Trò chơi dân gian- Những giá trị văn hóa đặc sắc
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
Không biết các bạn đọc có thấy quen thuộc với câu vè trên hay không? Nếu có thì chắc hẳn các bạn đọc cũng giống như tôi, đã trải qua một tuổi thơ dữ dội với những trò chơi dân gian như thế này. Rồng rắn lên mây, nhảy dây, lò cò,… những trò chơi đã theo tôi trong suốt tuổi thơ. Những trò chơi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại góp phần tạo nên những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, nó xuất hiện từ khi nào hầu như chúng ta không biết, nhưng lạiắn bó mật thiết với đời sống văn hóa và xã hội của nhân dân ta từ rất lâu, truyền từ đời này sang đời khác.
Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn, nơi nghề lúa nước vẫn là nguồn thu nhập chính của làng quê, khi ba mẹ vẫn còn là những người nông dân lam lũ gieo mạ, gặt lúa và tát nước bên bờ. Khi ấy đất nước còn đang oằn mình đứng dậy sau sự tàn phá chiến tranh, những đám trẻ nhỏ trong làng nào đã biết đến điện thoại thông minh hay tivi và máy tính như bây giờ, với chúng tôi đó là những món hàng xa xỉ mà khi ấy bản thân còn không định hình được những thứ đó là gì. Khi ấy những hình thức vui chơi giải trí của trẻ con chúng tôi cũng rất mộc mạc và giản dị, có rất nhiều trò chơi đầy thú vị mà bây giờ cũng khó có cơ hội được nhìn thấy nữa.
Mỗi một trò chơi đều có ý nghĩa của riêng nó là mang tính giáo dục hoặc rèn luyện, ví như trò kéo co sẽ rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ, tính đoàn kết; hoặc trò chơi ô quan rèn luyện sự nhạy bén, nhanh nhạy; trò bịt mắt bắt dê sẽ rèn luyện khả năng quan sát hoặc cảm nhận. Trẻ sẽ học được tính đoàn kết, chia sẻ và yêu thương, khuyến khích các con nói chuyện, giao tiếp, góp phần đẩy lùi những vấn nạn bạo lực do các thiết bị điên tử mang lại. Từ những điều này chúng ta thấy, việc duy trì và giữ gìn những trò chơi dân chơi vô cùng quan trọng trong xã hội hiện nay.Thông qua những trò chơi tưởng chừng như cơ bản nhưng sẽ thay chúng ta giáo dục và dạy con cái được rất nhiều điều, thậm chí là giúp con trẻ phát triển những kĩ năng, giúp con nhận ra được các tố chất của mình hoặc sở thích, góp phần làm tăng trưởng các chỉ số quan trọng cho con như IQ, EQ, AQ,…và giáo dục nhân cách cho con.
Những đứa trẻ được lớn lên trong thời đại số hóa và công nghệ 4.0 hiện nay sẽ cảm thấy rất xa lạ với những trò chơi dân gian như thế, thậm chí có nhiều đứa bé vì để ba mẹ có thời gian rảnh rỗi làm công chuyện hoặc có thời gian riêng cho bản thân mà đưa những thiết bị điện tử cho con cái. Thay vì được trải qua một tuổi thơ với trò chơi dân gian, các bé lại lớn lên với những kênh youtube, chưa kể những nội dung mà các bé xem lại không được bố mẹ kiểm soát.Việc sử dụng điện thoại quá nhiều có thể dẫn đến những tác hại khôn lường, và các bé ít có cơ hội tham gia những trò chơi dân gian, để có một tuổi thơ đúng nghĩa. Việc chạy theo cơm áo gạo tiền đã làm cha mẹ bớt đi thời gian quan tâm con cái. Hãy chậm lại vài giây phút nào đó để chúng ta ngắm nhìn con, chơi đùa với con và hướng dẫn cho những trò chơi hay như lò cò, ô ăn quan,…Những trò chơi ngoài việc giải trí còn có thể gắn kết gia đình, thắt chặt thêm tình cảm bố con, mẹ con và đâu phải cứ còn nhỏ mới được chơi trò chơi, không phải chúng ta đều từng là những đứa trẻ con. Hãy để các con có một tuổi thơ đúng nghĩa, để chúng có những kỉ niệm để nhắc lại như chúng ta, chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến con và giúp các con nhận ra những điều lý thú và bổ ích từ những trò chơi.
Quá trình hình thành và phát triển, những trò chơi dân gian của Việt Nam ngày càng bị mai một theo năm tháng trong khi đây là hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí và mang tính giáo dục cao, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam. Từ đó chúng ta cần gìn giữ bản hóa văn sắc dân, loại bỏ những thói quen, trò chơi không lành mạnh, mang đến cho thế hệ mầm non của đất nước những bài học bổ ích, giáo dục sự sáng tạo thông qua những trò chơi giải trí và thú vị.
Vũ Thị Phương Thanh- P.TC-HC
Để lại một phản hồi