dục đào tạo trong nước và khu vực”.

Tại lễ kỷ niệm, bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đề nghị Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới cần bám sát những định hướng, kế hoạch đã đề ra và đặc biệt quan tâm 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh công việc hoàn thiện tư cách pháp nhân của phân hiệu, tích cực hoàn thiện các điều kiện để bảo đảm hoạt động bồi dưỡng và đào tạo đúng pháp luật.

Thứ 2, về hoạt động bồi dưỡng, tiếp tục đổi mới phương pháp, tài liệu trên cơ sở nội dung, chương trình bồi dưỡng đã được Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam phê duyệt. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng bổ trợ để học viên lựa chọn thêm ngoài chương trình bồi dưỡng theo kế hoạch.

Thứ 3, về đào tạo đại học, sau đại học cần bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế, quy định của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Thứ 4, về công tác nghiên cứu khoa học, Phân hiệu cần chủ động đề xuất và tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển toàn diện phụ nữ.

Thứ 5, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ giảng viên mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt quy chế dân chủ và phát huy sự đoàn kết nội bộ.

Trích nguồn: phunuvietnam.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *