Học trực tuyến thời CoVID-19: Cuộc ‘thử lửa’ bất ngờ ở Trung Quốc

Học trực tuyến thời CoVID-19: Cuộc ‘thử lửa’ bất ngờ ở Trung Quốc

    TTO – Đầu tháng 2-2020, trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) không biết diễn tiến đến bao giờ, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra thông báo khuyến khích các trường dạy học trên Internet cho học sinh.

Một học sinh ở Nam Xương (Giang Tây, Trung Quốc) học trực tuyến tại nhà vì trường tạm nghỉ do COVID-19 - Ảnh: Tân Hoa xã
Một học sinh ở Nam Xương (Giang Tây, Trung Quốc) học trực tuyến tại nhà vì trường tạm nghỉ do COVID-19 – Ảnh: Tân Hoa xã

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc hồi tháng 9-2019 vừa đưa tin thị trường học trực tuyến trong nước trị giá 36 tỉ USD với 135 triệu người học có đăng ký và đang tiếp tục bùng nổ thì chỉ vài tháng sau, hạ tầng. Ccác công ty tham gia lĩnh vực này ở quốc gia tỉ dân bất ngờ có cơ hội “thử lửa” khi học sinh các bậc học và cả sinh viên buộc phải “đến trường trên mạng” vì dịch COVID-19.

Đầu tháng 2-2020, trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) không biết diễn tiến đến bao giờ, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra thông báo khuyến khích các trường dạy học trên Internet cho học sinh. Bộ này cũng khởi động một chương trình học bằng điện toán đám mây quy mô toàn quốc từ ngày 17-2 nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy cho tất cả các môn học chính cũng như các khóa học dành cho học sinh tiểu học và trung học.

Báo South China Morning Post (SCMP) nhận định đây có thể là đợt thử nghiệm học online quy mô lớn nhất mà Trung Quốc từng ghi nhận. Theo Tân Hoa xã, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn ban hành hướng dẫn các trường đại học tổ chức lớp học online, với 22 nền tảng trực tuyến cung cấp 24.000 khóa học cho sinh viên. Ngoài ra, một kênh giáo dục trên truyền hình cũng bắt đầu phát các bài học từ ngày 17-2 để giúp học sinh, sinh viên ở các khu vực hẻo lánh – nơi tốc độ Internet không được cao – có thể học tại nhà.

Hạ tầng, công nghệ sẵn có có thể là lợi thế cho “cuộc thử nghiệm” này, nhưng liệu chúng có đủ khả năng đón nhận lượng người dạy và học tăng đột biến? Và mức độ đón nhận, thích nghi mô hình học mới này của người học, người dạy và cả phụ huynh Trung Quốc đến đâu?

App làm việc từ xa lên ngôi

“Tôi thích học online vì học ở nhà thoải mái hơn” – nữ sinh lớp 12 Xu Yuting hào hứng chia sẻ với SCMP. Không thích sao được khi từ lúc bắt đầu học với ứng dụng DingTalk do Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba phát triển từ đầu tháng này, cô học trò 18 tuổi ở tỉnh Chiết Giang có thêm 2 tiếng để “ngủ nướng” mỗi buổi sáng, thay vì phải mò dậy trước 5 giờ 30 để chuẩn bị đi học như bình thường.

Theo Bloomberg, tính đến ngày 12-2, trong top 5 app miễn phí được tải nhiều nhất trên chợ ứng dụng App Store có 3 cái tên đáng chú ý từ Trung Quốc: DingTalk (hạng nhất), Tencent Conference (xếp thứ 2) và WeChat Work (thứ 5). Hai app đứng sau là của Tencent – gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Cả ba ứng dụng này đều cung cấp các công cụ văn phòng “ảo” hỗ trợ làm việc từ xa. Nếu như lúc trước lĩnh vực phát triển công cụ văn phòng ảo dường như bị lép vế trước các lĩnh vực khác mà Alibaba và Tencent kinh doanh thì gần đây “nhờ” có COVID-19, các app này lại trở nên “có giá” bởi không chỉ giới văn phòng cần làm việc từ xa, mà học sinh cũng cần phải học trực tuyến.

DingTalk tỏ ra khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu từ lĩnh vực dạy học, khi từ đầu tháng đã tung ra một loạt tính năng mới cho các lớp học trực tuyến, bao gồm các buổi học qua livestream cho phép đến 302 người tham gia cùng lúc cùng hệ thống làm bài kiểm tra và chấm điểm trực tuyến. Tính đến ngày 10-2, ít nhất 50 triệu học sinh từ tiểu học đến trung học khắp Trung Quốc đã đăng ký các chương trình giảng dạy trực tuyến trên DingTalk – được tiến hành song song với các cơ quan giáo dục địa phương, theo Alibaba.

Trong khi đó, đại diện Tencent cho biết tập đoàn này cũng giới thiệu nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình giáo dục trực tuyến dành cho giáo viên, cũng như giúp việc học của học sinh ít bị gián đoạn nhất. Ngoài ra, ứng dụng WeChat Work cũng hỗ trợ giáo viên livestream trong các nhóm chat dễ dàng.

Theo dự đoán từ năm 2018, thị trường e-learning ở Trung Quốc sẽ đạt 86 tỷ đô la năm 2022 - Ảnh: SCMP
Theo dự đoán từ năm 2018, thị trường e-learning ở Trung Quốc sẽ đạt 86 tỷ đô la năm 2022 – Ảnh: SCMP

Theo dự đoán từ năm 2018, thị trường e-learning ở Trung Quốc sẽ đạt 86 tỷ đô la năm 2022 – Ảnh: SCMP

Từ cầm phấn sang cầm điện thoại

Jessie Xie, giáo viên ở Thành Đô, nói với SCMP thầy cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải học nhiều kỹ năng mới để phục vụ công tác giảng dạy trong bối cảnh này. Cô giáo 24 tuổi này phải tập cách nói chuyện tự nhiên trước camera, rồi phải bình luận qua lại để học trò của mình hứng thú với bài giảng. 

Trường học nơi cô dạy cũng tổ chức đào tạo cho giáo viên sử dụng DingTalk để dạy qua livestream. “Thật khó cho các giáo viên lớn tuổi khi học cách dạy qua livestream – Xie nói – Hôm qua, một đồng nghiệp nói với tôi rằng cô ấy vẫn không biết sử dụng dù đã tham gia tập huấn”.

Việc đùng một cái phải rành công nghệ và giảng trước camera thay vì mấy chục học sinh trước mặt mình đã tạo nên kha khá tình huống khó đỡ cho những người làm nghề gõ đầu trẻ. Chẳng hạn, theo Thời Báo Hoàn Cầu, vì không có dụng cụ livestream chuyên nghiệp, giáo viên của Trường trung học phổ thông số 10 thành phố Phúc Châu (Phúc Kiến) tận dụng tất cả những thứ sẵn có tại nhà để phục vụ công tác livestream, từ dây điện đến móc quần áo, gậy selfie và cả quạt điện. 

Ban đầu, học sinh không biết đến “sự thật” đằng sau camera nhưng khi thấy được sự sáng tạo và tận tụy của thầy cô mình, các em thấy cảm động và chú ý vào bài học hơn, một cô giáo cho hay.

Các giáo viên Trường trung học phổ thông số 10 bắt đầu dạy qua livestream từ ngày 5-2 để giúp học sinh cuối cấp có thể kịp bài vở thi đại học vào tháng 6. Và những sáng kiến bất ngờ của những người ngày thường cầm phấn phải chuyển sang cầm điện thoại đã khiến một số thầy cô giáo của trường này trở thành hiện tượng mạng.

 

Trong khi đó, hầu hết các giáo viên đều không có kinh nghiệm livestream, một số người phải lên mạng xem vlog của người nổi tiếng để biết cách làm theo. Không chỉ vậy, thầy cô còn học nói chuyện theo ngôn ngữ trên mạng để đảm bảo rằng học sinh xem livestream có thể hiểu mình đang nói gì.

Cũng “lên lớp” thông qua livestream ngay tại phòng ăn nhà mình, Wang Yu, thầy giáo sinh học ở một trường phổ thông thuộc tỉnh Cát Lâm, trở thành “ngôi sao” khi dùng cửa làm bảng, lấy chổi làm thước và có khi không có chổi thì lấy luôn… cọng hành, do các cửa hàng văn phòng phẩm đều đóng cửa do dịch bệnh. 

“Tôi hi vọng phương pháp của tôi có thể giúp bọn trẻ thấy tích cực và tập trung vào việc học, giúp chúng hứng thú hơn với kiến thức” – thầy giáo 35 tuổi nói. Các buổi học của thầy Wang Yu dần trở nên nổi tiếng, thu hút không chỉ học sinh mà còn có cả phụ huynh vào xem. Một video của thầy Wang có khi đạt được đến 200.000 like.

Vấn đề của lớp học ảo

“Mặt đối mặt luôn tốt hơn, nhưng chúng tôi phải làm quen với chuyện này thôi” – Fannie Jiao, giáo viên tiếng Anh của một trường trung học cơ sở ở Thượng Hải, nói với Bloomberg. Kể từ đầu tháng, cô giáo 28 tuổi này phải kèm 4 học sinh lớp 9 làm bài tập về nhà mỗi ngày bằng Tencent Conference.

Đồng tình với Jiao, nhiều giáo viên và học sinh cũng cho rằng dạy online không hiệu quả bằng dạy trực tiếp. Có học sinh nói rằng mình có động lực để học hơn khi có các bạn cùng lớp học hành chăm chỉ xung quanh, còn học online dễ buồn ngủ và mất tập trung vì chỉ có một mình. Trong khi đó, giáo viên cũng cho rằng sự gắn kết giữa mình và học sinh khi học trực tuyến gần như bằng 0.

Do mất đi sự tương tác, giáo viên cũng phải bỏ công chuẩn bị nhiều bài học hơn cho một buổi học vì “một bài học bình thường dạy 45 phút, nhưng dạy online chỉ mất 25-30 phút là xong”. “Chúng tôi cũng không thể thấy gương mặt của học sinh để biết các em có hiểu bài hay không” – cô giáo Li Meng của Trường trung học phổ thông số 10 nói.

Một mối bận tâm nữa liên quan đến việc học trực tuyến là giáo viên không thể giám sát được học trò của mình làm gì. “Khi học bằng DingTalk, bọn trẻ có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn, ngủ, không chú ý. Vậy thì học hành gì nữa? Trẻ em cần được giám sát” – một người mẹ có con học lớp 6 ở tỉnh Hà Nam bày tỏ. Trường học của con gái cô đang dạy trực tuyến DingTalk và ClassIn, trong đó ClassIn được người mẹ này cho rằng có thể giúp giáo viên giám sát được hành vi của học sinh.

Đó là chưa nói đến những khó khăn về mặt công nghệ như máy chủ gặp sự cố, mạng không ổn định, đăng ký phức tạp, phải sử dụng nhiều nhóm WeChat… Các chủ đề này liên tục tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Weibo.

Trở lại câu hỏi đầu bài về sự sẵn sàng và mức độ thích nghi của Trung Quốc với cuộc đại thử nghiệm “chuyển trường” lên không gian ảo, Yu Minhong, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục New Oriental nổi tiếng của Trung Quốc, đúc kết rằng việc dạy học trực tuyến phải đối mặt với 3 khó khăn.

Đầu tiên, hệ thống trực tuyến chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi đột ngột. Ví dụ, ngày đầu tiên của khóa học trực tuyến miễn phí trên nền tảng zuoyebang có khoảng 5 triệu người tham gia cùng lúc, dẫn đến việc máy chủ bị quá tải. Khó khăn thứ hai, theo quan điểm của Yu Minhong, là một số giáo viên không có kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến và thứ ba là học sinh và phụ huynh có thể không chấp nhận hình thức giảng dạy này.

Ngoài ra, một vấn đề bên lề nhưng không kém phần quan trọng mà phụ huynh rất quan tâm khi cho con mình học online là sức khỏe của con em họ. Ma, bà mẹ có hai con học mẫu giáo, nói rằng học trực tuyến rất tiện lợi vì cô không phải đưa đón con mỗi ngày. Tuy vậy, cô cũng lo ngại rằng nếu giáo dục trực tuyến trở thành xu hướng chủ đạo sau này thì đồng nghĩa với việc trẻ con phải xem máy tính hoặc các sản phẩm điện tử khác cả ngày, và điều này thì không tốt cho sức khỏe chút nào.

Ngoài Trung Quốc đại lục, nhiều trường ở Hong Kong, đặc biệt là các trường quốc tế, cũng đang cố gắng giữ cho học sinh của mình “đi học” bình thường trước khả năng phải đóng cửa đến tận tháng 3, theo SCMP. Một số trường cung cấp cho học sinh trải nghiệm lớp học tương tác thông qua Zoom, công cụ hội nghị video dựa trên web. Trong khi đó, đại diện French International School cho biết nhà trường đang sử dụng nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau như Google Classroom, Google Hangouts, Castify, Weeblies, Active Learn, Tapestry và Wordsmith. Giáo viên của trường được phép linh hoạt chọn phương pháp giảng dạy online cho mình.

Sưu tầm: Phòng Đào tạo

Trích nguồn: tuoitre.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *