Một số vấn đề lý luận về đánh giá hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
1. Khái niệm đánh giá hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
1.1. Tổ chức hành chính nhà nước và hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
1.1.1. Tổ chức hành chính nhà nước
Tổ chức hành chính nhà nước (HCNN) là tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng quyền lực hành chính công để quản lý và phục vụ xã hội, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật quy định.
Tổ chức hành chính nhà nước, theo hành chính học là thực thể bộ máy hành chính nhà nước, không chỉ bao gồm cơ cấu (các bộ phận hợp thành) bộ máy hành chính mà còn bao gồm cả các yếu tố cấu thành bộ máy hành chính như chức quyền (hàm vị), thể chế, vật chất. Sự kết hợp đúng đắn và sự vận hành đồng bộ của các yếu tố này giúp cho tổ chức hành chính hoạt động đạt hiệu quả cao.
1.1.2. Hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
a) Khái niệm hiệu quả
Thuật ngữ hiệu quả được sử dụng rất rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội với những cách hiểu còn có những khác nhau nhất định.
Theo Từ điển tiếng Việt, “Hiệu quả là kết quả đích thực”[1]; theo đó, hiệu quả được hiểu là kết quả thực tế đã đạt được từ các hoạt động nhất định. Tuy nhiên, cũng có quan niệm cho rằng hiệu quả khác với kết quả ở chỗ kết quả là thành tích đưa lại, còn hiệu quả là đặt trong mối tương quan giữa thành tích thu được với chi phí nguồn lực. Theo cách hiểu này, Jeremy Bentham và John Stuart Mill, đưa ra khái niệm: Hiệu quả là khả năng tối đa hóa tổng lợi ích và tối thiểu hóa tổng chi phí xã hội.
Như vậy, thuật ngữ hiệu quả phải được hiểu cả trên 2 khía cạnh:
– Là kết quả đích thực đạt được từ các hoạt động cụ thể (result, effect)
– Là kết quả đưa lại trong sự so sánh với chi phí nguồn lực (nhân, tài vật lực) bỏ ra để thực hiện các hoạt động cụ thể (efficiency).
Quan niệm hiệu quả có sự khác nhau giữa khu vực tư (thị trường) với khu vực công (nhà nước). Trong khu vực tư, quan niệm hiệu quả gắn liền với hiệu quả kinh tế, tức là đặt trong sự so sánh giữa lợi nhuận thu được với vốn bỏ ra. Còn trong khu vực công, hiệu quả phải bao gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, trong đó, hiệu quả xã hội có phần được coi trọng hơn so với hiệu quả kinh tế.
b) Hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
Nói đến hiệu quả của tổ chức là nói đến hiệu qủa hoạt động của tổ chức, tức là hiệu quả đưa lại thông qua hoạt động của tổ chức. Một tổ chức không hoạt động thì không thể nói đến hiệu quả được.
Hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN là thành tích và cống hiến của tổ chức HCNN, được biểu hiện trong một hoàn cảnh nhất định;là kết quả đạt được về mặt xã hội và mặt kinh tế, trong sự so sánh với toàn bộ chi phí các nguồn lực đã sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức HCNN.
Kết quả, hiệu quả đạt được về mặt xã hội thường khó xác định hơn so với kết quả, hiệu quả kinh tế và thường có “độ trễ” nhất định, cũng như thường là sản phẩm tổng hợp của nhiều hoạt động khác nhau, của nhiều tổ chức hành chính khác nhau. Do đó khi xem xét hiệu quả xã hội của tổ chức hành chính phải đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa các tổ chức HCNN thì mới đảm bảo được tính chính xác, khách quan, toàn diện.
Nguồn lực sử dụng của tổ chức bao gồm nhân lực (công chức, viên chức), tài chính và cơ sở vật chất (trụ sở, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện). Khi xem xét chi phí các nguồn lực khác nhau cũng cần phải đặt trong tổng thể các mối quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ hoặc kìm hãm lẫn nhau giữa các nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất.
Khi xem xét hiệu quả của tổ chức HCNN thường gắn liền với hiệu lực; theo đó, hoạt động của tổ chức HCNN là hoạt động công quyền, đòi hỏi trước hết phải có liệu lực, tức là các hoạt động của tổ chức HCNN phải được “thực hiện và hoàn thành đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định, đạt kết quả dự kiến”[2]. Như vậy, hiệu lực vừa là điều kiện tiên quyết để đạt hiệu quả, vừa là một biểu hiện của hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN.
Khác với tổ chức HCNN, khi xem xét hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) thường gắn liền với chất lượng; theo đó, hoạt động của đơn vị SNCL là hoạt động phục vụ người dân, nhằm thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích cơ bản, thiết yếu của người dân, đòi hỏi trước hết phải đảm bảo chất lượng. Chất lượng, được hiểu là “giá trị về mặt lợi ích của con người, đời sống”[3]. Ở đây, chất lượng vừa là điều kiện đảm bảo hiệu quả, vừa là biểu hiện tập trung của hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL.
1.3. Đánh giá hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
Đánh giá hiệu quả của tổ chức HCNN là phương pháp, cách thức, trình tự khảo sát, thẩm tra, quyết định đối với hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN của các chủ thể đánh giá.
Xét từ góc độ vĩ mô, đó là sự đánh giá hiệu quả hoạt động của toàn bộ bộ máy HCNN; từ góc độ vi mô, đó là sự đánh giá thành tích hiệu quả đối với từng cơ quan, đơn vị HCNN.
2. Ý nghĩa của đánh giá hiệu quả tổ chức hành chính nhà nước
Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức hành chính có ý nghĩa to lớn, quan trọng đối với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức HCNN:
2.1. Đánh giá hiệu quả là căn cứ quan trọng để hoàn thiện, hợp lý hóa cơ cấu tổ chức hành chính nhà nước
Việc phát huy hiệu quả của tổ chức HCNN chủ yếu phụ thuộc vào mức độ hợp lý của các cơ cấu tổ chức hành chính; cụ thể là, thông qua đánh giá hiệu quả của tổ chức HCNN có thể:
– Kiểm nghiệm tính đúng đắn, chính xác của việc xác định mục tiêu, chức năngcủa tổ chức HCNN.
– Kiểm nghiệm mức độ hợp lý về mối quan hệ giữa tầng cấp quản lý và phạm vi quản lý của tổ chức hành chính.
– Kiểm nghiệm tính hợp lý về qui mô của tổ chức.
– Kiểm nghiệm tính hợp lý của hệ thống quyền lực và trách nhiệm của tổ chức HCNN.
– Kiểm nghiệm tính hợp lý của văn hoá tổ chức và chế độ qui tắc của tổ chức.
2.2. Đánh giá hiệu quả là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức HCNN
Thông qua việc đánh giá hiệu quả có thể:
– Xác định được năng lực, phong cách của người lãnh đạotrong quản lý, điều hành; sự sáng tạo và nghệ thuật xử lý các vấn đề phát sinh trong tổ chức HCNN.
– Đánh giá được tính hiệu quả của các biện pháp động viên, khích lệ các thành viên của tổ chức HCNN.
– Kiểm nghiệm được tính hợp lý, nghiêm minh của nội quy, kỷ luật của tổ chức hành chính; khả năng phát hiện và giải quyết các xung đột giữa các khâu quản lý…
2.3. Đánh giá hiệu quả là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực của tổ chức hành chính nhà nước
Qua việc đánh giá hiệu quả có thể bổ sung, hoàn thiện các biện pháp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo căn cứ khoa học, thực tiễn cho công tác qui hoạch toàn diện, sử dụng hợp lý và quản lý chặt chẽ nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật và thông tin của tổ chức HCNN.
3.Nội dung đánh giá hiệu quả tổ chức hành chính nhà nước
3.1. Đánh giá về mặt thực hiện giá trị của tổ chức hành chính nhà nước
Đây là đánh giá việc thực hiện sứ mệnh, mục tiêu, giá trị hạt nhân, chiến lược phát triển của tổ chức HCNN; theo đó cần xem xét:
-Việc đảm bảo hoàn thành sứ mệnh, mục tiêu cơ bản của tổ chức; được thể hiện cụ thể ở kết quả thực hiện chức năng, thẩm quyền của tổ chức theo quy định của pháp luật.
– Mức độ đầy đủ, toàn diện, đồng bộ của các biện pháp thực hiện sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức HCNN.
– Mức độ thực hiện giá trị trung tâm của tổ chức (sự trong sạch, liêm khiết, minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ, thái độ phục vụ người dân và xã hội…).
– Khả năng, điều kiện phát triển của tổ chức trong tương lai, sự chuẩn bị các nguồn lực cần thiết cho phát triển, khả năng ứng biến với sự thay đổi của hoàn cảnh mới…
3.2. Đánh giá về mặt thưc hiện chức trách, nhiệm vụ của tổ chức hành chính nhà nước
Đây là đánh giá về số lượng, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách của tổ chức HCNN; gồm có:
– Đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ theo bản mô tả vị trí việc làm của từng thành viên của tổ chức.
– Đanh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ đúng kỳ hạn, đúng số lượng và chất lượng của từng đơn vị/bộ phận, và sự phù hợp với mục tiêu chung của tổ chức.
– Đánh giá kết quả áp dụng các biện pháp quản lý, chuyên môn hiện đại, giúp tiết kiệm nguồn lực và cơ chế tạo động lực, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ…
3.3. Đánh giá về việc sử dụng các nguồn lực của tổ chức hành chính nhà nước
Đây là đánh giá về mức độ hợp lý, tiết kiệm trong sử dụng các nguồn lực của tổ chức HCNN trên các mặt:
– Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực công (công chức, viên chức); theo đó, cần xem xét các khía cạnh cụ thể như:
+ Mức độ hợp lý về biên chế nhân lực trên cơ sở xác định vị trí việc làm của từng đơn vị, bộ phận về các mặt: số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức;
+ Mức độ hợp lý trong viêc phân công, bố trí công viêc cho công chức, viên chức;
+ Chất lượng, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực của tổ chức (đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực; tạo cơ hội thăng tiến, tôn vinh và đãi ngộ đối với công chức, viên chức của tổ chức…
– Mức độ tiết kiệm (lãng phí) kinh phí hoạt động của tổ chức.
– Hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật cả tổ chức: Trụ sở, trang thiết bị phương tiện làm việc…
4. Phương pháp đánh giá hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
4.1.Phân loại phương pháp đánh giá hiệu quả của tổ chức
Căn cứ vào tính chất, chủ thể, tiêu chuẩn, thời gian đánh giá có thể phân ra các loại phương pháp đánh giá khác nhau.
– Căn cứ vào tính chất đánh giá có thể chia thành: đánh giá định tính và đánh giá định lượng. Đánh giá định tính là tiến hành thẩm tra, giám định, xác định về chất kết quả, thành tích công tác của tổ chức, chủ yếu được thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm và ấn tượng chủ quan của chủ thể đánh giá, vì thế chịu ảnh hưởng rất lớn của các nhân tố bên ngoài và nhân tố chủ quan của chủ thể đánh giá. Đánh giá định lượng là xác định về mặt lượng thành tích, hiệu quả công tác của tổ chức chủ yếu dựa vào phương pháp thống kê và số học trên cơ sở tính toán, rồi tiến hành chỉnh lý, phân tích các số liệu đã đưa ra. Đánh giá định lượng có tính chuyên nghiệp cao, nó bổ sung, phát triển nâng cao cho đánh giá định tính, nên đánh giá tương đối chính xác, nhưng nó đòi hỏi tính chính xác về chỉ tiêu đánh giá và tính khoa học của hệ thống đánh giá.
– Căn cứ vào sự khác biệt của chủ thể đánh giá, có thể phân thành: đánh giá do tổ chức hành chính cấp trên tiến hành, tự đánh giá do tổ chức hành chính tiến hành, đánh giá do các thành viên tổ chức tiến hành, đánh giá do tổ chức hành chính cấp dưới tiến hành, đánh giá của cộng đồng xã hội và đánh giá của các chuyên gia.
– Căn cứ vào thời gian đánh giá có thể phân chia thành: khảo sát đánh giá thường xuyên; khảo sát, đánh giá định kỳ (thông thường một năm một lần), kiểm tra đánh giá bất thườngvà đánh giá bất thường (không theo định kỳ).
4.2. Các phương pháp đánh giá hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
Các phương pháp thường được sử dụng trong đánh giá hiệu quả của tổ chức hành chính gồm có:
– Phương pháp ghi chép thành tích thực tế: Phương pháp đánh giá này lấy những ghi chép về tình hình công tác thực tế của đơn nguyên hành chính bị khảo sát đánh giá làm căn cứ để xem xét đánh giá.
– Phương pháp tiêu chuẩn công việc: Việc đánh giá này được dựa trên tiêu chuẩn công việc, nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị/bộ phận và từng cá nhân của tổ chức. Những tiêu chuẩn này không giống nhau do tính chất công việc khác nhau, nhưng nói chung bao gồm trình tự công việc, hiệu quả và thành quả công việc, chất lượng, số lượng, thời gian và tính chất phục vụ. Phương pháp này thường thường ứng dụng vào hình thức tự đánh giá trong nội bộ tổ chức hành chính.
– Phương pháp đánh giá nhân tố: Qua điều tra phân tích, thống kê số liệu đã tính được để đưa ra các nhân tố có liên quan trong việc đánh giá hiệu quả của tổ chức hành chính, từ đó lập ra bảng tiêu chuẩn để đánh giá, rồi đưa cho đối tượng tự đánh giá. Phương pháp này đòi hỏi việc thiết kế hạng mục đánh giá rất phải chính xác, rõ ràng, cách tính toán thống nhất. Phương pháp đánh giá nhân tố thường áp dụng trong các trường hợp: tự đánh giá, đánh giá cùng cấp, đánh giá cấp dưới, đánh giá cấp trên và đánh giá tổng hợp.
– Phương pháp so sánh: tức là tiến hành so sánh thành tích, hiệu quả của của tổ chức này với các tổ chức khác có tính chất và điều kiện công tác giống nhau, bằng cách cho điểm từng kết quả cụ thể. Nếu một kết quả nào đó cao hơn các tổ chức khác thì được một điểm, nếu kém hơn các tổ chức khác thì được không điểm, cuối cùng cộng toàn bộ số điểm rồi xếp loại. Phương pháp này thích hợp để đánh giá hiệu quả của các tổ chức khi không thể đánh giá bằng định lượng.
– Phương pháp đánh giá theo quản lý mục tiêu: là phương pháp tiến hành so sánh việc thực hiện mục tiêu của tổ chức với thời gian trước, để từ đó xác định hiệu quả của tổ chức hành chính, sự nghiệp.
Nội dung đánh giá theo quản lý mục tiêu bao gồm: mức hoàn thành các hợp phần của mục tiêu như số lượng, chất lượng và thời hạn; tình hình phối hợp, cộng tác; tình hình hoàn thành các công việc cụ thể đã qui định; việc chủ động hợp tác với các bộ phận/các nhân khác…
– Phương pháp cơ sở hành vi: Đây là một phương pháp đánh giá tương đối mới. Nó lấy việc đánh giá tỷ mỉ động tác hoặc hành vi làm tiêu điểm chứ không phải bằng giói thiệu thành tích, hiệu quả. Nền tảng của việc sử dụng phương pháp cơ sở hành vi để tiến hành đánh giá là: Xác định biểu lượng đánh giá hành vi (tức biểu lượng cho điểm) và nhìn vào hành vi để xác định biểu lượng kiểm tra. Đây là phân tích tổ chức và phân tích công việc. Vận dụng phương pháp cơ sở hành vi trong đánh giá hiệu quả của tổ chức là một bước tiến lớn so với phương pháp đánh giá truyền thống. Tuy nhiên đây cũng là phương pháp khá phức tạp, đòi hỏi phải thực hiện một cách bài bản, công phu.
5. Các nhân tố ảnh hưởng đến đánh giá hiệu quả của tổ chức hành chính nhà nước
Việc đánh giá hiệu quả chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, cả khách quan và chủ quan, cả bên trong và bên ngoài, song nói chung, có thể quy thành các nhóm nhân tố chủ yếu sau đây:
5.1. Nhóm nhân tố thuộc về chủ thể đánh gía
Trong nhóm nhân tố thuộc chủ thể đánh giá, gồm những nhân tố chính sau:
– Năng lực của chủ thể đánh giá.
Các chủ thể đánh giá hiệu quả của tổ chức gồm: cấp trên quản lý trực tiếp, chuyên gia, thủ trưởng cơ quan/đơn vị, tập thể công chức, viên chức của cơ quan/đơn vị và người dân…Mỗi chủ thể tham gia đánh giá đều đỏi hỏi trước hết phải có năng lực đánh giá.
Năng lực của chủ thể đánh giá gồm có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đánh giá. Muốn có được năng lực đánh giá, đòi hỏi các chủ thể trước hết phải có những hiểu biết cơ bản, cần thiết về tổ chức và hoạt động của bộ máy HCNN, về nghiệp vụ đánh giá nói chung và đánh giá hiệu quả của tổ chức HCNN. Tiếp theo là đòi hỏi chủ thể đánh giá phải được bồi dưỡng về kỹ năng và kinh nghiệm đánh giá,nhất là những kỹ năng và kinh nghiệm của thế giưới hiện đại. Nếu không có kiến thức thì không thể đánh giá được, nhưng nếu chỉ có kiến thức mà thiếu kỹ năng và kinh nghiệm thì việc đánh giá sẽ chỉ mang tính lý thuyết, không đảm bảo chất lượng, hiệu quả cụ thể của đánh giá, và do đó ít có ý nghía, tác dụng trong thực tiễn.
– Trách nhiệm của chủ thể đánh giá
Bên cạnh năng lực đánh giá, các chủ thể tham gia đánh giá còn đòi phải có trách nhiệm cao và tính khách quan, trung thực trong đánh giá hiệu quả của tổ chức HCNN. Nếu chỉ có năng lực cao nhưng thiếu trách nhiệm, thì các chủ thể sẽ thực hiện đánh giá một cách qua loa, hời hợt; hoặc chủ quan, tùy tiện, nể nang, né tránh, hoặc bị chi phối bởi các quan hệ lợi ích cá nhân cục bộ… Những điều đó, tất yếu sẽ dẫn đến những sai lệch trong đánh giá hiệu quả của tổ chức.
5.2. Nhóm nhân tố thuộc về đối tượng đánh giá
Đối tượng đánh giá là các tổ chức HCNN. Những nhân tố ảnh hưởng thuộc nhóm này gồm có:
– Ý thức trách nhiệm của đối tượng đánh giá.
Các đối tượng được đánh giá trước hết, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, tác dụng của đánh giá đói với việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức HCNN, cũng như của cả bộ máy HCNN. Từ nhận thức đó mà xác định đúng ý thức trách nhiệm và tinh thần hợp tác với chủ thể đánh giá của từng tổ chức, từng cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc phản ánh, cung cấp đầy đủ, toàn diện, trung thực các hoạt động của tổ chức, làm căn cứ tin cậy để việc đánh giá thu được kết quả, có chất lượng và hiệu quả cụ thể.
– Tinh thần cầu thị của đối tượng đánh giá
Bên cạnh ý thức trách nhiệm, còn đòi hỏi đối tượng đánh giá phải có tinh thần thực sự cầu thị, khiêm tốn, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc rút kinh nghiệm và mong muốn phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu xót, khuyết điểm để xây dựng và phát triển tổ chức HCNN, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội và phục vụ người dân, đúng với sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức HCNN.
5.3. Nhóm nhân tố thuộc về môi trường chính trị – xã hội mà tổ chức tồn tại
Mỗi tổ chức HCNN, cũng như mọi tổ chức khác, đều tồn tại trong một môi trường chính trị – xã hội nhất định.Tổ chức HCNN đều có mối liên hệ và chịu sự chi phối trực tiếp của môi trường chính trị – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương mà có tồn tại. Sự lành mạnh của môi trường chính trị – xã hội tạo tiền đề cần thiết, chi phối trực tiếp chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá mỗi tổ chức HCNN. Theo đó:
– Sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền là nhân tố quyết định hiệu lực, hiệu quả của bộ máy HCNN, với các quan điểm, chủ trương xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, đặt nền tảng chính trị cho phát triển các tổ chức HCNN, cũng như làm kim chỉ nam cho hoạt động đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN. Có được một trường chính trị lành mạnh, cho phép hoạt động đánh giá tổ chức HCNN có thể thực hiện một cách nghiêm túc, khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi ý chí chính trị chủ quan và ảnh hưởng tiêu cực, làm méo mó, sai lệch kết quả đánh giá.
– Bên cạnh môi trường chính trị, sự lành mạnh của môi trường xã hội xung quanh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả, chất lượng công tác đánh giá hiệu quả của tổ chức HCNN. Nếu trong một xã hội tồn tại nhiều biểu hiện tiêu cực thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của các chủ thể đánh giá và đối tượng đánh giá. Chẳng hạn các căn bệnh thành tích, hiếu thắng, vụ lợi, ích kỷ… tồn tại và phát triển trong đời sống xã hội, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sẽ làm sai lệch động cơ của chủ thể đánh giá và đối tượng đánh giá, làm hạn chế tính chính xác, khách quan, minh bạch trong hoạt động đánh giá.
Trên đây là khái quát một số vấn đề lý luận chủ yếu về đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công, về cơ bản cũng dựa trên cơ sở khung lý luận trên đây, sự khác nhau có lẽ chỉ là ở những kết quả cụ thể của đánh giá từng hoạt động của đơn vị sự nghiệp mà thôi. Đề nghị nên thảo luận thêm vấn đề này./.
TS. Dương Quang Tung
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước
Trích nguồn: http://isos.gov.vn/
Sưu tầm: Nguyễn Thị Tố Vy – phòng Tổ Chức-Hành Chính
Để lại một phản hồi