PHÂN HIỆU HỌC VIỆN PHỤ NỮ VIỆT NAM

      Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam (Phân hiệu) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam, hoạt động theo Quy chế tổ chức hoạt động của Phân hiệu do Giám đốc Học viện phê duyệt và phù hợp với Chiến lược Phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam; chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Việt Nam. Phân hiệu có tài khoản và con dấu riêng.
      1. Quá trình hình thành và phát triển
      Phân hiệu có tiền thân là Trường Lê Thị Riêng, được thành lập ngày 8.3.1969, tại rừng Lò Gò chiến khu miền Đông Nam Bộ, nay thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Nhiệm vụ chính của trường lúc bấy giờ là đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn cho cán bộ Hội để chị em đủ sức đảm đương nhiệm vụ cách mạng trong tình hình đế quốc Mỹ đánh phá rất ác liệt nhằm ngăn chặn liên lạc Bắc – Nam, thực hiện “tố Cộng”, “diệt Cộng”, tiêu diệt tận gốc cơ sở của phong trào cách mạng Miền Nam.
      Cuối năm 1975, trường chuyển về xã Phước Bình, quận Thủ Đức, nay là số 620 đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, tp. Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày đầu giải phóng trường được xác định là trường văn-chính với nhiệm vụ chính là bồi dưỡng cấp tốc bổ túc văn hóa và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội. Từ khi chuyển về thành phố Hồ Chí Minh đến nay trường đã qua các lần đổi tên: Từ trường Văn – Chính phụ nữ Lê Thị Riêng (1975) sang Phân hiệu Trường cán bộ phụ nữ TW (1978), Trường Cán bộ phụ nữ TW II (1994), Phân hiệu Trường cán bộ phụ nữ TW (2001). Tương ứng với việc đổi tên trường, mục tiêu, nhiệm vụ của trường ngày càng được nâng cao và toàn diện hơn để đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội và cán bộ các cấp các ngành khu vực phía Nam. Tháng 10 năm 2012, khi Trường Cán bộ phụ nữ TW được nâng cấp thành Học viện Phụ nữ Việt Nam thì tháng 02/2013 Phân hiệu Trường cán bộ phụ nữ TW chính thức đổi tên thành Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam.
      Giai đoạn 1969 – 1975
Từ ngày thành lập đến năm 1975, trải qua 6 năm vừa chiến đấu vừa làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ nữ, trong điều kiện cực kỳ gian khổ với bao hy sinh, thử thách, liên tục duy trì các lớp học, tập thể cán bộ, nhân viên trường Lê Thị Riêng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp một phần quan trọng vào sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ Hội ở miền Nam, kịp thời đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cống hiến lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng nước nhà.
      Giai đoạn 1975 – 1985
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, phong trào phụ nữ miền Nam phát triển mạnh mẽ, tổ chức Hội phụ nữ mở rộng khắp các vùng mới giải phóng, cấp quận/huyện bắt đầu hình thành Ban Chấp hành Hội phụ nữ. Đội ngũ cán bộ Hội cũng được bổ sung từ nhiều nguồn: các chị từ chiến khu về, từ nhà tù ra, những chị em tại chỗ mới tham gia hoạt động… Hầu hết chị em đều rất nhiệt tình hăng say hoạt động nhưng qua thực tế đã bộc lộ nhưng yếu điểm cơ bản là: đa số trình độ văn hóa thấp, không được học tập lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác Hội nên chưa nắm vững đường lối chung, nội dung công tác vận động phụ nữ, lúng túng trong phương thức hoạt động. Vấn đề đặt ra đối với đội ngũ cán bộ Hội là phải được bồi dưỡng cấp tốc về văn hóa, chính trị và nghiệp vụ công tác Hội. Vì thế, Trung ương Hội quyết định tiếp tục duy trì Trường Lê Thị Riêng để kịp thời đào tạo cấp tốc đội ngũ cán bộ Hội cho các tỉnh miền Nam.
      Nhiệm vụ của trường là bồi dưỡng lý luận chính trị cho học viên theo chương trình sơ cấp, nên trong cơ cấu chương trình đã dành phần quan trọng bồi dưỡng cho học viên về quan điểm Mác – Lênin kết hợp với nghiên cứu đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng theo từng giai đoạn cụ thể.
      Đến năm 1978, Trường mở 4 lớp bổ túc văn hóa từ lớp 2 đến lớp 5, có khoảng 140 học viên và tổ chức thi hết cấp I cho 263 học viên, mở một lớp sáu cho 64 học viên. Qua 4 năm dạy văn hóa, Trường đã tổ chức cho 427 học viên học bổ túc văn hóa, 263 học viên đã tốt nghiệp cấp I và 64 học viên học lớp sáu đồng thời đã bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ Hội theo chương trình sơ cấp.
      Phát huy kết quả trong thời kỳ chống Mỹ, Trường đã tiếp tục thực hiện phương châm “lý luận liên hệ với thực tiễn” và ngày càng nhuần nhuyễn hơn, xuyên suốt trong các khâu của quá trình dạy và học. Bài giảng vận dụng những quan điểm lý luận để phân tích, đánh giá tình hình thực tế của phong trào cách mạng, phong trào phụ nữ, tìm ra phương pháp đưa phong trào phát triển. Để trang bị thêm kinh nghiệm thực tế cho học viên, theo từng chuyên đề, trường liên hệ với địa phương, chọn điển hình tiên tiến, mời đến báo cáo, trao đổi kinh nghiệm.
      Từ 1975 – 1979, trường đã tổ chức được 34 lớp với 3.406 học viên trong đó: 17 lớp bồi dưỡng với tổng số 2066 học viên; 11 lớp chuyên đề với 1150 học viên, 06 lớp nữ công gia chánh với 190 học viên.
      Nhìn chung, từ năm 1975 đến năm 1985, trong điều kiện từ chiến khu cách mạng chuyển về thành phố, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên nhà trường với sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng (sau là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng và phong trào phụ nữ các tỉnh phía Nam.
      Giai đoạn 1986 – 1990
      Trong thời gian này, song song với việc chuyển đổi nội dung chương trình, tiến hành đào tạo dài hạn về Trung cấp Lý luận và Nghiệp vụ phụ vận, Trường đã thực hiện nhiệm vụ quốc tế do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giao phó.
      Trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên trách của Hội Liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh/thành, huyện/quận, kịp thời chuyển hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới nội dung chương trình, thực hiện đa dạng về hình thức đào tạo.
      Từ tháng 6.1987 đến tháng 10.1987, hai đồng chí đã tiến hành được 2 khóa huấn luyện tại Campuchia cho đối tượng là Hội trưởng Hội phụ nữ cấp huyện, Hội trưởng và Hội phó Hội Phụ nữ tỉnh và các Trưởng, Phó Ban của Trung ương Hội Phụ nữ cứu nước Campuchia.
      Sau Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI, Ban Tuyên huấn Trung ương Hội đã tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội và tập huấn chuyên đề cho các cán bộ Hội cấp tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào tại điểm trường. Giáo viên mới của trường được bổ sung kiến thức và nghiệp vụ công tác vận động quần chúng phụ nữ, hoạt động của trường từ đó bắt đầu sôi động trở lại.
      Trước thực tế yêu cầu đào tạo của các cấp Hội ở các tỉnh phía Nam và nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Hội đi học, từ tháng 03.1989, Trung ương Hội giao nhiệm vụ cho trường tổ chức các khóa đào tạo dài hạn theo chương trình Trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ phụ vận góp phần giải quyết khó khăn của chị em cán bộ Hội ở các tỉnh phía Nam khi ra Hà Nội học. Nhận nhiệm vụ mới nhưng đội ngũ cán bộ trường lúc này còn thiếu nhưng nhà trường đã tổ chức được rất nhiều lớp.
      Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương “1,2 triệu phụ nữ biết cắt may” của Trung ương Hội, đáp ứng nhu cầu về nữ công gia chánh của phụ nữ, trường kết hợp với khoa nữ công trường Đại học sư phạm kỹ thuật mở lớp dạy nghề như cắt may, thêu, cắm hoa, làm bánh, nấu ăn… Trường đã đưa phần dạy nữ công vào chương trình chính khóa.             Học viên học môn này ngày thứ bảy hàng tuần, đảm bảo khi ra trường đạt trình độ trung cấp kỹ thuật nữ công. Các khóa học bồi dưỡng 04 tháng song song với chương trình lý luận nghiệp vụ, chị em cũng được trang bị các kiến thức về nữ công gia chánh. Từ đó, tạo điều kiện cho chị em trở về địa phương công tác có thêm hành trang đi vào công tác vận động quần chúng phụ nữ.
      Giai đoạn 1990 – 1995
      Tháng 10/1990, lần đầu tiên, trường tổ chức một lớp dành riêng cho chủ tịch Hội phụ nữ cấp xã từ Bình Trị Thiên đến Minh Hải có hơn 200 học viên tham dự. Đây là lớp mà nhiều cán bộ Hội làm công tác ở xã nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa được đi bồi dưỡng lần nào nên được học tập các chị rất phấn khởi. Ngoài chương trình học chính khóa các học viên được bố trí tham quan một số di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Trường còn mời đoàn y, bác sĩ Bệnh viện phụ sản Từ Dũ về khám và chữa bệnh cho chị em.
      Do đời sống của phụ nữ dân tộc các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu nên học viên khi về học ở Trường được khám bệnh thì đa phần là nhiễm phụ khoa và nhiều chị sinh đẻ nhiều nhưng không nuôi được con… Vì thế, năm 1991, trường chủ động đề nghị với Bệnh viện phụ sản Từ Dũ phối hợp tổ chức lớp đào tạo kỹ năng chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh cho cán bộ Hội phụ nữ người dân tộc với kế hoạch cụ thể: Trường đảm trách dạy bổ túc văn hóa, hướng dẫn công tác Hội, quản lý học viên… Bệnh viện phụ sản Từ Dũ đảm trách phần dạy chuyên môn “chăm sóc bà mẹ – trẻ sơ sinh”. Lớp đầu tiên có 20 học viên là người dân tộc ở Đak Lak, Gia Lai, Kom Tum, Lâm Đồng. Năm 1992, Trường tiếp tục mở lớp thứ hai có tổng số 22 học viên các tỉnh Tây Nguyên, Sông Bé, An Giang và Kiên Giang.
      Năm 1992, trước yêu cầu cấp bách về đội ngũ cán bộ Hội cơ sở của địa phương, tỉnh Hội phụ nữ Bình Thuận mời trường đến địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho các cán bộ cơ sở chưa qua đào tạo để kịp thời bổ sung và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội cơ sở. Nhận thấy đây là mô hình vừa tiết kiệm kinh phí vừa có số lượng học viên lớn, Ban giám hiệu đã nhanh chóng mở rộng ra các tỉnh khác như: Ninh Thuận, Bình Định, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đak Lak, Quảng Ngãi, Kom Tum, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang,… Chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết cán bộ cơ sở được tập huấn nghiệp vụ phụ vận. Đồng thời, giáo viên của trường giảng dạy thường xuyên kết hợp đi thực tế ở các địa phương nên năng lực tiến bộ rất nhanh.
      Đến năm 1993, do yêu cầu về việc nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ công nhân viên nhà nước, trường tiếp tục làm nhiệm vụ hoàn chỉnh chương trình bổ túc văn hóa cấp III cho cán bộ Hội đồng thời mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo hệ tại chức cho các tỉnh theo phương thức cùng kết hợp. Song song với việc mở các lớp, trường cũng hết sức chú trọng đến việc nâng cao kiến thức cho cán bộ công nhân viên nhà trường để trường có đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, trường mạnh dạn mở thêm các lớp ngoại ngữ, tin học, dạy may công nghiệp theo phương thức phối kết hợp với các trường và các trung tâm dạy nghề. Đặc biệt là trường đã mở một lớp đại học phụ nữ cho cán bộ Hội ở các tỉnh với sự hợp tác của Trường Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh.
      Kể từ đó, Trường xây dựng mô hình đào tạo mới, liên kết giữa trường với địa phương để mở các lớp trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ phụ vận tại các trường chính trị của tỉnh theo chương trình trung cấp nghiệp vụ công tác Hội. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn này cũng mở rộng hơn, không chỉ tập trung ở đội ngũ cán bộ Hội đang công tác mà còn có các cán bộ nữ công đang công tác trong lực lượng vũ trang và các cơ quan kinh tế nhà nước.
      Giáo viên nhà trường đảm nhiệm toàn bộ chương trình nghiệp vụ phụ vận. Các môn học bổ trợ (như tâm lý, xã hội học, nhà nước và pháp luật, phát triển cộng đồng…), nhà trường tiến hành liên kết với các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các Trường Đại học đầu ngành tại khu vực phía Nam. Sự cộng tác của đội ngũ các chuyên gia, các giảng viên, nghiên cứu viên là cơ hội để đội ngũ giáo viên nhà trường nâng cao kiến thức về các lĩnh vực, đồng thời trao đổi và học tập kinh nghiệp về phương pháp giảng dạy, nghiên cứu. Đây là một trong những biện pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo.
      Về nội dung chương trình, Trường vẫn tiếp tục chiêu sinh lớp trung cấp hệ dài hạn tập trung 18 tháng tại trường, chuyên đề kiến thức về Giới và kỹ năng lãnh đạo cũng được đưa vào nội dung chương trình giảng dạy theo chuyên đề và chương trình của các khóa học.
      Tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên của Trường đã không ngừng phấn đấu về mọi mặt để thực hiện đổi mới nội dung chương trình và phương thức đào tạo. Từ 1992 – 1995, Trường đã mở được 01 lớp trung cấp chính trị, nghiệp vụ công tác Hội với 50 học viên; 31 lớp nghiệp vụ cơ sở cho 3.113 học viên; 04 lớp đào tạo lại cho cán bộ hội chủ chốt cho 306 học viên.
      Với những nỗ lực và đóng góp của tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, ngày 20 tháng 10 năm 1995, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tặng Trường Cờ Truyền thống của Hội.
      Giai đoạn 1996 – 2000
      Giai đoạn 1996 – 2000, trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ nguồn cho các cấp Hội phụ nữ của các tỉnh phía Nam. Ban giám hiệu Trường đã rất quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội. Cùng với quá trình đổi mới nội dung, chương trình của các khóa đào tạo được bổ sung những vấn đề thiết thực cho phong trào hoạt động của Hội như: Những chủ trương, chính sách, đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế; quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác vận động phụ nữ trong thời kỳ mới; các chính sách pháp luật có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em…
      Hoạt động cơ bản của trường trong thời gian này là tiếp tục tổ chức các khóa Trung cấp lý luận và nghiệp vụ phụ vận, đào tạo, huấn luyện về doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức khóa đào tạo cử nhân xã hội học cho đối tượng là cán bộ chuyên trách công tác Hội các huyện, tỉnh phía Nam.
      Năm 1997, trường đã tổ chức thực hiện dự án của Chính phủ Hà Lan về “huấn luyện phụ nữ làm doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ” trong 3 năm. Với những hoạt động trong khuôn khổ dự án, nhà trường đã nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên về ngoại ngữ, tin học, kiến thức quản lý doanh nghiệp… Cơ sở vật chất của trường được tu bổ, nâng cấp khang trang. Cán bộ, giáo viên của trường đã nghiên cứu, biên soạn cuốn giáo trình “hướng dẫn phụ nữ làm doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ” (xuất bản năm 1998) là tài liệu cơ bản trong các khóa huấn luyện, được các cấp Hội ở các địa phương đánh giá cao. Tài liệu đã kịp thời đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý kinh tế cho phụ nữ. Trường đã tổ chức được 10 khóa TOT (Training of Trainer – đào tào người huấn luyện) về huấn luyện cho phụ nữ làm doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ trong thời gian 3 tháng cho 299 học viên.
      Thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội. Trường vừa thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng tập trung tại chỗ vừa liên kết với các tỉnh để tổ chức các lớp ở tại địa phương. Trường đã tổ chức được 01 lớp trung cấp lý luận và nghiệp vụ phụ vận cho 25 học viên; 25 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phụ vận cho 2.043 học viên; 18 lớp bồi dưỡng cán bộ hội cơ sở cho 1.367 học viên; 06 lớp bồi dưỡng cán bộ Hội vùng dân tộc – tôn giáo cho 532 học viên; 03 lớp đào tạo lại 242 học viên; 02 lớp bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy phương pháp cùng tham gia 42 học viên; 02 lớp học tập Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 8 do Trung ương Hội chủ trì cho 216 học viên; 03 lớp tập huấn chuyên đề cho cán bộ hội phía Nam 168 học viên; 46 lớp kiến thức giới cho 2.834 học viên; 21 lớp kỹ năng lãnh đạo cho 512 học viên; 26 lớp kỹ năng ứng cử viên quốc hội và Hội đồng nhân dân cho 679 học viên; 02 lớp phương pháp dạy học cùng tham gia cho 40 học viên; 02 lớp Đại học chuyên ngành xã hội học cho 98 học viên; các lớp doanh nghiệp nhỏ: 10 lớp tại trường cho 229 học viên, 14 lớp ở các tỉnh 415 học viên, 06 lớp khởi sự doanh nghiệp tại nhà văn hóa phụ nữ và thanh niên 100 học viên.
      Ngày 08.12.2000, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ra quyết định sáp nhập Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương và Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương II thành Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương. Trường có trụ sở tại Hà Nội và Phân hiệu tại Tp. Hồ Chí Minh. Từ đây, các hoạt động của Trường gắn liền với các hoạt động của Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương.
      Giai đoạn 2001 – 2011
      Trong giai đoạn này, trường bước đầu vận dụng thực hiện theo quy chế quản lý giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống nhất nội dung, chương trình, giáo trình; từng bước thực hiện thống nhất công tác nghiên cứu và đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ của Hội. Đặc biệt, trường đã mở rộng các hình thức liên kết đào tạo tại trường và các địa phương.
      Nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của trường không ngừng được đổi mới, bổ sung để đảm bảo nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội, thiết thực đối với yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước và công tác vận động phụ nữ như: Giới, kỹ năng lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, công tác xã hội. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của trường được bổ sung những vấn đề khoa học bổ trợ như: khoa học xã hội, tâm lý học, xã hội học… trường đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng nhiều loại chương trình với nội dung phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu của đối tượng đào tạo là cán bô chuyên trách các cấp Hội, cán bộ mới tham gia công tác Hội, cán bộ làm công tác phụ nữ của các ngành, cán bộ Hội phụ nữ vùng tôn giáo, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, các xã điểm trong cả nước.
      Từ năm 2001 đến năm 2004, Trường đã tổ chức được 31 lớp bồi dưỡng cho cán bộ Hội cấp huyện, cấp cơ sở về nghiệp vụ và các chuyên đề cho 1.548 học viên; 01 lớp nâng cao huấn luyện về quản lý doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ cho 18 học viên; liên kết với các địa phương tổ chức 11 lớp Trung cấp lý luận và nghiệp vụ phụ vận cho 998 học viên; 02 lớp Trung cấp lý luận và nghiệp vụ phụ vận tại trường 70 học viên; liên kết với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức 01 lớp Đại học ngành xã hội học cho 89 học viên.
      Từ năm 2005 đến năm 2011, trường tổ chức và liên kết tổ chức rất nhiều khóa học khác nhau: 20 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội và các chuyên đề cho 1.212 học viên; 03 lớp TOT cho 79 học viên; tổ chức thí điểm 01 lớp Sơ cấp ngành Công tác phụ nữ tại tỉnh cho 81 học viên; 02 lớp chuyển giao chương trình Sơ cấp cho 75 học viên; 03 lớp Trung cấp ngành Công tác phụ nữ tại trường cho 99 học viên; liên kết với các tỉnh mở 29 lớp Trung cấp ngành công tác phụ nữ tại tỉnh cho 2.149 học viên; 02 lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ văn phòng và kỹ năng giao tiếp cho 83 học viên; 01 lớp huấn luyện phụ nữ làm doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ cho 21 học viên; liên kết với các địa phương tổ chức 15 lớp Sơ cấp ngành Công tác phụ nữ cho 798 học viên; liên kết với Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 03 lớp cử nhân xã hội học cho 363 học viên; đặc biệt, Trường đã tổ chức được 03 lớp bồi dưỡng cho 93 nữ cán bộ lãnh đạo nước Campuchia.
      Sự đổi mới trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường trong thời gian này đã kịp thời đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ đoàn thể. Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường được thể hiện qua chất lượng đội ngũ cán bộ sau đào tạo. Hầu hết số học viên được đào tạo, bồi dưỡng trong những năm qua đã phát huy được khả năng, góp phần giữ vững và phát triển phong trào phụ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới của phụ nữ Việt Nam.
Giai đoạn 2012 – 2014
      Từ tháng 10.2012, Trường cán bộ phụ nữ trung ương chính thức được nâng cấp thành Học viện phụ nữ Việt Nam. Từ tháng 02.2013, Phân hiệu Trường cán bộ phụ nữ trung ương được đổi tên thành Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam, trực thuộc Học viện phụ nữ Việt Nam (theo quyết định số 24/QĐ/BGĐ, ngày 31 tháng 01 năm 2013 về việc đổi tên Phân hiệu Trường cán bộ phụ nữ trung ương thành Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam từ ngày 01.02.2013).
Từ năm 2012 đến năm 2014, Phân hiệu vẫn tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Hội các cấp theo kế hoạch hàng năm; liên kết với các trường Chính trị tỉnh mở các lớp Sơ cấp nghiệp vụ công tác phụ nữ và các lớp Trung cấp ngành công tác xã hội – chuyên ngành công tác phụ nữ theo Đề án 664 của Chính phủ cho 440 học viên; tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, cán bộ chuyên trách và cán bộ Hội cơ sở thuộc lực lượng vũ trang cho 416 học viên; liên kết với Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 04 lớp Đại học ngành xã hội học và ngành công tác xã hội với 240 học viên;
      Đặc biệt, từ tháng 01.10.2010 đến tháng 30.9.2014, Phân hiệu thực hiện Chương trình đào tạo nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp cấp cộng đồng tại Tp. Hồ Chí Minh do The Atlantic Philanthropies và Tổ chức dịch vụ gia đình và cộng đồng quốc tế (CFSI) tài trợ. Chương trình đã tổ chức được 46 lớp tập huấn về 15 chủ đề công tác xã hội dành cho 717 nhân viên công tác xã hội cấp cộng đồng với 2.290 lượt người tham gia và quản lý, hỗ trợ thực hiện 9 tiểu dự án do các tập huấn viên/tham dự viên đề xuất. Sau dự án này, Phân hiệu đã xây dựng được thêm nhiều mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức làm công tác xã hội trong và ngoài nước. Điều này góp phần mở rộng hoạt động đào tạo của Phân hiệu, không chỉ đào tạo cán bộ Hội phụ nữ mà còn đào tạo các nhân viên công tác xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
      Giai đoạn 2015 – 2018
      Năm 2016, Phân hiệu bắt đầu tham gia tổ chức đào tạo hệ đại học ngành công tác xã hội. Đến nay Phân hiệu đang đào tạo 6 lớp (01 lớp hệ vừa làm vừa học và 05 lớp liên thông trung cấp – cao đẳng lên đại học) với tổng số 241 học viên. Giai đoạn này, Phân hiệu vẫn tiếp tục liên kết với trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh đào tạo được 03 lớp đại học công tác xã hội với 135 học viên. Thực hiện tốt đề án 1891 giai đoạn 2013 – 2017, Phân hiệu đã đào tạo được 06 lớp trung cấp Công tác xã hội với 231 học viên.
      Công tác bồi dưỡng cũng được Phân hiệu phát huy hết sức hiệu quả trong những năm này. Cụ thể, Phân hiệu đã thực hiện tổng cộng 118 lớp bồi dưỡng sơ cấp, bồi dưỡng ngắn hạn, tập huấn, báo cáo chuyên đề với tổng số 9.355 lượt học viên tham gia, với đa dạng thành phần như: hội viên Hội phụ nữ, nhân viên công tác xã hội, cán bộ đoàn, bộ đội, lực lượng vũ trang, nữ công nhân, nữ phạm nhân, thanh niên, sinh viên, cán bộ nhân viên của ngành giao thông vận tải, học sinh, giáo viên, cán bộ một số sở ngành với nhiều chủ đề phong phú công tác xã hội, giới và bình đẳng giới, công tác Hội, kỹ năng tham vấn tâm lý, kỹ năng xây dựng hình ảnh bản thân, kỹ năng quản lý lãnh đạo công tác Hội, phòng ngừa bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em gái, bạo lực trên cơ sở giới, huy động nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống quấy rối tình dục… Bên cạnh đó, Phân hiệu hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình và trực tiếp tham gia tập huấn kỹ năng ứng viên Hội đồng nhân dân nhiệm kì 2016 – 2021 cho nữ ứng viên tham gia ứng cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ứng cử lần đầu tại các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang tổng cộng có 26 lớp với trên 3000 học viên tham gia (năm 2016); 03 lớp bồi dưỡng Phụ nữ Campuchia vì hòa bình và phát triển với 55 học viên.
      Năm 2018, Phân hiệu đã có những nét bứt phá rõ rệt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học: Tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện 22 lớp bồi dưỡng với 1.979 học viên, trong đó, Trung tâm BDCB tổ chức, phối hợp với các địa phương tổ chức được 10 lớp (643 học viên); Trung tâm Thực hành và cung ứng dịch vụ Công tác xã hội (thuộc khoa Công tác xã hội) tổ chức, phối hợp với các đơn vị tổ chức được 12 lớp (1.256 học viên); Tham gia tập huấn, báo cáo chuyên đề, giảng dạy 21 lớp chuyên đề, tập huấn cho các đơn vị với gần 4.603 lượt người tham dự, đối tượng đa dạng: hội viên Hội phụ nữ cấp cơ sở, bộ đội, sinh viên, học sinh THPT, THCS, Tiểu học, nhân viên dự án, cán bộ phường, giáo viên và cán bộ các ban ngành liên quan; Thực hiện đào tạo 06 lớp cử nhân hệ vừa làm vừa học, hình thức liên thông với tổng số 234 học viên tại Phân hiệu, Vĩnh Long, Vũng Tàu, Gia Lai và Đăk Nông.
      Giai đoạn 2015 – 2018 cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển rõ nét của Phân hiệu về công tác nghiên cứu khoa học và biên soạn, cải tiến tài liệu. Phân hiệu luôn chủ động viết chương trình tài liệu, cải tiến và cập nhật tình hình mới để phục vụ công tác bồi dưỡng: Kỹ năng xây dựng hình ảnh bản thân; Phòng, chống bạo lực gia đình; Công tác phụ nữ; Kỹ năng Lãnh đạo và bình đẳng giới, Phòng chống xâm hại trẻ em, Quấy rối tình dục/Bạo lực tình dục; Huy động nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới… Giảng viên Phân hiệu tích cực tham gia cùng với Học viện viết đề cương, tài liệu chương trình liên thông ngành công tác xã hội từ trung cấp – cao đẳng lên đại học. Trong giai đoạn này, giảng viên, viên chức Phân hiệu tham gia chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tham gia là thành viên các khảo sát, nghiên cứu của các trường, các đơn vị khác.
      Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và các Nghị quyết của Đại hội phụ nữ toàn quốc, Phân hiệu cùng chung sức với Học viện Phụ nữ Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung chương trình và phương thức đào tạo, góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và phong trào của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, nhà trường đã tiến hành đa dạng hóa các hình thức đào tạo, mở rộng liên kết, thực hiện đào tạo tại chỗ đáp ứng yêu cầu cán bộ tại địa phương.
      Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục đào tạo và thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển Phân hiệu trở thành một cơ sở giáo dục đại học, chú trọng phát triển các ngành đặc thù cho cán bộ nữ, cán bộ làm công tác phụ nữ, công tác xã hội và lao động nữ, Phân hiệu đã xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030. Kế hoạch này đã được Giám đốc Học viện phụ nữ Việt Nam phê duyệt theo quyết định số 331/QĐ-HVPNVN, ngày 25.6.2018. Theo đó, Phân hiệu có sứ mệnh là đơn vị đào tạo đại học định hướng nghiên cứu, với một số ngành đặc thù đạt chất lượng cao trong đào tạo và nghiên cứu; trở thành một trung tâm bồi dưỡng cán bộ Hội và cán bộ nữ có uy tín hàng đầu ở Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2030 của Phân hiệu là đơn vị đào tạo đại học định hướng nghiên cứu, với một số ngành đặc thù đạt chất lượng cao trong đào tạo và nghiên cứu; trở thành một trung tâm bồi dưỡng cán bộ Hội và cán bộ nữ có uy tín hàng đầu ở Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế.
      Phân hiệu có 18 viên chức, người lao động. Trong đó có 12 viên chức có trình độ thạc sỹ và 03 giảng viên đang học nghiên cứu sinh. Cơ cấu tổ chức của Phân hiệu gồm 2 khoa (Khoa Công tác xã hội và Khoa Khoa học cơ bản), 2 phòng (Phòng Đào tạo và Phòng Tổ chức – Hành chính) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ.
      Giai đoạn 2019-2023
      Hoạt động bồi dưỡng: Giai đoạn 2019-2023 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Ban giám đốc Học viện Phụ nữ Viêt Nam, Phân hiệu đã góp một phần quan trọng trong việc bồi dưỡng cán bộ nữ phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ của Hội và bổ sung nhiều cán bộ ưu tú, có trình độ, năng lực đảm đương các nhiệm vụ trong các tổ chức Đảng, Nhà nước và các đoàn thể thuộc khu vực phía Nam.
      Lịch sử đã chứng minh vai trò to lớn của tầng lớp phụ nữ, cán bộ nữ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã chứng minh năng lực quan trọng, lớn lao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN các cấp. Quy mô bồi dưỡng tăng đều theo từng năm, đối tượng học viên tham gia bồi dưỡng ngày càng được mở rộng, phong phú, đa dạng với chủ trương “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội” của Nghị quyết các kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ Toàn quốc đề ra. Đối tượng tham gia bồi dưỡng không chỉ là cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN các cấp mà còn là cán bộ Chi/tổ Hội, là hội viên, phụ nữ, là cán bộ viên chức, người lao động nữ trong các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội; các thành viên trong Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, các ngành; các em học sinh, sinh viên trong các cấp học phổ thông, đại học, các bậc phụ huynh…Nội dung bồi dưỡng ngày càng phong phú, đa dạng, bổ sung những vấn đề mang tính thời sự, kịp thời đáp ứng nhu cầu của các đối tượng quan tâm trong xã hội.
      Để thực hiện tốt chức năng bồi dưỡng cán bộ Hội, cán bộ nữ, Phân hiệu luôn coi trọng việc đổi mới chương trình, tài liệu, hình thức và phương pháp đánh giá, tổ chức bồi dưỡng. Bên cạnh đó, Phân hiệu còn tích cực nghiên cứu xây dựng mới các chương trình, tài liệu bồi dưỡng sát với phong trào và hoạt động Hội, cập nhật nội dung mới về công tác Hội, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các cấp Hội và hội nhập quốc tế. Đây được xem là một trong những hoạt động nổi bật, mang lại hiệu quả rất tích cực.
      Theo kết quả lượng giá cuối khóa, hầu hết cán bộ Hội phụ nữ các cấp, cán bộ nữ tham gia các khóa bồi dưỡng đều đánh giá chương trình, tài liệu sát với thực tiễn, cập nhật các nội dung mới, đáp ứng được nhu cầu của người học; công tác tổ chức lớp cũng được đánh giá cao. Đội ngũ giảng viên đứng lớp có nhiều kinh nghiệm, nghiệp vụ sư phạm giỏi, nhiệt huyết, đam mê và đặc biệt là hiểu biết sâu sắc về phong trào và hoạt động Hội, nội dung bài giảng bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, các phong trào thi đua và các khâu đột phá được đề ra trong Nghị quyết các kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc. Do vậy, học viên đánh giá rất cao và hài lòng về chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Phản hồi về việc ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học trong công tác, cấp ủy, lãnh đạo Hội cấp trên cho biết điều họ cảm nhận được rõ nét nhất đó là sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng của Phân hiệu tổ chức, cán bộ Hội, cán bộ nữ năng động, tự tin hơn rất nhiều. Sự tự tin đó được thể hiện trong công tác tham mưu, triển khai tổ chức các phong trào, hoạt động Hội và trong giao tiếp của cán bộ Hội. Chính sự tự tin đó của đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ, cán bộ nữ đã giúp cho phong trào và hoạt động Hội trong các cấp Hội đi vào thực chất, các hoạt động hướng về cơ sở thu hút được sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của hội viên, phụ nữ, từng bước nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong cho đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phụ nữ trong tình hình mới.
      Hoạt động đào tạo:
      Bậc đại học hệ liên thông và cao học: Từ năm 2016, Giám Đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam giao nhiệm vụ cho Phân hiệu tổ chức đào tạo liên thông đại học ngành Công tác xã hội hệ vừa làm vừa học. Đến 2023, Phân hiệu đã đào tạo được 9 khóa học với tổng số 299 sinh viên. Từ năm 2020, Giám Đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục giao nhiệm vụ cho Phân hiệu tổ chức tuyển sinh trình độ thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại khu vực phía Nam và đặt các lớp này tại Phân hiệu. Tính đến tháng 11 năm 2023, có 04 lớp cao học được tổ chức tại Phân hiệu với 81 học viên.
      Bậc đại học hệ chính quy: Từ năm học 2022-2023, Giám Đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam giao nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh và đặt lớp đào tạo đại học hệ chính quy tại Phân hiệu. Năm học 2022-2023, có 01 lớp ngành Công tác xã hội; năm học 2023-2024, có 02 lớp (01 lớp ngành CTXH và 01 lớp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành) với tổng số 101 sinh viên được đặt tại Phân hiệu.
Phân hiệu đã có kinh nghiệm về đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức đào tạo các bậc học với nhiều hình thức khác nhau (vừa làm vừa học, liên thông và chính quy), đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ Hội LHPN các cấp theo vị trí việc làm và yêu cầu của xã hội, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
      Hoạt động nghiên cứu khoa học:
      Để chuẩn bị cho việc đào tạo đại học chính quy, Phân hiệu đã tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ sở vật chất và công tác đào tạo. Từ năm 2017, công tác nghiên cứu khoa học được đầu tư triển khai mạnh mẽ. Phân hiệu đã tổ chức thành công rất nhiều hội thảo khoa học, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, giảng viên và sinh viên với các đối tác như Sở Lao động – Thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Cục Chính trị – Quân đoàn 4, Hội LHPN các tỉnh/thành phía nam,… Giảng viên bước đầu đã có công bố trên các tạp chí khoa học uy tín ở nước ngoài và trong nước, chủ trì và tham gia đề tài cấp bộ và cấp cơ sở.
      Chất lượng các bài viết của giảng viên có sự phát triển mạnh, nhiều bài viết đã được đăng trên các tạp chí trong nước uy tín, đã có sản phẩm đăng trên tạp chí quốc tế. Giảng viên Phân hiệu cũng đã tham gia khảo sát thực địa cho rất nhiều đề tài NCKH cấp Nhà nước, cấp Bộ; tham gia nhóm nghiên cứu phạm vi thuộc Chương trình Dự án Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em giai đoạn 2017 – 2021 tại thành phố Hồ Chí Minh do Unicef hỗ trợ kỹ thuật, Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2016-2025 tại thành phố Hồ Chí Minh do UN Women hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ Hội LHPN các tỉnh thành phía nam xây dựng bộ công cụ nghiên cứu cho các đề tài NCKH của Hội. Trong hai năm dịch Covid-19, giảng viên Phân hiệu tham gia khảo sát thực địa cho đề tài “Mức độ tương tác của học sinh với công nghệ thông tin (CNTT) trong giai đoạn dịch COVID-19 tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (International Development Research Centre – IDRC) của Chính phủ Canada thực hiện.
      Ngoài ra, viên chức, giảng viên Phân hiệu còn tham gia biên soạn sách tham khảo, sách chuyên khảo và tài liệu giảng dạy. Trong giai đoạn 2019-2023, viên chức, giảng viên Phân hiệu đã biên soạn được 3 đầu sách chuyên khảo và rất nhiều tài liệu, tập bài giảng cho chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội như Công tác xã hội với phụ nữ nghèo làm chủ hộ, Kỹ năng làm việc nhóm và tạo động lực cho người khác, Kỹ năng vận động nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, Kỹ năng xây dựng hình ảnh bản thân; Phát hiện và can thiệp sớm trẻ khó khăn học tập, Nghệ thuật chuyển hóa cảm xúc tích cực nơi làm việc, Các kỹ năng tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ, Phương pháp, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên, Phát hiện và can thiệp sớm trẻ khó khăn học tập, Kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình – cách tiếp cận từ nhân tố gây bạo lực, Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tình dục; Các tài liệu bồi dưỡng cho Hội phụ nữ Campuchia vì hòa bình và phát triển…
      Để nâng cao năng lực NCKH của giảng viên, Phân hiệu đã chủ động trong việc cử giảng viên tham gia các lớp huấn, lớp bồi dưỡng về NCKH cũng như mời các chuyên gia về chia sẻ các chuyên đề kỹ năng viết bài báo khoa học, công bố sản phẩm khoa học…; đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn đa dạng để tạo môi trường học thuật cho giảng viên có động lực tham gia các hoạt động khoa học công nghệ.
      Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế:
      Phân hiệu luôn xác định hợp tác trong nước và quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng để phát triển nguồn lực trong đào tạo, bồi dưỡng. Phân hiệu được thừa hưởng các kết quả từ việc mở rộng quy mô và giá trị nguồn lực trong hoạt động hợp tác quốc tế từ Học viện.
      Để chuẩn bị cho việc tham gia đào tạo ngành Công tác xã hội và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Phân hiệu đã tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, cơ quan làm công tác xã hội và các doanh nghiệp, công ty du lịch và lữ hành. Cho đến nay, Phân hiệu đã ký kết thỏa thuận với 14 tổ chức, cơ quan làm công tác xã hội, bao gồm: Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 2, Trung tâm ICS, Trung tâm Nâng cao năng lực cho người khuyết tật (DRD Việt Nam), Trung tâm CTXH Ánh Dương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM, SỐNG Foundation, Tình thân Foundation, Trung tâm phát triển Giáo dục và Trị liệu tâm lý Alpha, Quỹ Nâng bước tuổi thơ – Bệnh viện Pháp Việt; và 12 doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành bao gồm Công ty Du lịch Bến Thành Tourist, Khách sạn Đệ Nhất, Khách sạn Kim Đô, Công ty CP Lữ Hành VIETLUXTOUR, Công ty TNHH Du lịch Giáo dục và Du lịch Cung, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển Du lịch, Công ty Du lịch Tín Việt, Công ty Du lịch Cùng đi du lịch, Công ty Bi Travel, Công ty Cổ phần Triều Sĩ Tourist, Công Ty TNHH Du Lịch Quốc Tế PremierTour, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Ngọc Hướng Dương.
      Đồng thời, Phân hiệu cũng tăng cường tìm kiếm các đối tác chấp thuận tài trợ bằng hiện vật và tài chính để hỗ trợ học bổng cho sinh viên, trang thiết bị cơ sở vật chất cho nhà trường.
      2. Cơ cấu tổ chức, nhân sự hiện nay (đến năm 2023)
Cơ cấu tổ chức của Phân hiệu gồm:
+ Ban giám đốc: Cô Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Học viện, Giám đốc Phân hiệu và Cô Nguyễn Thị Oanh – Phó giám đốc Phân hiệu
+ 2 khoa: Khoa Công tác xã hội và Khoa Khoa học cơ bản
+ 2 phòng: Phòng Đào tạo và Phòng Tổ chức – Hành chính
+ Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ.
+ 01 bộ môn: Du lịch
+ Bộ phận công tác sinh viên; Khảo thí & đảm bảo chất lượng

Phân hiệu có 26 viên chức, người lao động. Trong đó có 02 Tiến sĩ, có 19 Thạc sỹ trong đó có 04 nghiên cứu sinh.
     3. Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam
– Tên tiếng Việt: Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam
– Tên tiếng Anh: Vietnam Women’s Academy – Ho Chi Minh Campus (viết tắt là VWAH)
– Địa điểm: Số 620, Đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Bình, Thành phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh – Logo Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam
     3.1. Sứ mệnh
Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội LHPN Việt Nam ở phía Nam, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị; tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành cho đất nước; thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, có ưu tiên nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.
     3.2. Tầm nhìn
Đến năm 2030, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam trở thành một cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam, có nhiều ngành đào tạo với định hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam; Trở thành một trung tâm có uy tín trong việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội LHPN Việt Nam, cán bộ làm công tác phụ nữ, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị.
     3.3. Giá trị cốt lõi
Đoàn kết – Tận tụy – Sáng tạo – Chất lượng
     3.4. Triết lý giáo dục
“Giáo dục Toàn diện, Chất lượng và Bình đẳng”
     4. Các thành tích đạt được
     Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam đã trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, một chặng đường lịch sử vẻ vang, 55 năm không ngừng phát triển gắn với sự phát triển của phong trào phụ nữ, phong trào cách mạng Việt Nam và các hoạt động của Trung Ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam. 55 năm là một quãng đường nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức Phân hiệu trong việc hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội phụ nữ các cấp, cán bộ nữ cho hệ thống chính trị các tỉnh phía Nam. Cho đến nay, Phân hiệu đã khẳng định được vị thế của một đơn vị đào tạo, bồi dưỡng có uy tín và duy nhất có tính pháp lí trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở phái Nam, đồng thời tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và đáp ứng nhu cầu xã hội. Phân hiệu đã góp một phần quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh của Học viện phụ nữ Việt Nam trong 60 năm qua.
     Để ghi nhận những đóng góp của Phân hiệu, Nhà nước và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng Phân hiệu những phần thưởng cao quý:
     Ngày 31.10.1996, Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương II đã được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba về những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
     Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trường (1969 – 1999), Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tặng cờ truyền thống của Hội cho tập thể cán bộ, công nhân viên nhà trường.
     Năm 1997, Trung ương Hội tặng bằng khen về thành tích trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội trong năm 1996.
     Ngày 22.01.1999, Trung ương Hội tặng bằng khen cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên Trường về thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội năm 1998.
     Ngày 10.4.2000, Trung ương Hội tặng Bằng khen cho Trường về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của Hội năm 1999.
     Ngày 02.01.2000, Trung ương Hội tặng bằng khen cho Trường cán bộ phụ nữ Trung ương II về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của Hội năm 2000.
     Năm 2001, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tặng cờ thi đua xuất sắc 5 năm liền (1997 – 2001) cho Trường cán bộ phụ nữ Trung ương II.
     Năm 2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tặng Cờ cho Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Phân hiệu (1969 – 2014).
     Ngày 27.2.2019, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen cho Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017 và 2018.
     Năm 2020, tập thể Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam được Học viện đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.