Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã và đang dần được kiểm soát. Du lịch đang phục hồi và phát triển mạnh, nhân lực du lịch đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Để giải bài toán trên, các nhà quản lý du lịch cần nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến động là nội dung trọng tâm cấp bách hàng đầu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn của thị trường du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid – 19
Sự thiếu hụt nhân sự du lịch trầm trọng do Du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau hai năm kéo dài dịch Covid-19. Đặc biệt, khi chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại, nhiều hãng hàng không quốc tế, nhiều đường bay thẳng đến Việt Nam được xây dựng. Một số sân bay cũng được nâng cấp, mở rộng như sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng,… Bên cạnh đó, các chính sách để hỗ trợ ngành du lịch phát triển được chú trọng, chính sách cấp thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam có sự thay đổi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nội địa và quốc tế. Vì vậy, số lượng khách quốc tế và nội địa tăng cao, mặt khác trong đại dịch Covid-19 đã có nhiều lao động du lịch chuyển đổi ngành nghề. Điều đó, dẫn đến ngành du lịch không đáp ứng được nhu cầu về nhân sự trong giai đoạn hiện nay.
Trong tham luận gửi tới Hội nghị Tổng kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch năm 2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, đánh giá về kết quả năm 2022, Tổng cục Du lịch cho biết năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022 là năm đánh dấu sự khởi sắc của du lịch Việt Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Du lịch Việt Nam nhận 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 – khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam.
Có thể nói rằng, sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch covid 19 không chỉ do nhu cầu đi du lịch tăng cao của du khách trong nước và quốc tế, các chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển du lịch, mà còn là sự nỗ lực của toàn ngành du lịch trong việc phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh liên kết, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và quốc tế, thông qua các chương trình kích cầu du lịch như “Việt Nam, điểm đến an toàn, hấp dẫn”, “Việt Nam, đi để trải nghiệm”…
Khủng hoảng nhân sự sau đại dịch Covid–19
Hiện nay các đơn vị trong ngành Du lịch gặp nhiều thách thức, đặc biệt là thiếu nhân lực. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trước dịch, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp, với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Thực trạng mất cân bằng giữa cung và cầu nhân lực ngành du lịch, sự thiếu hụt nhân lực trong ngành du lịch, đặc biệt nhân lực chất lượng cao là điều khó tránh khỏi khi du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển. Việc tuyển dụng và đào tạo mới nhân lực đang là bài toán nan giải để cân đối về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo các doanh nghiệp, nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 50 – 60% nhu cầu thị trường, chưa kể xử lý các công việc phát sinh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn với nhiều nguyên nhân khác nhau, từ sự dịch chuyển lao động ngành nghề do covid 19, số lượng khách du lịch tăng, đến sự mở rộng các dịch vụ kinh doanh du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành rơi vào khủng hoảng nhân sự, một số doanh nghiệp phải chuyển đổi kinh doanh, một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự.
Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Nguyễn Thanh Bình, dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan. Theo đó, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu lao động, giai đoạn 2022 – 2030, trung bình mỗi năm cần bổ sung trên 60.000 lao động.
Trước sự suy giảm lượng lớn nguồn nhân lực du lịch do tác động của dịch Covid-19, nhiệm vụ phục hồi hoạt động du lịch đang gặp không ít khó khăn. Do đó, phục hồi lại nguồn nhân lực du lịch là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn của thị trường du lịch.
Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), mỗi năm toàn ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng học sinh, sinh viên ngành này ra trường mỗi năm khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Chính nhu cầu cao về nguồn nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho người học, với mức lương khởi điểm hấp dẫn, khoảng 8-10 triệu đồng/tháng cùng với chế độ ưu đãi tốt. Theo đó, ngành học Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành đang dần trở thành xu thế lựa chọn tương đối “hot” của khá nhiều bạn trẻ.
Trước “cơn khát” về nguồn nhân lực Du lịch, đặc biệt nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tế xã hội hiện nay, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, để đào tạo cung cấp nhân lực đủ số lượng và đảm bảo chất lượng đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Nhận thức rõ, nhân lực luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành du lịch, vì đây là yếu tố quyết định sự thành công không chỉ của một sản phẩm du lịch mà còn là thương hiệu du lịch của một quốc gia. Đặc biệt, du lịch cũng là ngành kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch so với các ngành kinh tế khác. Học viện phụ nữ Việt Nam (cơ sở Tp. Hồ Chí Minh) đã nắm bắt xu hướng và thực tiễn xã hội, kịp thời đào tạo ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành để cung cấp ngay nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, lữ hành, đón đầu thời điểm du lịch phục hồi hoàn toàn. Chương trình đào tạo luôn bám sát thực tế, thiết kế theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, chú trọng kiến thức, kỹ năng nghề Asean. Sinh viên được đào tạo theo mô hình “kép” giữa Nhà trường và doanh nghiệp du lịch, thực hành, thực tập chuyên sâu tại doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng với nhà trường trong việc đánh giá năng lực đầu ra của sinh viên. Sinh viên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành có rất nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm phù hợp với chương trình đào tạo và năng lực như: Hướng dẫn viên du lịch, điều hành du lịch, Sales marketing du lịch, quan hệ khách hàng, tổ chức sự kiện, lễ tân, bộ phận Phòng, bộ phận Nhà hàng, bộ phận Bar, phòng kinh doanh, giám sát, quản lý, các tổ chức phi chính phủ, nghiên cứu viên, giảng viên về du lịch và khách sạn tại các trường cao đẳng, đại học và tổ chức nghiên cứu trong các lĩnh vực du lịch và khách sạn, tham gia sáng lập, tự khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp du lịch và lữ hành. Ngoài ra, các nhân sự có thể đảm nhận các vị trí như quy hoạch dự án du lịch, quảng cáo truyền thông hoặc các vị trí khác liên quan đến ngành du lịch, nhà hàng…
Th.s. Nguyễn Thị Hồng Nhâm
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
Để lại một phản hồi