Đồng bào mình là thế, người Việt mình là thế, dù xa xứ hay đang sống chung ở dải đất hình chữ S thân thương thì khó khăn hoạn nạn vẫn một lòng đoàn kết, quyết không bỏ mặc ai trong nguy nan.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là năm 2020 sẽ qua, song nhìn lại thì rất nhiều người mong năm mới sẽ đến thật nhanh bởi con số 2020 quả thực ám ảnh vô cùng. Dịch Covid chưa qua, bão lũ lại tràn tới, thiệt hại nặng nề nhất lúc này chính là hàng triệu người dân ở khu vực miền Trung.
Nỗi buồn thì nhiều lắm, nhưng chúng ta đâu có thời gian để buồn! Thiên tai vẫn chưa dứt, hậu quả thì ngày một nặng nề hơn, khi cả nước đang gấp rút chung tay dồn sức người sức của để giúp đỡ “khúc ruột miền Trung” lành lặn lại sau cơn bão dữ, thì có ai thảnh thơi để buồn? Thay vì đặt cảm xúc ở một nơi u ám, điều cần thiết nhất lúc này là một tinh thần lạc quan và tấm lòng thiện lương để hướng về miền Trung đang chìm trong nước lũ.
Có lẽ phải mất khá lâu nữa người dân miền Trung mới trở lại được cuộc sống bình thường, nhưng lần này tổn thất quá lớn, biết bao người đã mất trắng gia sản, mất cả người thân trong cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên. Tin bão lũ mỗi ngày một dài thêm, ai cũng sợ phải trông thấy những hình ảnh xót xa trong dòng nước lũ, sợ những con số về các nạn nhân mất tích và cán bộ chiến sĩ hi sinh khi chống chọi với biển nước đục ngầu đang tràn qua khắp các tỉnh miền Trung… Chẳng phải người thân máu mủ với ta, nhưng đau lắm, thương lắm đồng bào ơi!
Làm sao có thể bỏ mặc bà con miền Trung vào lúc này cho đặng? Nói thương thôi không đủ, cần phải làm gì đó có ích ngay trong thời điểm này. Phải hành động, phải cứu giúp bà con ngay, nếu không thì chẳng kịp mất. Vậy là các nhà hảo tâm đã bất chấp khó khăn để vào vùng rốn lũ, từ vài cá nhân tập thể ban đầu kêu gọi ủng hộ giúp đỡ miền Trung, số Mạnh Thường Quân đã dần tăng lên hàng trăm, hàng nghìn, rồi cả triệu bàn tay nắm lấy nhau chung sức đồng lòng tiếp tế cho miền Trung sống sót qua bão lũ.
Hàng trăm tỷ đồng cùng vô số hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, áo phao… đã được các đoàn thiện nguyện và cá nhân vận chuyển vào miền Trung, tìm đủ cách vượt lũ để mang cái ăn và áo ấm đến cho bà con đang mong chờ cứu giúp. Có những xã bị cô lập giữa bốn bề nước ngập mênh mông như biển khơi, họ kêu cứu trong nỗi tuyệt vọng mỏi mòn. Cụ già phá nóc nhà để vẫy tay xin một phép màu ngang qua, các em bé nằm ngủ trên bè lá chuối, không có lương thực cầm hơi, cũng chẳng có chỗ khô ráo để trú ẩn.
Nghẹn lòng!
Mặc dù đồ ăn khô đã được gửi đến cứu giúp người dân các tỉnh miền Trung rất nhiều, song đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Mì tôm ăn vài ngày rồi cũng hết, thức ăn khác thì chẳng có điện hay bếp lửa để nấu, đồ đạc cũng bị cuốn trôi cả rồi, làm thế nào để người dân có thêm thực phẩm dự trữ để được lâu chờ đến ngày nước rút?
Thế là ai đó đã nảy ra sáng kiến gói bánh chưng để gửi cho đồng bào miền Trung. Phải rồi, món bánh mà nhiều người sợ ăn vào dịp Tết vì “béo”, vì “quá nhiều nhân nhiều gạo” lại chính là món ăn đáng quý lúc này ở vùng lũ. Vừa để được lâu, lại đầy đủ dinh dưỡng, ai cũng có thể ăn được thay cơm cháo. Một gia đình chỉ cần 2-3 chiếc bánh chưng là cũng bớt lo lắng, được tiếp thêm sức khỏe để vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Năm nay sao mà lạ
Tận mấy đêm giao thừa
Đêm nào cũng đỏ lửa
Ấm tình đồng bào ta.
Một miếng khi đói bằng cả gói khi no, mỗi chiếc bánh chưng nhỏ bé lúc này chẳng khác gì món quà quý giá giúp bà con vượt qua thiếu thốn, có thêm thực phẩm dự trữ chờ lũ qua. Trong mỗi chiếc bánh đều chứa đựng tấm lòng, những năng lượng tích cực, mong miền Trung lạc quan vượt qua muôn vàn khó khăn trước mắt.
Từ ngày 18/10 đến nay, xuất phát từ các huyện ngoại thành Hà Nội, rất nhiều vùng khác đã hưởng ứng phong trào gói bánh chưng tiếp tế cho miền Trung. Dưới cơn mưa rả rích, người dân vẫn đội mưa đi rửa hàng nghìn lá dong, chuẩn bị gạo, đỗ, thịt… Từ cụ già 70 tuổi cho đến các em nhỏ mới chỉ 4-5 tuổi, tất cả cùng thức trắng đêm suốt mấy ngày liên tiếp để gói hàng nghìn chiếc bánh chưng, thổi hàng trăm bếp lửa trông bánh cho kịp gửi đến tay đồng bào vùng lũ trước khi cơn bão mới quét qua.
Không khí ở tất cả những nơi gói bánh chưng đều rất khẩn trương, nhiều người đã gác hết công việc riêng để chia sẻ công sức cùng làm bánh. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều tập trung ở một chỗ, nhịp nhàng đảm trách mỗi người một việc nhỏ để thành món quà lớn gửi tặng bà con miền Trung. Nhìn cảnh cả làng xúm vào tất bật như chiều 30 Tết, ngửi mùi khói cay cay mà ai cũng ngỡ sắp tới đêm giao thừa.
Nhưng sự thật thì bây giờ mới là cuối tháng 10 dương lịch mà thôi. Cùng là gói bánh chưng nhưng tâm trạng của mọi người không phải là háo hức vui vẻ như đón Tết, thay vào đó là lo lắng, hồi hộp và chỉ mong bánh chưng nhanh được chuyển vào miền Trung ruột thịt. Cho dù là ai gói bánh đi chăng nữa, dù bánh to hay nhỏ, thì tất cả cũng đều gói tròn đầy lòng dũng cảm và tinh thần tương thân tương ái.
Giờ phút này, có lẽ nhân dân miền Bắc đều đã an tâm khi tận mắt nhìn thấy những chiếc bánh chưng được chính quyền địa phương và các đơn vị cứu trợ, tình nguyện vùng lũ chuyển đến tận tay bà con đang mong chờ. Có thể bánh không đủ nhân thịt như thường lệ, khuôn bánh cũng chẳng vuông vức đẹp đẽ gì vì gói vội cho kịp luộc, hương vị cũng chẳng phải sơn hào hải vị, nhưng chắc chắn đồng bào miền Trung sẽ ăn với tấm lòng cảm tạ vô cùng.
Tình người là vậy đó, đại đoàn kết dân tộc là vậy đó. Quân xâm lược chúng ta còn đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, thiên tai giáng xuống ắt cũng sẽ vượt qua! Đồng bào miền Trung ơi hãy vững tin và mạnh mẽ, vẫn còn chúng tôi ở đây san sẻ khổ đau và nước mắt, chỉ cần tin vào ngày mai tươi sáng thì không có khó khăn nào chúng ta không thể vượt qua!
Để lại một phản hồi