Nữ quyền và bình đẳng giới

Nữ quyền là quyền phụ nữ, đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Nữ quyền về bản chất là đấu tranh đòi sự công bằng, bình đẳng giữa nữ giới và nam giới. Đấu tranh vì nữ quyền là cuộc đấu tranh chính nghĩa; các phong trào nữ quyền chính là sản phẩm của xã hội còn mang tư tưởng phụ quyền, khiến phụ nữ lệ thuộc vào nam giới.

Phong trào nữ quyền bắt đầu vào thế kỷ XVIII khi sự áp bức, bóc lột giai cấp ngày càng tăng - ảnh minh họa (Nguồn: Int)
Phong trào nữ quyền bắt đầu vào thế kỷ XVIII khi sự áp bức, bóc lột giai cấp ngày càng tăng – ảnh minh họa (Nguồn: Int)

Nữ quyền có hạ thấp vai trò của nam giới?

Lý giải tại sao một số người không thích “nữ quyền”, cần lưu ý đến một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, nữ quyền thường gắn với hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, có vẻ thách thức quyền lực với nam giới. Xã hội nhìn chung chưa quen và khó chấp nhận hình ảnh người phụ nữ như vậy. Thứ hai, một số ý kiến cho rằng, những người đấu tranh vì nữ quyền muốn kiểm soát thế giới, hạ thấp vai trò của nam giới. Thứ ba, có những lo ngại rằng, nữ quyền sẽ khiến các mối quan hệ giới bị đảo lộn, phụ nữ sẽ nắm quyền hành và nam giới mất đi vai trò “bá quyền” trong xã hội.

Trên thực tế có những trường hợp “nữ quyền thái quá”, nghênh chiến, thách thức, tạo ra sự đối lập giữa hai chiến tuyến. Nữ quyền không phải như vậy, nữ quyền đấu tranh đòi quyền bình đẳng phụ nữ đáng được hưởng, thúc đẩy xóa bỏ các rào cản giới làm giới hạn sự phát triển đầy đủ của phụ nữ. Nữ quyền không phải là gồng mình lên hay luôn cứng nhắc. Nữ quyền chính là sự mềm dẻo, kiên trì và mưu lược. Nữ quyền là phong trào xã hội, chính trị mà mục đích cơ bản là sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới về mọi mặt; là niềm tin cho rằng phụ nữ và nam giới có quyền như nhau.

Trong lịch sử phát triển của đất nước Việt Nam, các hình ảnh “nữ quyền” thể hiện khá rõ nét. Suốt mấy nghìn năm lịch sử, những người vẫn luôn bị coi là “chân yếu tay mềm” nhưng lại mang trong mình thứ vũ khí tinh thần không gì sánh nổi đó là lòng yêu nước. Ở bất kỳ thời kỳ nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào phụ nữ Việt Nam luôn khẳng định truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, cùng toàn dân đứng lên bảo vệ đất nước.

Năm 40-43 sau Công nguyên, Bà Trưng Trắc và em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm, bảo vệ và thống nhất đất nước. Năm 19 tuổi, đáp lại câu hỏi của người đời về chồng con, Bà Triệu nói: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở Biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào nổi dậy rộng lớn của quần chúng khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hình ảnh chị Nguyễn Thị Chiên (người phụ nữ đầu tiên được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) chỉ huy du kích xông ra bắt sống 4 tên lính Pháp, chị Sáu “O du kích nhỏ giương súng” bên cạnh “thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”, hay hình ảnh chị Út Tịch với quyết tâm “còn cái lai quần cũng đánh” đã khiến quân thù khiếp sợ.

Nữ quyền và nguyên nhân của bất bình đẳng giới

Các nhà nữ quyền, ngoài việc đấu tranh cho quyền phụ nữ, quyền con người, quyền bình đẳng giới (BĐG) còn đi tìm nguyên nhân của bất BĐG, từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy BĐG. Họ không đồng tình với quan điểm “trật tự tự nhiên”, vốn cho rằng: Bất bình đẳng nam nữ là tự niên, sinh ra đã thế; không nên trái với trật tự tự nhiên.

Trong các trường phái nữ quyền kinh điển, nữ quyền tự do xuất hiện sớm vào thế kỷ XVIII, với cơ sở lý luận là triết học tự do thế kỷ XVI-XVII cùng niềm tin, sự tôn trọng vào tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái. Nữ quyền tự do cho rằng sự bị trị của phụ nữ bắt nguồn từ những ràng buộc về tập quán và tâm lý. Bên cạnh đó là sự tin tưởng sai lầm của xã hội, cho rằng phụ nữ kém năng lực hơn nam giới, nên phụ nữ bị gạt ra khỏi nhiều cơ hội dẫn đến thành công, tiềm năng đích thực của phụ nữ không được bộc lộ. Phụ nữ bị bất bình đẳng khi nam giới được xem là “trí tuệ” còn phụ nữ là “lao động chân tay”. Học vấn là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ tiếp cận được với công bằng xã hội và các quyền bình đẳng khác. Nữ quyền tự do, vì thế nhấn mạnh giải pháp giáo dục; bên cạnh đó thúc đẩy quyền bỏ phiếu cho phụ nữ, coi trọng sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Nữ quyền cấp tiến cho rằng, phụ nữ bị kiểm soát về sinh sản, về tính dục. Phụ nữ bị biến thành “cái máy đẻ”. Vì vậy, phụ nữ bị hạn chế sự tiến bộ. Trong khi đó, nữ quyền hiện sinh, đại diện là tư tưởng của nhà nữ quyền người Pháp – bà Simon de Beauvoir (1908-1986). Bà cho rằng, phụ nữ bị áp bức, bị phụ thuộc bởi “phụ nữ là người khác”, là một khách thể, trong khi đó, nam giới là “cái tôi” là chủ thể. Nếu phụ nữ muốn trở thành chủ thể như nam giới, phụ nữ phải biến mình thành những gì phụ nữ mong muốn. Phụ nữ không phải chỉ được sinh ra mà họ cần phải được tôn trọng, và phụ nữ đừng bao giờ coi mình là một nửa không bình đẳng của nam giới.

Việt Nam là đất nước coi trọng phụ nữ và BĐG. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” (Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/1952). Ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hiến pháp 1946) đã nhấn mạnh, đàn bà ngang quyền đàn ông (Điều 9). Phát triển từ quan điểm bình quyền, cho tới Hiến pháp sửa đổi năm 2013, quan điểm BĐG, nghiêm cấm phân biệt đối xử với phụ nữ được nội luật hóa rõ ràng trong Hiến pháp (Điều 16, Điều 26) và các luật pháp về quyền con người khác như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống mua bán người… Việt Nam cũng là một trong số ít các nước có Luật Bình đẳng giới (ban hành năm 2006).

Phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò và đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ đã nắm giữ các vị trí quan trọng như Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước…

Phụ nữ quyết tâm đẩy lùi Covid-19

Chủ đề ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2021 là “Phụ nữ tham gia lãnh đạo: Hướng tới tương lai công bằng trong bối cảnh Covid-19”. Chủ đề này ghi nhận và thúc đẩy những nỗ lực của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới nhằm đạt được một xã hội tương lai công bằng hơn. Chủ đề này cũng gửi gắm mong muốn xã hội và cộng đồng chung tay hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái vượt qua khó khăn trong đại dịch, thúc đẩy nữ quyền tiến bộ và BĐG.

Đại dịch Covid-19 được ví như “virus bất bình đẳng”, tác động mạnh nhất đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ. Không ít bằng chứng cho thấy, Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới phụ nữ như: khiến phụ nữ khó khăn hơn trong tiếp cận các dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành trong đại dịch cũng có chiều hướng tăng; Phụ nữ dễ bị mất việc làm trong bối cảnh dịch bệnh, rủi ro đói nghèo với phụ nữ tăng lên..

Có thể thấy sự đóng góp quan trọng của các nữ nguyên thủ quốc gia trong lãnh đạo đất nước khống chế đại dịch. Với sự nhạy bén, thận trọng của người phụ nữ, người mẹ, các nữ nguyên thủ quốc gia đã có các quyết định ứng phó tốt trong đại dịch Covid-19. Các nước có nguyên thủ quốc gia là nữ ứng phó khá thành công trong cuộc chiến với đại dịch. Nữ thủ tướng trẻ của Phần Lan – bà Sanna Marin đã sử dụng mạng xã hội và những người nổi tiếng để truyền tải các thông tin phòng chống Covid-19. Nữ Thủ tướng Erna Solberg của Na Uy thực hiện ý tưởng đột phá khi tổ chức họp báo cho trẻ em để trả lời thắc mắc của các em nhỏ trên cả nước về Covid-19. Nữ Thủ tướng Iceland – bà Katrín Jakobsdóttir đã cho thực hiện xét nghiệm Covid-19 miễn phí đối với tất cả người dân, đạt tỷ lệ xét nghiệm trên đầu người cao nhất thế giới. Tại Đức, nữ Thủ tướng Angela Merkel – một Tiến sĩ Hóa học đã thông qua chương trình xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn nhất châu Âu, giúp phát hiện virus sớm để cách ly và điều trị cho bệnh nhân một cách hiệu quả. Tại châu Á, ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện, nữ Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã ban hành 124 biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Tại Việt Nam, phụ nữ cả nước chung tay, đồng lòng phòng chống dịch Covid-19. Hội Phụ nữ nhiều tỉnh, thành tổ chức tặng quà, nhu yếu phẩm động viên tinh thần các cán bộ đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch y tế, chia sẻ vật chất, tinh thần, hỗ trợ người dân tại các khu cách ly. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và người thân trong gia đình đề cao cảnh giác, thực hiện tốt khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế “Khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế”. Phối hợp ngành y tế và các ngành thực hiện phương châm “đi từng ngõ – gõ từng nhà”, vận động người dân khai báo y tế, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, hạn chế việc tụ tập đông người, thực hiện giữ vệ sinh cá nhân và gia đình, góp phần tạo sự lan tỏa ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng phòng, chống dịch bệnh. Phụ nữ cũng tích cực trong việc giải cứu nông sản cho các địa phương vùng dịch, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.

Có thể thấy, trong quá khứ cũng như hiện tại, nữ quyền thể hiện sự quyết tâm, kiên định nhưng cũng đầy tính nhân văn. Nữ quyền là sự yêu thương, tương thân, tương ái, là sự bảo vệ và cần được bảo vệ. Cho dù nguyên nhân của bất BĐG là gì, việc xóa bỏ bất BĐG là cần thiết ở mọi xã hội, mọi thời đại nhằm thúc đẩy sự phát triển đầy đủ, toàn diện của phụ nữ và nam giới trong xã hội.

Ts. DƯƠNG KIM ANH

Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*