Thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ

THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG GIA ĐÌNH THÔNG QUA TRAO QUYỀN KINH TẾ CHO PHỤ NỮ

Tóm tắt:

Thực tiễn cho thấy gia đình là nơi đầu tiên định hình các quan hệ giới, truyền tải những chuẩn mực giới và quyết định những cơ hội cho các thành viên gia đình, vì thế bên cạnh việc đề xuất và thực hiện những luật pháp, chính sách, chương trình, dự án,… mang tính vĩ mô thúc đẩy bình đẳng giới, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ là cần thiết và hoàn toàn thực hiện được. Theo chúng tôi, đây là cơ sở để thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ trong gia đình, giúp phụ nữ được lên kế hoạch, hành động, phân bổ các nguồn lực kinh tế của gia đình, sẽ có ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Bằng cách phân tích, tổng hợp các luận cứ, tác giả làm rõ thực trạng, lợi ích và khó khăn 2 giới gặp phải khi trao quyền kinh tế cho phụ nữ ngay tại gia đình, từ đó đưa ra một số giải pháp hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam hiện nay.

1. Mở đầu

Trong lịch sử đấu tranh cho quyền phụ nữ, quyền bình đẳng giới trên thế giới trong vòng vài thập kỷ qua, có một số văn bản luật pháp quốc tế về bình đẳng giới cơ bản là: Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1979 và hiện có 185 quốc gia thành viên; Hội nghị Thế giới lần thứ tư về Phụ nữ được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong những năm 1995 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới, hàng nghìn các tổ chức phi chính phủ đã đề ra Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh trên 12 lĩnh vực; Hội nghị Cấp cao Thiên niên kỷ được Liên hiệp quốc tổ chức trong năm 2000 tại New York (Mỹ) với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao của 189 nước trên thế giới đã thông qua tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu, trong đó mục tiêu 3 là Tăng cường bình dẳng nam nữ và nâng cao quyền năng cho phụ nữ và Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững. Những văn bản luật pháp quốc tế này được xem là chuẩn mực quốc tế về bình đẳng giới đã thắp sáng cho chúng ta một khát vọng chung về một cuộc sống bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Có thể nhận định rằng thế giới đã rất nỗ lực trong cuộc chiến xóa bỏ rào cản bất bình đẳng giới, và vấn đề định kiến giới, rào cản giới, thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Là một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, nhưng trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành những luật pháp, chính sách của Quốc gia về giới, phụ nữ và phát triển như: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013), Luật Bình đẳng giới(năm 2007), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình(năm 2008), Bộ Luật lao động(năm 2013), Luật Hôn nhân và Gia đình(năm 2014) đồng thời có các tổ chức, cơ quan thực thi Bình đẳng giới. Đặc biệt, sáng 13/11/2016, tại Nhà hát lớn ( Hà Nội) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Như vậy, với hệ thống văn bản pháp luật quốc tế về bình đẳng giới cộng với nhiều nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới nhưng tại Việt Nam vẫn tồn tại những khoảng cách nhất định giữa phụ nữ và nam giới không chỉ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, mà còn ngay tại gia đình. Vì thế, để thúc đẩy bình đẳng giới, cần nhiều thời gian và sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố gia đình. Thực tiễn và lý luận đều chứng minh một cách rõ ràng rằng, gia đình và bình đẳng giới có mối quan hệ hữu cơ với nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau. Gia đình chính là ngôi trường đầu tiên đào tạo, hình thành nhận thức của con người về mọi lĩnh vực của xã hội, trong đó có bình đẳng giới, là nơi diễn ra quá trình xã hội hóa cá nhân thông qua các quan hệ giới, chuẩn mực giới. Ngược lại, bình đẳng giới trong gia đình phản ánh kết quả của quá trình nhận thức, tỏ thái độ và hành vi của các thành viên trong gia đình về bình đẳng giới. Do vậy, gia đình có thể làm trầm trọng hơn hoặc có thể làm dịu đi sự phân biệt giới, thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

2. Nội dung

2.1. Những khái niệm liên quan

Để nhận thức đúng đắn về thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ trước hết phải hiểu đúng các khái niệm liên quan như giới, giới tính, bình đẳng giới, trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình.

Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội .

Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ .

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và vai trò phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó .

Trao quyền là một quá trình mà người yếu thế có thể kiểm soát cuộc sống của mình bằng cách tham gia với những người khác trong việc phát triển các hoạt động và thể chế xã hội, trao quyền cho phép mọi người tăng cường sự tham gia của mình trong các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Trong quá trình này, người được trao quyền trở thành những người lãnh đạo bản thân hiệu quả. Quá trình này liên quan đến việc sử dụng quyền lực, nhưng không phải là “quyền lực bên trên” hay sự thống trị; thay vào đó, quyền lực được coi là “quyền lực tới” – đến những con người yếu thế .

Trao quyền kinh tế cho phụ nữ là xóa bỏ những rào cản về giới đối với việc tham gia vào nền kinh tế đi kèm những cải cách cần thiết để hỗ trợ, là tạo điều kiện để có nhiều phụ nữ an toàn hơn về mặt kinh tế, có tiền tiết kiệm và cải thiện tiếp cận với tư liệu sản xuất .

Hiện chưa có khái niệm trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, tổng hợp từ những vấn đề trên, tác giả cho rằng, trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình là xóa bỏ những rào cản về giới đối với việc tham gia vào kinh tế gia đình, được tạo điều kiện và vai trò phát huy năng lực của mình cho sự phát triển, ra quyết định và tích lũy kinh tế trong gia đình. Có thể trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình bằng cách nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình về vai trò của người phụ nữ trong việc sản xuất, tích lũy, phát triển kinh tế trong gia đình, để người phụ nữ có tiếng nói trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến vấn đề kinh tế trong gia đình.

2.2. Thực trạng phụ nữ tham gia quản lý kinh tế trong gia đình

Hoạt động kinh tế trong gia đình là một trong những mảng hoạt động quan trọng của mỗi gia đình, có thể tóm gọn trong hai hoạt động cơ bản đó là hoạt động sản xuất và hoạt động tiêu dùng.

Theo kết quả của bài báo Ứng xử giữa vợ chồng trong hoạt động kinh tế và quản lý ngân sách sinh hoạt gia đình , khi tìm hiểu về mức độ ra quyết định và thực hiện các hoạt động kinh tế gia đình thì dù cả nữ giới và nam giới thường cho rằng họ có vai trò như nhau trong việc ra quyết định trong nội bộ gia đình. Tuy nhiên qua những phân tích sâu thì quyền quyết định cuối cùng liên quan đến những vấn đề quan trọng vẫn thuộc về nam giới . Lý giải cho vấn đề này là do tính cách lo xa, chần chừ, do dự của người phụ nữ nên họ không có khả năng ra quyết định, trong khi đó làm ăn kinh tế thì cần nhanh nhạy để chớp lấy thời cơ. Bên cạnh đó, liên quan đến việc xác định quyền quyết định thường thuộc về chủ hộ gia đình, là trụ cột gia đình. Một nghiên cứu khác, tác giả Vương Thị Vân cũng cho ra kết quả nghiên cứu tương tự, đó là mặc dù người phụ nữ có vai trò quan trọng trong công việc gia đình và tham gia quản lý sản xuất nhưng do phong tục tập quán, nhận thức của người dân nên việc ra quyết định cuối cùng vẫn là người chồng. Vấn đề này phổ biến trong các hộ gia đình nông thôn, tuy vậy có sự khác biệt giữa các vùng, giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc, các nhóm tuổi.

Bên cạnh hoạt động sản xuất để đóng góp kinh tế vào ngân sách chung trong gia đình, việc quản lý ngân sách chung trong sinh hoạt gia đình cũng là vấn đề quan trọng. Cũng theo kết quả nghiên cứu của tác giả Đỗ Thị Lệ Hằng, phần lớn người vợ là người giữ tiền để chi cho những hoạt động sinh hoạt thường ngày, nhưng quyết định lớn trong gia đình như mua sắm tài sản đắt tiền, tổ chức đám cưới, xây sửa nhà cửa,… vẫn thuộc về người chồng. Theo thời gian, quan hệ vợ chồng có sự dân chủ và bình đẳng hơn, thể hiện ở tỉ lệ cả hai vợ chồng trong gia đình cùng tham gia vào những quyết định chi tiêu lớn trong gia đình, và có sự khác nhau theo khu vực khi xem xét vai trò của 2 giới trong nắm giữ chi tiêu hàng ngày. Các gia đình ở thành thị thì tỷ lệ người chồng nắm chi tiêu hàng ngày chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ (0.6%) so với 2.4% và 1.5% gia đình ở Hà Tây và Thái Bình .

Theo kết quả nghiên cứu của Học viện Phụ nữ Việt Nam, gần một nửa số phụ nữ được hỏi (46,9%) khẳng định người vợ là người quản lý thu nhập trong gia đình và 40,7% cho rằng người vợ cùng với chồng quản lý thu nhập .

Như vậy, kết quả của một vài nghiên cứu trên cho chúng ta cái nhìn tổng quan rằng, trong gia đình Việt Nam hiện nay, dù không tuyệt đối nhưng có sự phân chia lĩnh vực ảnh hưởng của 2 giới: người vợ quyết định những việc liên quan đến cuộc sống bình thường (chi tiêu hàng ngày: ăn uống, sinh hoạt,…) còn nam giới có tiếng nói trong những việc được cho rằng hệ trọng (mua nhà, sản xuất, kinh doanh…). Một cách rõ ràng, người phụ nữ trong gia đình vẫn chưa có tiếng nói quyết định trong các vấn đề kinh tế trong gia đình (chưa kể đến tỷ lệ những người phụ nữ không được quản lý kinh tế trong gia đình, phụ thuộc hoàn toàn trong những quyết định liên quan đến kinh tế trong gia đình).

2.3. Lợi ích khi trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và đảm bảo cho gia đình phát triển, no ấm, bền vững. Quan niệm truyền thống tại Việt Nam thừa nhận rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, và “đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp” cũng là nhằm đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng một gia đình bền vững. Trong gia đình, với tư cách “ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người” , người phụ nữ thể hiện quyền lực kinh tế của mình ở 2 khía cạnh cơ bản: trực tiếp lao động sản xuất tạo thu nhập và quản lý các nguồn lực của gia đình. Vì thế, trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình sẽ mang lại những lợi ích chính yếu sau đây:

Mặc dù có sự tác động của yếu tố môi trường và xã hội, nhưng những đặc điểm sinh học của nam, nữ khác nhau mà đặc biệt là sự khác biệt trong cấu tạo của não bộ của nam giới và nữ giới đã tạo ra sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động. Cụ thể, trong khi các hoạt động của nam giới phần lớn do não phải chi phối nên nam giới theo bản năng tự nhiên luôn thể hiện sự phân tích và tính cạnh tranh nhiều hơn, thì ở phụ nữ các hoạt động này lại chủ yếu được kiểm soát bởi bán cầu não trái nên phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và thiên về sự chăm chút tỉ mỉ cho những người xung quanh . Chính ưu điểm này của phụ nữ sẽ là lợi ích đầu tiên khiến cho việc phụ nữ nắm quyền kinh tế trong gia đình hiệu quả hơn nam giới. Nhờ sự chăm chút, chu đáo, tỉ mỉ, sắp xếp các sinh hoạt trong đời sống gia đình, nên trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang, thực phẩm không an toàn, dịch bệnh, người phụ nữ vẫn tính toán một cách khoa học và nghệ thuật bếp núc để luôn đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng và các sinh hoạt khác đảm bảo cho kinh tế gia đình ổn định.

Đồng thời, khi được trao quyền kinh tế trong gia đình, người phụ nữ sẽ được nâng cao địa vị, hình thành sự bình đẳng trong chức năng kinh tế, góp phần tạo dựng cho sự bình đẳng trong gia đình ở các khía cạnh khác hơn. Dù tham gia lao động ngoài xã hội hay ở nhà chăm sóc gia đình, phụ nữ vẫn là người nội trợ chính trong gia đình, tham gia trực tiếp đến việc chăm sóc các thành viên. Là người lo liệu việc sắm sửa, mua những vật dùng cần thiết cho gia đình, nhưng nếu cần tiền mà phải hỏi ý kiến chồng hay xin tiền chồng sẽ khiến chị em mất đi cảm giác an toàn và tự tin. Bên cạnh đó, có đến 23.3% lao động nữ làm công việc gia đình không hưởng lương vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả lý do người phụ nữ chọn chăm sóc gia đình theo ý muốn của người chồng, thì khi nam giới không muốn vợ chung tay kiếm tiền, nếu ngay cả việc giữ tiền, các anh cũng giành với vợ, thì quan hệ vợ chồng sẽ mất đi sự đồng lòng, thấu hiểu và sẻ chia, đặc biệt là khiến người phụ nữ luôn thấy mình là người ăn bám, dẫn đến tự ti. Nếu cả hai vợ chồng mất đi sự bình đẳng, trong gia đình luôn có sự phân công thứ bậc người làm ra tiền – người phụ thuộc, ăn bám thì vô cùng bất lợi cho hạnh phúc gia đình và sự hòa hợp lâu dài của cả hai.

Tiếp theo, khi người phụ nữ nắm kinh tế trong gia đình sẽ khiến người đàn ông yên tâm kiếm tiền, tạo dựng kinh tế cho gia đình. Sự cạnh tranh ngày một gắt gao trong các lĩnh vực lao động khác nhau đã khiến nam giới cảm thấy không dễ dàng, hơn nữa phần lớn đàn ông không giỏi trong việc quản lý tài chính. Nếu đã vất vả vì công cuộc tạo dựng kinh tế, lại còn dành thời gian để xem xét chi tiêu như thế nào cho phù hợp, tiết kiệm số tiền kiếm được ra sao,… thì quả là quá sức chịu đựng đối với nam giới. Trong khi đó, phụ nữ dù trực tiếp tham gia lao động tạo ra kinh tế đóng góp vào ngân sách chung của gia đình, thì họ vẫn sẽ làm rất tốt vai trò này.

Ngoài ra, gia đình muốn no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững cần thực hiện tốt các chức năng của gia đình, trong đó có chức năng kinh tế. Cần biết chi tiêu, tích lũy của cải để phòng những rủi ro trong đời sống gia đình. Với đầu óc quản lý và điều hành gia đình của phụ nữ sẽ giúp gia đình tích lũy của cải, đảm bảo sự sống còn của gia đình, đảm bảo cho gia đình được ấm no, giàu có, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội phồn vinh.

Hơn thế nữa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ mang lại không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Chính sự tự tin, cảm giác an toàn của người phụ nữ sẽ bao trùm lên toàn bộ không khí tâm lý trong đời sống gia đình, giúp họ thực hiện tốt hơn vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình.

Rõ ràng việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình không chỉ mang lại những lợi ích riêng cho người phụ nữ, mà còn là những lợi ích cho các thành viên trong gia đình và toàn xã hội.

2.4. Những khó khăn khi trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình

Căn cứ vào một số kết quả nghiên cứu về thực trạng phụ nữ tham gia quản lý kinh tế trong gia đình và dựa trên thực tế cho thấy rằng, cho đến nay, số phụ nữ được trao quyền kinh tế trong gia đình không phải là tất cả. Sỡ dĩ như vậy là do quá trình trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình gặp phải những khó khăn chủ quan (từ chính người phụ nữ) và những khó khăn khách quan (từ người đàn ông). Cụ thể như sau:

2.4.1. Khó khăn về phía người phụ nữ

Trước tiên, trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình làm gia tăng khối lượng công việc của người phụ nữ. Để mang lại hiệu quả trong việc cân đối thu chi, tính toán và nghệ thuật nội trợ, đòi hỏi người phụ nữ phải đầu tư thời gian và trí tuệ để tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau để sát với hoàn cảnh gia đình. Việc này đòi hỏi người phụ nữ phải có nhân cách, tình yêu chồng con, tâm huyết với đời sống gia đình, có động cơ và nhu cầu đúng đắn đối với mục tiêu vì một gia đình ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều phụ nữ chưa nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong việc “tay hòm chìa khóa”, do vậy họ chưa thực sự chủ động trong việc đề nghị được trao quyền kinh tế trong gia đình hoặc được cùng chồng bàn bạc khi thực hiện các công việc chung, trọng đại trong gia đình. Thực tế cho thấy nhiều người phụ nữ tự đánh mất quyền và trách nhiệm của mình trong gia đình cũng là vì nhận thức vấn đề này chưa thấu đáo.

Thêm vào đó, trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình không phải là để phụ nữ “làm quyền”, “nắm toàn bộ” tài sản trong gia đình. Điều này đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn của người phụ nữ: cách tổ chức đời sống vật chất và đời sống tinh thần trong gia đình, chia sẻ và giáo dục con cái, khuyến khích người chồng hiểu về những khó khăn trong cân đối thu chi của đời sống gia đình, thu hút sự chú ý, tập trung của người chồng vào vấn đề kinh tế trong gia đình. Muốn hoàn thành tốt những điều trên thì người phụ nữ phải am hiểu tính cách, tâm lý của người bạn đời cũng như các yếu tố tác động đến tâm lý người chồng trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ để có sự phối hợp nhuần nhuyễn và mang lại hạnh phúc trong gia đình. Đây thật sự là những thách thức lớn đối với người phụ nữ trong quá trình thực hiện quyền kinh tế trong gia đình.

Đặc biệt là, do ảnh hưởng của tư tưởng cũ để lại, vẫn còn nhiều phụ nữ – nhất là phụ nữ ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa – còn tư tưởng tự ti, an phận, thụ động. Điều này đã làm hạn chế độc lập suy nghĩ, sáng tạo, khả năng cống hiến của phụ nữ, đó chính là lực cản bên trong kìm hãm họ, họ không tự giải phóng được chính mình khỏi suy nghĩ và hành động của bản thân. Điều này đã hạn chế vai trò của chính họ thực hiện quyền kinh tế trong gia đình. Hơn nữa, trình độ học vấn, sự tiếp cận và tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng gia đa số còn chậm và hạn chế đã làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong sản xuất, quản lý hộ và tham gia công tác quản lý cộng đồng.

Trong thực tế thì bên cạnh những phụ nữ làm tốt vai trò quản lý tài chính trong gia đình, vẫn có rất nhiều phụ nữ không làm tốt vai trò này. Họ thường “vung tay quá trán” mỗi khi có tiền, hoặc mua sắm vô tội vạ, không có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, không công khai các khoản thu – chi cùng chồng, những phát sinh nhiều khi không cần thiết,… khiến người chồng không tin tưởng khi giao “tay hòm chìa khóa”.

Nói chung, những khó khăn trên đã làm cản trở quá trình trao quyền kinh tế cho phụ nữ ngay tại gia đình – mà nhiều khi phụ nữ không biết rằng mình không được trao quyền kinh tế trong gia đình cũng là do chính bản thân.

2.4.2. Khó khăn về phía người chồng

Trước hết phải kể đến định kiến giới đang tồn tại trong nhận thức của nam giới. Định kiến giới là một tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, một cộng đồng cụ thể nào đó gán cho nam giới hay phụ nữ, ở đây là nam giới gán cho phụ nữ. Rất nhiều nam giới cho rằng phụ nữ gắn với việc nội trợ, chăm sóc, giáo dục con cái, phục vụ gia đình (một trong các “tiêu chuẩn” chọn vợ của nam giới là mong muốn có một người vợ không giỏi giang, không quá ham mê sự nghiệp , chỉ cần biết nấu ăn, ngoan ngoãn,…).

Tiếp theo phải kể đến việc nhiều nam giới chưa nhận thấy được ích lợi khi trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình. Điều này xuất phát từ việc thích làm chủ, ảnh hưởng từ văn hóa phương Đông, từ việc sợ giao hết kinh tế cho vợ thì “mất quyền” trong chính gia đình. Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi có sự tham gia chủ động và tâm lý hoàn toàn thoải mái của người chồng. Người chồng phải nhận thấy những lợi ích khi trao quyền kinh tế cho người vợ, nhận thấy tầm quan trọng của bình đẳng giới trong gia đình sẽ giúp người vợ kiểm soát, nhận ra và có quyền tự quyết, định đoạt các vấn đề liên quan đến kinh tế gia đình. Tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo nên hiện nay vẫn còn rất nhiều người chồng – dù là người trí thức- chưa thích ứng và chưa hoàn toàn tự nguyện khi trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình, họ xem như là một mối đe dọa “nỗi sợ hãi của người đàn ông chính là nỗi sợ bị mất quyền kiểm soát của họ” .

Thứ nữa, nhiều người không thấy tin tưởng khi giao kinh tế cho vợ, nhất là những gia đình có người phụ nữ không khéo léo trong cân đối thu chi, sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình. Những trường hợp này sợ công lao của họ sẽ bị người vợ “ném qua cửa sổ”, dẫn đến kinh tế gia đình không ổn định và phát triển.

Hơn nữa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình đòi hỏi cả người chồng và người vợ phải có tinh thần hợp tác trên cơ sở tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, cùng một mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bền vững. Nhưng có những người chồng rất ích kỉ, muốn có cách sống cho riêng mình, muốn giữ tiền để chi tiêu cho các mối quan hệ ngoài luồng, không liên quan đến những khoản chi tiêu trong gia đình. Điều này liên quan đến trách nhiệm xây dựng và gìn giữ gia đình của cả hai giới.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình còn đứng trước nhiều khó khăn, nhận thức được những khó khăn sẽ là một nút thắt trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

2.5. Nguyên nhân dẫn đến việc bất bình đẳng trong vấn đề kinh tế trong gia đình

Do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, gia trưởng cùng với sự thay đổi chậm chạp của ý thức xã hội, nam giới chưa thay đổi quan niệm về trụ cột gia đình, nữ giới luôn nghĩ mình là người hỗ trợ chồng trong vai trò trụ cột gia đình.

Trình độ học vấn, hiểu biết xã hội của người chồng hoặc người vợ cũng góp phần quan trọng trong việc nắm giữ kinh tế trong gia đình. Nếu trong gia đình có sự tương đồng về học vấn thì sẽ có sự bàn bạc, thỏa thuận và ngược lại.

Định kiến giới cho rằng người chồng là chủ chốt, kiếm ra tiền thì làm chủ, người vợ chỉ cần làm nội trợ và nội trợ là việc nhẹ. Ngoài ra còn phải kể đến những nguyên nhân khác như tệ nạn xã hội làm cho nhận thức con người ngày càng kém, không chọn được cách hành xử lịch thiệp giữa vợ và chồng.

2.6. Gợi mở những giải pháp cơ bản hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam hiện nay

Tiến đến bình đẳng giới ngay tại gia đình và bình đẳng giới trong xã hội là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng nhằm tiến đến bình đẳng giới của Việt Nam hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình phản ánh sự bình đẳng giới của xã hội. Để bình đẳng giới trong gia đình mà cụ thể nhất là thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam hiện nay, thiết nghĩ cần phải có sự kết hợp và triển khai một cách đồng bộ các giải pháp sau:

Đầu tiên cần chú trọng, quan tâm hơn nữa tới thúc đẩy bình đẳng giới ngay tại gia đình khi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục của xã hội, coi đây là giải pháp quan trọng để cải thiện bình đẳng giới. Về mặt tổ chức, nên thành lập từng ban chỉ đạo, bộ phận soạn thảo nội dung, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề,… nhằm góp phần giúp gia đình nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của vị trí, tầm quan trọng của việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình.

Thêm nữa, cần nhận thức rằng việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội, từ đó mỗi người ý thức tốt về vai trò của mình trong vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Trách nhiệm xóa nhòa định kiến giới, tiến đến bình đẳng giới là trách nhiệm của mỗi gia đình, của toàn xã hội, là cơ sở để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thêm vào đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình, không ngừng cố gắng học tập, nâng cao kiến thức để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Cụ thể là hướng đến thành lập các câu lạc bộ trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ thường xuyên, tạo điều kiện nâng cao nhận thức của nam giới trong vấn đề trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình và giúp đỡ cho những phụ nữ trẻ, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, phụ thuộc vào kinh tế của chồng cách quản lý chi tiêu hiệu quả, biết cách lên kế hoạch chi tiêu cho gia đình, hạn chế những khoản phát sinh, không mua sắm những vật dụng không cần thiết, biết cách tiết kiệm tài chính, công khai tài chính với chồng…; giao lưu với những người phụ nữ được trao quyền kinh tế trong gia đình và làm tốt vai trò của mình, có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất và hoạt động tiêu dùng.

Cuối cùng, trước mắt cũng như lâu dài, vấn đề nâng cao các kỹ năng, nghệ thuật quản lý chi tiêu trong gia đình, cách trao đổi các vấn đề kinh tế cùng chồng, đề nghị chồng cho bản thân người phụ nữ tham gia vào các vấn đề kinh tế trong gia đình, đề nghị được chồng trao quyền kinh tế, nghệ thuật giữ lửa gia đình, cách giải quyết những bất đồng về tài chính giữa các thành viên trong gia đình là yếu tố then chốt cần được ưu tiên, bởi vấn đề này được xem là một yếu tốt chính hạn chế cơ hội được trao quyền kinh tế trong gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới của người phụ nữ. Vấn đề này nếu được chú trọng sẽ giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ để người phụ nữ được lên kế hoạch, hành động, phân bổ các nguồn lực kinh tế của gia đình, sẽ có ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đây là vấn đề quyền con người mà nếu được giải quyết sẽ tăng cường khả năng của phụ nữ trong việc nâng cao vị trí, quyền lực và tiếng nói của mình trong cả gia đình và xã hội.

Tóm lại, để có bình đẳng giới bền vững trong xã hội cần phải có sự bình đẳng giới từ gia đình. Thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình là biện pháp hữu hiệu để xây dựng một xã hội no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

3. Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang là xu hướng phổ biến như hiện nay, với vai trò ngày càng quan trọng của phụ nữ và các cuộc cách mạng nhằm xóa nhòa định kiến giới, tiến đến bình đẳng giới, việc đẩy mạnh bình đẳng giới trong gia đình nói chung và bình đẳng giới trong gia đình thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ lại càng có ý nghĩa thiết thực. Gia đình là nơi tuyên truyền, giáo dục tốt nhất về các chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới. Tuy nhiên, bình đẳng giới trong gia đình là một vấn đề phức tạp, cần được xem xét trên nhiều bình diện. Mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha và con có nhiều yếu tố đan xen, bình đẳng giới chỉ là một trong nhiều chiều kích, còn có tâm lý, tình cảm, cách ứng xử tùy tính khí, tùy gia đình môi trường nơi họ lớn lên. Do đó việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về luật pháp chỉ là một phần, còn lại cần nâng cao nhận thức về vị thế của người phụ nữ trong gia đình, tầm quan trọng của việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong gia đình là cơ sở cần thiết để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ngay tại gia đình.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Thị Mai Đông (2015), Vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, cổng thông tin Hội Liên hiệp phụ nữ Bắc Giang, http://hlhpn.bacgiang.gov.vn/ban-can-biet/vai-tro-cua-phu-nu-trong-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc.htm
2. Chiến lược Bình đẳng giới 2016-2020 của Australia tại Việt Nam
3. Đỗ Thị Lệ Hằng (2008), Ứng xử giữa vợ chồng trong hoạt động kinh tế và quản lý ngân sách sinh hoạt gia đình, Tạp chí Tâm lý học, số 7 (112), 7-2008.
4. Khoa Giới và phát triển (2016), Tập bài giảng Học phần Giới và phá triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, tr.84
5. Nghị quyết số 11-NQ/TW của bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đầy mạnh CNH-HĐH đất nước
6. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2006), Luật Bình đẳng giới http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=14854
7. Vương Thị Vân (2009), Vai trò của phụ nữ nông thông trong phát triển kinh tế hộ trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Đại học Thái Nguyên

Tác giả: Phan Thị Cẩm Giang
Thạc sĩ Tâm lý học
Giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, 620 Đỗ Xuân Hợp, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 01688 606 538
Mail: camgiang.phan1909@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *