Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2024

     Thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2024, ngày 25 tháng 12 năm 2024, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu 03 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp cơ sở năm 2024, các đề tài đều liên quan đến chuyên môn và các vấn đề của công tác Hội. Hội đồng nghiệm thu là các Thầy, Cô của Phân hiệu và các Trường đại học, Viện nghiện cứu trên địa bàn Tp. HCM.

     Đề tài thứ nhất: “Sự tham gia của phụ nữ Chăm trong hoạt động du lịch tại làng gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận” do ThS Nguyễn Thị Hồng Nhâm làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài nghiên cứu làm rõ những khó khăn và thách thức mà phụ nữ Chăm phải đối mặt trong việc tham gia vào các hoạt động du lịch, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ họ, như nâng cao kỹ năng quản lý du lịch, tạo ra những mô hình du lịch cộng đồng phù hợp và phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa truyền thống của dân tộc. Đề tài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế. Hội đồng đã đưa ra những nhận xét chi tiết về những yếu tố cần thiết để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động du lịch cộng đồng, cũng như vai trò của họ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Chăm, gợi mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch tại khu vực này.

Nhóm tác giả và Hội đồng đánh giá đề tài
Nhóm tác giả và Hội đồng đánh giá đề tài

     Đề tài thứ hai: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội của Hội LHPN cấp cơ sở tại thành phố Thủ Đức” do ThS Nguyễn Dương Thanh Nhàn làm Chủ nhiệm đề tài. Đây là một nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý và tổ chức sinh hoạt của các tổ chức Hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sự kết nối giữa các hội viên. Đề tài này mang tính thời sự cao trong bối cảnh chuyển đổi số và xu hướng sử dụng công nghệ trong các hoạt động cộng đồng. Các thành viên hội đồng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo nền tảng công nghệ phù hợp, giúp các thành viên dễ dàng tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động và kết nối với nhau hiệu quả hơn. Các giải pháp CNTT được đề xuất không chỉ giúp tối ưu hóa việc tổ chức sinh hoạt mà còn có thể mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các hoạt động của Hội.

Nhóm tác giả và Hội đồng đánh giá đề tài
Nhóm tác giả và Hội đồng đánh giá đề tài

     Đề tài thứ ba: “Nhu cầu tham gia các hoạt động xã hội của sinh viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam” do ThS Hoàng Bào Trường làm chủ nhiệm đề tài, nghiên cứu không chỉ giúp hiểu rõ hơn về những mong muốn, kỳ vọng của sinh viên trong việc tham gia các hoạt động cộng đồng, mà còn chỉ ra tầm quan trọng của việc tham gia này đối với sự phát triển kỹ năng xã hội và nâng cao nhận thức cộng đồng của sinh viên. Các ý kiến đóng góp của hội đồng không chỉ giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện những đề xuất về việc cải thiện hoạt động xã hội cho sinh viên tại Phân hiệu nói riêng mà còn có thể áp dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục khác, góp phần phát triển một thế hệ sinh viên có ý thức cộng đồng cao, chủ động trong các hoạt động xã hội, và đóng góp tích cực vào sự phát triển xã hội.

Nhóm tác giả và Hội đồng đánh giá đề tài
Nhóm tác giả và Hội đồng đánh giá đề tài

     Các nhóm nghiên cứu đã thể hiện sự đầu tư và nghiêm túc trong việc thực hiện các nghiên cứu, các đề tài được hoàn thành đúng tiến độ, đạt được những yêu cầu đề ra về mục tiêu, nội dung, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, sản phẩm,…Thông qua quá trình nghiệm thu, các đề tài đã được hội đồng phản biện và đóng góp ý kiến thiết thực, giúp các nghiên cứu hoàn thiện và có giá trị ứng dụng cao, các đề tài được xếp loại khá, tốt. Chủ tịch Hội đồng – bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Phân hiệu đã biểu dương các nhóm nghiên cứu vì sự tích cực và sáng tạo trong công tác nghiên cứu, khuyến khích các thầy cô tiếp tục đóng góp nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn, góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị.

     Nghiên cứu khoa học tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với các nhiệm vụ chuyên môn và tác động trực tiếp đến cộng đồng. Các đề tài nghiên cứu không chỉ mở rộng kiến thức mà còn đưa ra những giải pháp thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Việc nghiệm thu các đề tài cấp cơ sở là một bước quan trọng khẳng định vai trò của Phân hiệu trong việc thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới và nâng cao chất lượng chuyên môn.

Xuân Quỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *