Nhớ con sông tuổi thơ

Nhớ con sông tuổi thơ

     Cũng lâu lắm rồi, khi tôi được học bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của tác giả Tế Hanh, tôi nhớ mãi những câu từ mát rượi, đi vào lòng người một cách dễ dàng, bởi người dân Việt đi lên từ nền văn minh lúa nước, hầu hết người Việt Nam có cuộc sống gắn liền với những con sông, vì thế mà dòng sông, con đò luôn là những hình ảnh quen thuộc, thân thương trong tâm trí của nhiều người.

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

                         Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

                       Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng

 Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

                      Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi

Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

     Tôi được sinh ra và lớn lên ở miền quê và tuổi thơ gắn liền với những cánh đồng lúa, những con sông, chính vì thế mà khi được học bài thơ này tôi cảm thấy rất thân quen và gần gũi.

     Trong suốt thời gian tuổi thơ, tôi được tận hưởng những ngày lội sông bắt cá, hái rau, kiếm củi mỗi khi con nước ròng và mỗi ngày, tôi được nghe tiếng bìm bịp kêu khi nước ròng, nước lớn.

     Ngày ấy, dòng sông cũng ngây thơ hồn nhiên chảy theo con nước và nó được ôm ấp bởi những rặng cây xanh hai bên bờ thật nên thơ và lãng mạn.

     Những con đò cứ xuôi ngược qua lại dòng sông, đưa lữ khách cùng hàng hóa đi qua đôi bờ, hình ảnh thân thuộc thuở nào, bây giờ chỉ còn trong ký ức.

     Tôi còn nhớ khi ấy, có các chị các em thường ra bờ sông giặt áo vì nước sông rất trong xanh, và khi được ngồi trên ghe dưới rặng cây gừa tỏa mát thật là thú vị trong không khí mát dịu và sự thanh bình ở một miền quê.

     Không những thế, dòng sông còn đem phù sa bồi đắp những cánh đồng, giúp cho người nông dân có mùa gặt bội thu, sản phẩm sạch cho con người, ngoài ra, sông còn đem lại nguồn thủy sản tươi ngon cho người dân nơi đây.

     Như một lẽ tự nhiên, những cánh rừng ven sông còn là lá phổi thanh lọc không khí trong lành để phục vụ cho cuộc sống của con người và những luồng gió mát vô tận từ dòng sông đem đến cho con người cảm giác dễ chịu và thoải mái, giúp cho chất lượng sống được an lành.

     Có thể nói, thiên nhiên đã ban cho con người nhiều tài nguyên quý giá phục vụ cho cuộc sống một cách vô tư và vô điều kiện, thế nhưng qua mấy mươi năm cùng thời gian, bây giờ con sông đã có nhiều thay đổi, dòng nước không còn trong veo như xưa, do việc khai thác tài nguyên dưới dòng sông và những rặng cây hai bên bờ cũng đã mỏng dần theo năm tháng.

Các địa phương phối hợp phòng chống khai thác trái phép trên sông Sài Gòn
Các địa phương phối hợp phòng chống khai thác trái phép trên sông Sài Gòn

     Hình thể con sông bây giờ cũng không còn nguyên vẹn, cái Cồn nằm ngoài sông cũng biến mất tự khi nào, còn nhớ lúc xưa, mỗi khi nước ròng thì chúng tôi mới có thể ra đó để bắt cá, chơi đùa, ngắm cảnh thiên nhiên.

     Bây giờ, mỗi mùa mưa về, lượng nước từ trên cao chảy theo con rạch ra sông lớn, đồng thời kèm theo nhiều thứ rác thải nhựa ra sông, tuy nhiên lượng rác cũng không thể đổ hết vào dòng sông thơ mộng ngày nào mà nó vướng lại rất nhiều trên các cây cối hai bên con rạch, có khi tấp vào những ruộng vườn hai bên con rạch khi mưa lớn, khi nước dâng cao hơn con rạch.

     Sau mỗi cơn mưa, bà con nơi đây phải đi thu gom những thứ rác này để tiêu hủy, làm sạch môi trường.

     Tuy phải gặp nhiều biến đổi, nhưng dòng sông vẫn hiền hòa trôi chảy theo quy luật của thủy triều, cũng như lòng mẹ muôn đời luôn bao dung và chịu đựng.

     Chắc cũng có nhiều người suy nghĩ như tôi, luôn mơ ước và mong muốn được trở lại với dòng sông tuổi thơ trong veo, hiền hòa của ngày xưa như trong bài thơ của Tế Hanh đã viết:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc.

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

………………………………………………

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ.

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu”

                                                               Phạm Thị Thu Trâm – Phòng TCHC

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*