Sinh hoạt chuyên đề “Thực hành kỹ thuật giảm căng thẳng và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho bản thân”

     Cuộc sống bận rộn khiến bạn không thể tránh khỏi những lúc căng thẳng (stress), mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn. Nói một cách khác, tâm lý không tốt chính là nguồn gốc của nhiều loại bệnh tật. Stress là một loại bệnh và nó cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều loại bệnh khác, có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Stress thật ra là vấn đề không hề đơn giản như bạn nghĩ. Bị stress nặng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe như: mất ngủ, đau đầu, tình trạng hoa mắt, chóng mặt, thay đổi tâm lý, hay buồn phiền, cáu gắt, rối loạn trí nhớ, thậm chí là trầm cảm,…

     Nhận thức được thực tế trên, khoa Khoa học cơ bản – Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Thực hành kỹ thuật giảm căng thẳng và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho bản thân” với mục đích tạo ra cơ hội để giảng viên khoa cũng như những người quan tâm biết cách tự chăm sóc sức khoẻ tâm thần và giảm căng thẳng cho cá nhân. Mở đầu buổi sinh hoạt các thành viên được hướng dẫn bài tập thực hành thở sâu, bấm huyệt, xoa bóp vùng vai gáy để tăng sức đề kháng và giảng mệt mỏi dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của sơ Hoàng Oanh – chuyên viên nghiên cứu y học cổ truyền. Đồng thời, buổi chia sẻ cũng cung cấp một số phương pháp đơn giản để người tham gia có thể sử dụng khi đối mặt với căng thẳng qua phần trình bày của cô Thuỳ Linh – giảng viên Tâm lý của khoa Khoa học cơ bản.

     Cô Thuỳ Linh chia sẻ: Nếu bị stress trong một thời gian dài sẽ rất nguy hiểm đến sức khoẻ bao gồm cả thể chất và tinh thần. Cô đưa ra một số gợi ý để giảm căng thẳng như sau:

     Nếu cảm thấy căng thẳng thần kinh, bạn nên tìm đến một góc nhỏ thư thái, yên tĩnh, sau đó ngồi xuống và tập trung vào hơi thở của bản thân. Hãy quan sát sự thay đổi liên tục của tâm trí, duy trì đầu óc trong trạng thái trống rỗng, hướng vào từng nhịp thở chậm rãi và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Lúc này, người đọc bắt đầu hít vào thật sâu, dồn không khí xuống bụng, phình bụng ra hết mức, chậm rãi thở ra bằng miệng, cuối cùng nhẹ nhàng hóp bụng để tống toàn bộ không khí ra ngoài.

     Massage: Đây là cách để giảm stress cũng rất hiệu quả. Massage không chỉ giúp bạn thư giãn cơ bắp mà còn có những tác động tích cực đến nồng độ hormone trong cơ thể. Tinh thần của bạn cũng tích cực hơn, dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều. 

     Viết nhật ký: một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, viết nhật ký chính là cách giúp bạn xua tan mệt mỏi, căng thẳng nhờ kiểm soát và phân tích các tình huống tốt hơn, đưa ra những cách xử lý tốt hơn.

     Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ cũng là nguyên nhân gây căng thẳng và ngược lại những người căng thẳng cũng dễ bị thiếu ngủ. Nó giống như một vòng luẩn quẩn khiến bạn luôn mệt mỏi. Một giấc ngủ ngon không chỉ giúp cơ thể tái tạo năng lượng để vận động thể chất tốt hơn mà đây cũng là cơ hội để tinh thần bạn được nghỉ ngơi, loại bỏ căng thẳng.

     Giao tiếp nhiều hơn: Khi được trò chuyện nhiều hơn với mọi người, những vấn đề của bạn sẽ được tháo gỡ, giúp bạn phân tích và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, sự lo âu, căng thẳng sẽ dần mất đi. 

     Tăng cường vận động: Khi những suy nghĩ khiến bạn quá mệt mỏi, bạn nên vận động thể chất. Đây là cách làm giảm stress hiệu quả nhờ giải phóng Cortisol từ tuyến thượng thận, hạn chế được các tác động tiêu cực của stress.

     Không phàn nàn: Đứng trước những khó khăn, nhiều người có thói quen phàn nàn và bực bội nhưng đây là điều không nên. Các chuyên gia tâm lý khuyên bạn nên chấp nhận và tìm ra hướng giải quyết, đồng thời suy nghĩ tích cực hơn thay vì phàn nàn và suy nghĩ tiêu cực. 

     Tập thiền: Tập thiền giúp bạn giảm căng thẳng, có thể giảm cảm giác đau đớn và suy nghĩ tích cực hơn.

     Tình trạng căng thẳng tinh thần có nhiều tác động tiêu cực đến sức khoẻ và đời sống của con người…Nếu không khắc phục kịp thời, vấn đề này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, các cá nhân cần chủ động nhận diện căng thẳng và có kỹ năng giải toả và chăm sóc tinh thần cho chính mình vì mục đích phát triển bền vững.

     Buổi sinh hoạt vô cùng thiết thực trong bối cảnh giãn cách xã hội, chuẩn bị thiết lập trạng thái “bình thường mới” với những lo lắng, căng thẳng, khó khăn và thách thức, mỗi cá nhân cần phải nỗ lực tìm cách thích nghi, cũng như có những biện pháp phù hợp để bản thân không rơi vào trạng thái stress đảm bảo khoẻ về thể chất lẫn tinh thần.

                                                                                    Người đưa tin: ThS. Lê Thị Thuỳ Linh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*