Chiếc áo của Má năm xưa

Chiếc áo của Má năm xưa

    Đã hơn 30 năm, kể từ ngày đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, từ nền kinh tế tập trung bao cấp được chuyển sang nền kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước. Từ đó đến nay, cuộc sống vật chất của các gia đình Việt Nam đã được nâng cao, do vậy việc ăn mặc cũng dần thay đổi, đa dạng về chủng loại/ kiểu dáng, sắc màu, ….ai cũng có thể chọn cho mình những trang phục hợp với nhu cầu, sở thích và điều kiện kinh tế….

    Còn nhớ những năm của thập niên 80 thế kỷ XX , đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, khi việc ăn uống còn chưa đủ, thì ít ai có thể nghĩ đến sẽ sắm cho mình những chiếc áo hơi đắt tiền và hợp thời trang, hơn nữa hàng hóa lại rất khan hiếm. Là một thành viên trong gia đình có đến mười người con ở nông thôn, thời điểm đó, những bữa cơm chưa đủ no là chuyện thường ngày, huống chi là nói đến mặc ấm và đẹp. Tôi nhớ rất rõ, những năm học cấp I, II, III tôi thường mặc những quần áo cũ của người khác cho nhưng rất hiếm chứ không như bây giờ, có quần áo để mặc đã là vui và hạnh phúc lắm rồi. Năm lên lớp 10, khi bắt đầu đi lên huyện để học ở trường phổ thông trung học mà tôi cũng chưa có chiếc áo nào mới để chuẩn bị cho ngày khai trường sắp tới. Dù vậy, tôi vẫn không dám đòi hỏi gì, bởi tôi biết gia đình rất khó khăn và thiếu thốn mọi bề, lo cho cái ăn trong gia đình mười người thì đã vất vả quá rồi, còn chuyện học hành của tám, chín người con thì lại càng thêm khốn đốn. Mỗi năm đến mùa khai trường, lòng tôi lại lo lắng khôn nguôi, không biết có được tiếp tục đi học nữa hay không hay phải nghỉ ở nhà…

    Và rồi, thật bất ngờ ngoài sự mong đợi, tôi đã có một chiếc áo hoa li ti màu xanh da trời xinh xắn, chất liệu vải kate, kiểu Bâu Danton khá hợp model thời đó. Dù là áo cũ sửa lại và may bằng tay, nhưng đối với tôi đó là áo mới, chiếc áo của tình cảm thiêng liêng, tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con của mình. Má tôi đã chẳng ngần ngại hy sinh luôn cả cái áo lành lặn duy nhất mà mình có dùng khi cần thiết đi đây đó, để cho tôi có áo mới mặc đến trường. Tôi rất quý chiếc áo này nên đã sử dụng rất cẩn thận mỗi ngày và chiếc áo ấy đã đồng hành cùng tôi được gần hai năm. Đến một hôm, như những ngày học bình thường, tôi xuống sân trường để tập thể dục giữa giờ với tất cả học sinh các lớp, sau khi tập được mấy phút thì một bạn học nữ đứng sau lưng tôi hốt hoảng gọi tôi và nói rằng: “T, áo của T rách rồi, ở sau lưng, một đường dài lắm”, tôi nghe nhưng thấy cũng bình thường, không có gì là bất ngờ, bởi đây là chiếc áo tôi đã sử dụng thường xuyên trong một thời gian khá lâu nên đến thời điểm nó phải như thế. Dù là học sinh nữ, dù đã học cấp III rồi nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mắc cỡ, xấu hổ khi mình mặc áo rách trong buổi học ngày hôm đó, bởi nó là chiếc áo đong đầy tình cảm thiêng liêng, chia sẻ đến tận cùng mà Má tôi đã dành cho tôi trong lúc tôi thật sự cần nó. Vì thế, mặc dù người bạn học của tôi rất ngạc nhiên về việc này nhưng đối với tôi thì hoàn toàn bình thường và không có gì để lo lắng cả, và tôi đã tiếp tục tập xong bài thể dục giữa giờ theo quy định của Trường và sau đó lên lớp để học tiếp hai tiết của ngày hôm đó, bởi tôi biết việc học là quan trọng, đồng thời cũng là cách để chúng ta tri ân tình thương của thầy cô, đặc biệt là đối với những người mẹ đã tảo tần, vất vả bao năm để chăm lo cho những người con của mình.

    Dù chiếc áo đã sờn cũ, không còn nguyên vẹn sau hơn 30 năm nhưng giá trị tinh thần của nó vẫn luôn nóng ấm, sâu sắc và lành lặn, không bao giờ phai nhạt trong tôi, bởi nó là minh chứng sinh động cho đức hy sinh của người mẹ vì tương lai của con cái./.

                                                                        Phạm Thị Thu Trâm

 

5 bình luận

  1. Cảm ơn tác giả bài viết đưa người đọc về với cảm xúc ngày xưa, một thời khốn khó, mẹ đã nhận về mình bao vất vả đắng cay để nhường hết những gì tốt đẹp nhất cho con. “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc – Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con”.

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*