Ngày 02 tháng 11 năm 2021, Chi đoàn Phân hiệu tổ chức Sinh hoạt chuyên đề “Phương pháp kỷ luật tích cực” nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng về kỷ luật tích cực – một trong những cách tiếp cận mang tính giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ. Thông qua sinh hoạt, các giảng viên, nhân viên, sinh viên và các thành viên tham gia có cơ hội trao đổi, thực hành kỷ luật tích cực trong giáo dục con.
Buổi chia sẻ diễn ra với không khí thoải mái, cởi mở với sự dẫn dắt thú vị của thầy Bào Trường và sự chia sẻ chân thành, nhiệt huyết của cô Thuỳ Linh cùng cô Thu Phương về các nội dung bao gồm: Kiến thức chung về phương pháp kỷ luật tích cực; Kỹ năng và biện pháp thực hiện phương pháp kỷ luật tích cực; Những khó khăn/thuận lợi khi vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực; Các giải pháp để vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực.
Trong phần chia sẻ của cô Thuỳ Linh, cô đã nhấn mạnh: “Hiểu để yêu con đúng cách”. Để hiểu con cần trả lời các câu hỏi sau: Con tôi giống tôi ở điểm nào? Con tôi làm gì để thu hút được sự chú ý của tôi? Những thứ mà con tôi yêu thích là gì? Con tôi phải đối mặt với những thử thách đặc biệt nào? Điểm mạnh đặc biệt của con tôi là gì? Tôi đánh giá cao điều gì về con tôi?. Cô cũng cho rằng cha mẹ cần hiểu về sự phát triển của trẻ vì: Mỗi trẻ có những đặc điểm giải phẫu sinh lý độc đáo, riêng biệt; Một đứa trẻ có nhu cầu khác nhau tùy giai đoạn phát triển; Nếu có điều gì làm cho trẻ bị tổn thương ở một giai đoạn nào đó (như bị lạm dụng hoặc cha mẹ li hôn, tử vong) thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
Cũng đồng tình với những quan điểm của cô Thuỳ Linh, việc giáo dục con là một quá trình và chính bản thân cha mẹ cũng cần phải học. Trong nội dung cô Thu Phương đề cập có phân biệt giữa trừng phạt và kỷ luật tích cực; Đưa ra bài tập trắc nghiệm để mỗi thành viên tham gia tự nhận xét và xem lại cách giáo dục con, hay dự định giáo dục con đã phù hợp hay chưa; Một số gợi ý trong việc vận dụng kỷ luật tích cực vào giáo dục con.
Các thành viên tham gia đều tán đồng quan điểm: “Nhìn cây sửa đất. Nhìn con sửa mình”. Chính mỗi người lớn là tấm gương cho con trẻ học theo, sự khen ngợi con là điều quan trọng nhưng cần chú ý cách khen, lời khen và cần khen quá trình hơn tập trung vào kết quả. Buổi chia sẻ kết thúc cũng mở đầu cho sự lan tỏa những điều tốt đẹp đến các bậc phụ huynh trong tương lai về việc giáo dục con và vận dụng kỷ luật tích cực trong việc giáo dục con. Dù cha mẹ sử dụng cách nào thì hơn hết đều mong muốn dành cho con điều tốt đẹp, thiện lành nhất mà cha mẹ có thể để các con đủ bản lĩnh, đủ trí đức trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Người đưa tin: ThS Lê Thị Thu Phương