Nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học thông qua thay đổi vai trò của người dạy và người học

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH DẠY HỌC THÔNG QUA THAY ĐỔI VAI TRÒ CỦA NGƯỜI DẠY VÀ NGƯỜI HỌC

    Sự cần thiết phải thay đổi nhận thức về “việc học”

    Học là con đường ngắn nhất để phát triển tri thức. Nguyên liệu đầu vào của quá trình học là con người, và sản phẩm đầu ra cũng là con người ấy nhưng có một tư duy khác, một kiến thức khác, một năng lực khác và một cách hành xử khác. Ngay từ thời thơ ấu, người học đã cần phải được đặt vào môi trường mà ở đó họ có cảm giác được làm chủ quá trình học tập của mình để từ đó phát triển tư duy độc lập hòng biến kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của những người khác thành “tài sản” của mình. Người học cần phải hiểu bản chất của việc học thông qua việc tìm kiếm câu trả lời cho ba câu hỏi: Học để làm gì? Học những gì để đạt mục tiêu đó? Học như thế nào? Xa hơn, bản thân người học cũng cần biết rõ là mình muốn trở thành ai và làm sao để trở thành một con người như vậy.

    Nhà tương lai học Alvin Toffler từng nói: “Những người được xem là mù chữ trong thế kỷ 21 không phải là những người không biết đọc biết viết, mà là những người không có khả năng từ bỏ cái đã học và học cái mới”. Ngày nay, học tập suốt đời trở thành nhu cầu tất yếu, điều quan trọng đối với mọi cá nhân, không chỉ là khả năng tiếp thu cái mới mà còn là khả năng gỡ bỏ cái cũ. Vì vậy, lối dạy và học của nhà trường truyền thống thiên về truyền thụ kiến thức và đào tạo kỹ năng chuyên môn không thể đáp ứng những đòi hỏi ấy. Trường học của tương lai không nhằm vào truyền thụ kiến thức và đào tạo kỹ năng chuyên môn, mà nhằm vào những kỹ năng sống và năng lực công dân, nhằm vào việc hình thành khả năng học tập suốt đời. Nền kinh tế tri thức trong thời đại toàn cầu hóa đòi hỏi những kỹ năng mới (kỹ năng sử dụng công cụ kỹ thuật số, kỹ năng làm việc nhóm, truyền thông giao tiếp, sáng tạo, tư duy khởi nghiệp,…) và những năng lực mới như năng lực lãnh đạo, tầm nhìn toàn cầu…để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường sống và làm việc ngày càng đa diện và phức tạp.

    Vai trò của người thầy trong nhà trường cần thay đổi như thế nào?

    Sự phát triển nhanh chóng của tri thức đòi hỏi con người luôn cần cập nhật những kiến thức mới nhất cũng khiến cho việc học tập trở thành quá trình học tập suốt đời. Người học ngày nay được khuyến khích tự trải nghiệm bằng cách mở rộng hoạt động ra bên ngoài thay vì tập trung vào chỉ học tập trong trường như trước đây, họ hoàn toàn có thể tự kiểm chứng tất cả những điều mình học gần như ngay lập tức. Vì vậy, vai trò người dạy chuyển từ truyền đạt kiến thức sang người hướng dẫn và tổ chức các hoạt động trải nghiệm để người học có thể xây dựng kỹ năng và kiến thức cho riêng mình. Qua đó, người thầy dạy trò của mình phương pháp, cách thức tìm hiểu thế giới tri thức, rèn luyện cho người học kỹ năng tự học hỏi. Vai trò thật sự của người thầy là truyền cảm hứng học tập cho người học, cùng người học xây dựng mục tiêu, nội dung và phương pháp học tập, từ đó góp phần khai sáng người học. Nói cách khác, người thầy phải là người tạo ra môi trường học tập, và hỗ trợ người học để họ có thể làm chủ được sự học của mình, làm chủ quá trình giáo dục mà họ tham gia vào. Khi đó sẽ không còn tình trạng thầy đọc – trò chép, thầy dạy những gì thầy biết hay những gì thầy muốn… Đó cũng chính là sự khác biệt giữa một “người thầy” và một “thợ dạy”.

ThS Lê Thị Thùy Linh – Khoa Khoa học cơ bản

 

 

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*