Hội thảo quy tụ gần 100 đại biểu là nhà khoa học, các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; các đại biểu đến từ các địa phương, bộ, ngành… tham dự.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, bản sắc và nguồn lực là những yếu tố cốt lõi, không chỉ góp phần tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn cho các điểm đến, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo và tài nguyên thiên nhiên quý giá.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng đối mặt với những thách thức lớn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việc kiến tạo bản sắc du lịch không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo trong việc khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên đặc sắc của từng địa phương, mà còn cần học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế, kết hợp với những nghiên cứu kỹ lưỡng đặc thù của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Hương nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, bản sắc và nguồn lực du lịch giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch; đồng thời, đóng góp vào sự thịnh vượng về kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia.
Sự phong phú và độc đáo của tài nguyên tự nhiên, văn hóa và công nghệ không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn duy trì tính bền vững trong quá trình phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Khai thác hợp lý các giá trị văn hóa đặc trưng, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực hiệu quả chính là chìa khóa kiến tạo bản sắc du lịch độc đáo và phát triển bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo. |
Điều này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Qua các bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, hội thảo tập trung thảo luận 3 chủ đề chính: Về cơ sở lý luận về bản sắc và nguồn lực trong phát triển du lịch bền vững; Thực tiễn về bản sắc và nguồn lực trong phát triển du lịch bền vững; Kinh nghiệm quốc tế và kiến giải cho Việt Nam.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực mang lại, một thực tế không thể phủ nhận là việc phát triển du lịch nhiều năm qua còn những vấn đề hạn chế, bất cập trên nhiều mặt.
Phát triển du lịch phần nhiều còn nặng tính khai thác và quá chú trọng đến sự tăng trưởng về mặt con số kinh tế, chưa chú trọng đến các yếu tố xã hội và môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực.
Cụ thể, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch đôi khi gây ra áp lực lớn lên môi trường tự nhiên và tài nguyên như ô nhiễm, xây dựng không kiểm soát và suy thoái tài nguyên biển…
Những tác động tiêu cực trên không chỉ làm giảm giá trị của việc tăng trưởng mà còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự kém bền vững của các hoạt động du lịch.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Để phát triển bền vững, các nhà khoa học cho rằng, dưới tác động của chuyển đổi số, ngành du lịch Việt Nam cần tăng cường triển khai một loạt các giải pháp tích hợp công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường, tăng cường trải nghiệm du khách và hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Cùng với đó, phát triển du lịch văn hóa bền vững cần dựa vào bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng tại chỗ.
Bản sắc văn hóa địa phương chính là giá trị văn hóa, đặc trưng địa văn hóa và quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa của các lớp dân cư trên một vùng đất.
Khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch là một hướng đi được chú trọng trong thời gian gần đây nhằm xây dựng, kiến tạo các sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù để tạo nên bản sắc du lịch cho một điểm đến, cho một vùng văn hóa.
Cho nên, việc kiến tạo bản sắc văn hóa của từng địa phương, vùng miền để tiếp tục phát triển du lịch văn hóa trong bối cảnh hiện nay là việc làm cần thiết để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.