Việt Nam xếp hạng cao nhất trong ASEAN về quyền lao động của phụ nữ

Theo báo cáo toàn cầu về Chỉ số Cam kết giảm Bất bình đẳng 2020 (CRII) của Oxfam, xét về quyền lao động của phụ nữ, Việt Nam xếp hạng 79 trên thế giới và hạng cao nhất trong khu vực ASEAN. Thành tích có được là nhờ chế độ nghỉ thai sản 180 ngày, áp dụng chế độ đãi ngộ công bằng, có chính sách chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng đối với phụ nữ.

Lao động nữ cần được bảo vệ trong đại dịch Covid-19 (ảnh minh họa)
Lao động nữ cần được bảo vệ trong đại dịch Covid-19 (ảnh minh họa)

Oxfam và tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế (DFI) vừa giới thiệu báo cáo toàn cầu về Chỉ số Cam kết giảm Bất bình đẳng 2020 (CRII). Chỉ số này cho thấy thất bại “thảm hại” trong việc giải quyết bất bình đẳng khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới khốn đốn trong đại dịch COVID-19.

Mức chi tiêu ít ỏi cho dịch vụ y tế công, mạng lưới an sinh xã hội yếu kém và quyền lợi nghèo nàn của người lao động đồng nghĩa với việc phần lớn các quốc gia trên thế giới không được trang bị đầy đủ để đối phó với COVID-19.

26 trong số 158 quốc gia có tỷ lệ chi ngân sách cho y tế đạt mức khuyến nghị 15% trước đại dịch. Ở 103 quốc gia, cứ 3 người lao động thì có ít nhất 1 người không được hưởng đầy đủ các quyền và biện pháp bảo vệ lao động cơ bản như trợ cấp ốm đau khi đại dịch xảy ra.

Người nghèo nhận hỗ trợ ở các địa phương. Ảnh minh họa.
Người nghèo nhận hỗ trợ ở các địa phương. Ảnh minh họa.

Chỉ số này cũng nhấn mạnh rằng không một quốc gia nào hành động triệt để nhằm giải quyết bất bình đẳng trước đại dịch. Điều này góp phần châm ngòi cho cuộc khủng hoảng và làm gia tăng mức độ tổn thương của những người sống trong nghèo đói, đặc biệt là phụ nữ.

Phụ nữ, thường có thu nhập ít hơn, tiền dành dụm ít hơn và công việc của họ thường không ổn định, đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh phong tỏa được đưa ra để đối phó với đại dịch. Trong khi đó, các công việc chăm sóc không được trả lương và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng đáng kể. Gần một nửa số quốc gia trên thế giới không có luật pháp đầy đủ về tấn công tình dục. Ngay cả Singapore không có luật về trả lương bình đẳng hay chống phân biệt giới.

Xét về Chỉ số Cam kết Giảm bất bình đẳng, năm nay Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia. Việt Nam được đánh giá cao vì những thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19 từ việc nhanh chóng triển khai những biện pháp ngăn chặn, xét nghiệm, truy vết và cách ly, cũng như truyền thông đại chúng.

Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng, thông qua việc triển khai gói cứu trợ trị giá 2,7 tỷ USD cho 20 triệu người dễ bị tổn thương, chi trả một khoản trợ cấp trị giá 1,8 triệu đồng/tháng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng.

Lao động nữ (ảnh minh họa)
Lao động nữ (ảnh minh họa)

Những tiến bộ trong thời gian gần đây về các lĩnh vực chính sách hướng tới giảm bất bình đẳng cũng rất ấn tượng. Xét tương quan trong với thế giới và khu vực, Việt Nam đang làm tốt hơn về chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội, hiệu suất thu thuế cao và thúc đẩy các quyền của phụ nữ trong lao động. Việt Nam xếp hạng 79 trên thế giới và hạng cao nhất trong khu vực ASEAN về Quyền lao động của phụ nữ.

Xếp hạng đặc biệt cao mà Việt Nam có được trong khu vực là nhờ chế độ nghỉ thai sản 180 ngày (nhiều hơn 60 ngày so với bất kỳ quốc gia khác), áp dụng chế độ đãi ngộ công bằng, có chính sách chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng đối với phụ nữ. Tuy nhiên, xếp hạng này bị ảnh hưởng do quy định về phòng chống hiếp dâm tại Việt Nam không giải quyết vấn đề cưỡng bức tình dục trong hôn nhân một cách cụ thể.

Việt Nam xếp thứ 4 trong khu vực ASEAN về mức lương không đồng đều. Thu nhập trung bình của lao động nữ Việt Nam cũng thấp hơn 33% so với thu nhập của nam trên tất cả các lĩnh vực.

Để củng cố các chính sách lấy con người làm trung tâm nhằm giảm bất bình đẳng. Oxfam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam:

-Tiến tới bao phủ và tiếp cận bảo trợ xã hội toàn dân, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức và dễ bị tổn thương.

– Tiếp tục tăng mức chi cho y tế nhằm đảm bảo 100% bao phủ chăm sóc y tế toàn dân.

– Cải thiện Luật lao động theo hướng thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa lao động nam và nữ.

– Tăng mức chi cho an sinh xã hội để đạt mức bao phủ toàn dân đến năm 2030, không chỉ đối với lương hưu mà còn cho các khoản khác trong suốt cuộc đời (cho trẻ em, người khuyết tật, người không có việc làm và các nhóm dễ tổn thương khác).

– Tạo môi trường thể chế với các chính sách công công bằng hơn, tăng cường sự tham gia và phản hồi của người dân và xã hội dân sự; đồng thời giám sát và giảm bất bình đẳng song song với quá trình giảm nghèo.

PNVN
Sưu tầm: Hoàng Bảo Trường – Khoa CTXH 
Trích nguồn:http://hoilhpn.org.vn/ 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *