Sáng ngày 6 tháng 12 năm 2024, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố kết quả khảo sát về “Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ DTTS cấp xã tại các tỉnh phía Nam” trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: 2021 – 2025. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến qua Microsoft Teams, thu hút đông đảo sự tham gia và đóng góp ý kiến có giá trị thực tiễn của của các đại biểu.
Tham dự hội thảo có đại diện Ban Công tác phía Nam – Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam; các Sở, Ban, Ngành và lãnh đạo địa phương từ các tỉnh Trà Vinh, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, cùng các chuyên gia đến từ Viện KHXH vùng Nam Bộ, Trường Cán bộ Hội Nông dân, và các tổ chức xã hội khác.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, UV BCH, Phó trưởng ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam dự và chủ trì hội thảo, đã nhấn mạnh trong phát biểu mở đầu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ DTTS cấp xã là yếu tố quyết định trong việc xây dựng chính quyền vững mạnh, cải thiện quản lý và phát triển cộng đồng. Do đó, cần tập trung quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ DTTS, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, và năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam, chủ nhiệm dự án đã nêu ra những mặt đạt được thông qua kết quả khảo sát, cũng như chỉ rõ những hạn chế để hội thảo có thể thảo luận đề xuất giải pháp. Khảo sát được thực hiện tại 7 huyện của 4 tỉnh Trà Vinh, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Phước, cho thấy cán bộ nữ DTTS chủ yếu đảm nhận các chức vụ trong đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN, chiếm tỷ lệ cao nhất (39,02%). Tuy nhiên, các vị trí lãnh đạo cấp xã như Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND rất hiếm, chỉ chiếm 1,14%. Bà cho biết đội ngũ cán bộ nữ DTTS mặc dù có phẩm chất đạo đức tốt và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, họ vẫn cần được nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành, và quan trọng nhất là khả năng quản trị bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng phức tạp.
Các ý kiến tại hội thảo tập trung vào những giải pháp cụ thể để phát triển năng lực lãnh đạo cho cán bộ nữ DTTS. Ông Mẫu Thái Phương, TUV, Phó Trưởng ban TCTU Ninh Thuận đề xuất thay đổi nhận thức xã hội và chính sách cụ thể để tạo cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng lãnh đạo và cải thiện môi trường làm việc cho phụ nữ. Đồng thời, cần xây dựng các mô hình tham gia lãnh đạo hiệu quả giúp phụ nữ phát huy hết khả năng trong các vị trí quản lý.
Bà Ka Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Di Linh, Lâm Đồng cho biết tỷ lệ DTTS tại địa phương cao (chiếm 42%) và được quan tâm đặc biệt. Bà mong muốn các giải pháp chú trọng đến đặc thù chế độ mẫu hệ, tác động của phụ nữ đối với kinh tế, văn hóa gia đình, đồng thời tạo điều kiện để phụ nữ DTTS tham gia vào hệ thống chính trị.
Các chuyên gia cũng đề xuất chú trọng kỹ năng kết nối, kêu gọi nguồn lực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà Đậu Thị Quyên, Trưởng Văn phòng luật sư LPVN, cho rằng kỹ năng pháp luật và giải quyết tranh chấp cần được nâng cao, đồng thời đề xuất xây dựng tủ sách pháp luật gần dân.
Bà Trần Huyền Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung, chia sẻ: Đối với cán bộ nữ, khả năng quản lý áp lực tinh thần là yếu tố then chốt. Để đảm nhận vai trò lãnh đạo trong công việc xã hội, họ cần xây dựng nền tảng vững chắc từ gia đình, đồng thời nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ những người thân thiết để có thể phát huy tối đa năng lực và cống hiến hiệu quả.
Ông Nguyễn Hiệp Trí, đại diện Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP.HCM cho biết: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nhấn mạnh vào việc giảm bớt gánh nặng công việc gia đình của phụ nữ và nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Cần tập trung vào việc phát triển kỹ năng cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS để họ tham gia tích cực vào các vị trí lãnh đạo. Đồng thời, tôn trọng và hiểu đúng các giá trị văn hóa, tập quán của từng dân tộc sẽ giúp thúc đẩy bình đẳng giới hiệu quả và bền vững.
Phát biểu tổng kết hội thảo, đại diện ban chủ trì hội thảo – PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ nhấn mạnh cần nhận diện rõ vai trò và năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ DTTS, đồng thời triển khai các giải pháp cụ thể để thúc đẩy sự bình đẳng giới trong công tác lãnh đạo cấp xã.
Hội thảo công bố kết quả khảo sát còn là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và cán bộ nữ DTTS chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra giải pháp chiến lược nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ DTTS, đóng góp vào mục tiêu bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Thông qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu Dự án 8 với kết quả cao nhất.
Xuân Quỳnh