Hoa hồng thép trên tuyến lửa

Hoa hng thép trên tuyến la

      Tết cổ truyền dân tộc là dịp để mỗi người, mỗi gia đình sum họp cùng nhau, là một dịp hội tụ để bày tỏ tình cảm yêu thương sau một năm vất vả, sau những năm xa cách. Đây chính là món quà cao quý, thiêng liêng nhất mà mỗi người dành cho nhau mỗi khi xuân về, Tết đến trên khắp nẻo quê hương.

     45 mùa xuân đã đi qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, dẫu có những giai đoạn khó khăn nhưng hầu như mỗi chúng ta đều có một cái Tết khá trọn vẹn, dẫu có thể cuộc sống vật chất của ta chưa nhiều nhưng chúng ta được một nền hòa bình, ổn định để phát triển về mọi mặt.

     Tận hưởng những mùa xuân thanh bình, ấm áp, chúng ta cũng không quên mở lại những trang sử trước, đất nước sống trong thời chiến, đã có những mùa xuân chưa trọn vẹn. Đặc biệt, chúng ta nhớ lại Tết Mậu thân năm 1968, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Miền Nam, nhiều chiến sĩ Cách Mạng hy sinh anh dũng cho sự trường tồn của dân tộc, trong đó có nhiều cán bộ nữ Miền Nam. Chúng ta không thể nào quên những cống hiến, hy sinh cao cả của người nữ anh hùng với bí danh Hai Liên, đó là Cô Lê Thị Riêng.

Nữ anh hùng Lê Thị Riêng
Nữ anh hùng Lê Thị Riêng

     Cô Lê Thị Riêng sinh năm 1925 tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) trong một gia đình nông dân nghèo. Cha tham gia kháng chiến chống Pháp rồi mất tích, mẹ mất sớm, bà được người chú ruột nuôi dưỡng. Bà được một nhà giáo hoạt động cách mạng giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng từ ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945. Năm 1948, Cô Hai Liên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó làm cán bộ Phụ nữ huyện Giá Rai, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Năm 1949, Cô Hai Liên được phân công làm Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc Miền Đông. Năm 1960 Cô được phân công làm Phó Hội trưởng BCH Trung ương Hội LHPN giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.  Đến năm 1965, Cô được tổ chức phân công phụ trách Trưởng ban Phụ vận khu Sài Gòn – Gia Định và trực tiếp vào nội thành chỉ huy lãnh đạo phong trào phụ nữ của Sài Gòn, Chợ Lớn.

     Cô cũng có một gia đình riêng với tình cảm tràn đầy dành cho nhau nhưng do điều kiện đất nước chiến tranh, cả Cô và Chồng đều tham gia Cách Mạng nên không có thời gian nhiều để sống gần nhau và 2 con. Năm 1960, Cô gửi 2 con ra Miền Bắc để học tập, rèn luyện để sau này tiếp tục sự nghiệp Cách Mạng. Cuối năm 1960, Cô nhận được hung tin: Chồng Cô hy sinh. Trước sự đau đớn này, Cô đã viết vào Nhật ký của mình:“…Bao nhiêu mong nhớ đợi chờ làm tắt ngấm! Đời tôi đã trải qua lắm lần tang tóc như thế, nhưng không lần nào sâu nặng bằng lần này. Còn lại 2 con sống xa mẹ, chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh giúp tôi hăng hái đi lên, không bao giờ lùi bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho mọi người không còn tang tóc, chia ly…”.

Gia đình Cô Lê Thị Riêng
Gia đình Cô Lê Thị Riêng

     Tháng 5 năm 1967, Cô bị bắt và tra trấn dã man nhưng chúng không hề lay chuyển được Cô. Giữa lúc quân và dân ta thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 khắp đô thị miền Nam, bọn địch đã bí mật đưa Cô Hai Liên và hai đồng chí nữa đi sát hại, đó là đồng chí Trần Văn Kiểu và Phùng Ngọc Anh. Trong giờ phút sinh tử như thế, nhưng người nữ chiến sĩ Cách Mạng vẫn không hề nao núng tinh thần, giữ trọn niềm tin với Đảng, với Bác Hồ. Sự hy sinh anh dũng của Cô đã góp phần tô thắm truyền thống hào hùng của dân tộc, của Phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập vô cùng gian khổ và ác liệt.

     Để tri ân và tiếp bước truyền thống của thế hệ đi trước, ngày 8 tháng 3 năm 1969, đánh dấu sự ra đời của Trường Phụ nữ mang tên nữ anh hùng Lê Thị Riêng, là tiền thân của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện nay. Là thế hệ đi sau, chúng tôi chỉ biết về Cô Lê Thị Riêng qua những trang lịch sử oanh liệt của dân tộc, nhưng cách đây vài năm, có lần tôi đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày Thương binh – Liệt sĩ, bất chợt tôi nhìn thấy Cô Đàm Thị Thiên Bửu – một nữ cựu tù chính trị Côn Đảo đã dừng lại trước mộ Cô Lê Thị  Riêng để thắp hương. Cô đứng trước mộ Cô Hai Riêng và nói rằng: “Con là Bửu nè Dì Hai, hôm nay con đến thắp nhang cho anh con và những Cô Chú họ hàng của gia đình và cho Dì đây. Con còn nhớ hồi đó, mỗi khi con bị gọi tên để tra hỏi, thẩm vấn thì Dì nói với con rằng: “Bửu, ráng lên con,…”. Kể từ đó, tôi biết được rằng, Cô Bửu có biết về Cô Hai Riêng trong thời gian bị tù đày tại Tổng nha Sài Gòn năm 1967, 1968.

     Mỗi dịp xuân về, vào ngày Mùng 2 Tết, viên chức và người lao động Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam (mà tiền thân là Trường Lê Thị Riêng) lại quay quần bên nhau để làm mâm cơm thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân người nữ anh hùng Lê Thị Riêng, nhớ về những năm tháng gian lao mà anh dũng. Cô Hai đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự hồi sinh của dân tộc. Đặc biệt trong ngày giỗ của Cô – Mùng 2 Tết Canh Tý năm 2020, chúng tôi có dịp được nghe Cô Đàm Thị Thiên Bửu kể những câu chuyện về Cô Hai Riêng thật xúc động. Cô kể về những đòn tra tấn vô cùng man rợ, khốc liệt mà Cô Hai phải chịu đựng trong những ngày bị giam cầm khổ sai tại Tổng nha Sài Gòn.  Tuy trong điều kiện tù đày, bản thân Cô cũng phải đối mặt với những thử thách đòn roi tra tấn, thế nhưng tinh thần khí tiết vẫn luôn mạnh mẽ, truyền sức mạnh tinh thần cho đồng đội trong những lúc đối diện với thử thách khắc nghiệt ở chốn lao tù.

Cô Đàm Thị Thiên Bửu kể chuyện về nữ anh hùng Lê Thị Riêng
Cô Đàm Thị Thiên Bửu kể chuyện về nữ anh hùng Lê Thị Riêng

     Để thay lời kết cho bài viết này, xin mượn mấy dòng thơ để tưởng nhớ, tri ân và ngưỡng mộ một người mẹ, người vợ, người chiến sĩ Cách Mạng trung kiên, bất khuất, người phụ nữ can trường, nghĩa khí và nhân hậu đã chiếu đấu, hy sinh trọn đời mình cho quê hương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Vĩnh biệt đóa hồng trên tuyến lửa

Trong nguy nan, vẫn chói rạng chí anh hào

Đời đời hậu thế luôn ghi nhớ

Truyền thống Phụ nữ Việt Nam mãi sáng ngời

                                                         Phạm Thị Thu Trâm – Phòng TC-HC

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*