Khoa công tác xã hội
Năm 1975, Trường Lê Thị Riêng được dời từ căn cứ Tây Ninh về Tp. Hồ Chí Minh. Thời đó, còn gọi là Trường Văn – Chính vừa dạy văn hóa vừa dạy chính trị. Sau khi ổn định về cơ sở vật chất, nhân sự và các thủ tục khác, Trường đã tiến hành củng cố tổ chức, trong đó hình thành Tổ Giáo vụ. Chức năng, nhiệm vụ của Tổ Giáo vụ lúc bấy giờ là xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy, bố trí phân công giảng viên vào các môn học, mời báo cáo viên, đánh giá chất lượng học tập và quản lý học viên… Với khối lượng công việc lớn, bao gồm cả đào tạo và giảng dạy, nhưng các cô – những thế hệ đi trước đã rất hăng say, nhiệt tình để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đến năm 1990, Khoa Phụ vận được thành lập trên cơ sở của Tổ Giáo vụ, là một khoa chủ lực của nhà trường. Khoa đã được Ban giám hiệu nhà trường và Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định chức năng, nhiệm vụ để thực hiện trong giai đoạn mới. Năm 1997, Khoa Phụ vận được đổi tên thành Phòng Chuyên môn do sự sắp xếp tổ chức từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Năm 2010, Phòng Chuyên môn tách thành 02 khoa là Khoa Công tác phụ nữ và Khoa Khoa học cơ bản. Đến cuối năm 2015, Khoa Công tác phụ nữ được đổi tên thành Khoa Công tác xã hội. Từ đây, Khoa Công tác xã hội chính thức đi vào hoạt động với chức năng đào tạo cử nhân Công tác xã hội, hệ chính quy tập trung và vừa làm vừa học; Đào tạo Công tác xã hội bậc cao đẳng, trung cấp, hệ chính quy tập trung và vừa làm vừa học; Giảng dạy các môn thuộc Bộ môn Xã hội học và An sinh xã hội; Tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng, tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho các cơ quan ở trung ương, địa phương và các lớp do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức; Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, tổng kết thực tiễn; Quản lý sinh viên, học viên chuyên ngành. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Khoa Công tác Xã hội tiếp tục phát triển đội ngũ, nghiên cứu khoa học và đem kiến thức, kĩ năng của ngành đến với cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
Hiện nay, khoa có 4 giảng viên đều có trình độ thạc sỹ (trong đó có 3 giảng viên có trình độ thạc sỹ chuyên ngành công tác xã hội”. Tuy lực lượng còn mỏng và mới đi vào hoạt động nhưng đội ngũ giảng viên của Khoa luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.