Ngày 12 tháng 9 năm 2024, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo”. Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt.
Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cùng các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành, đại diện lãnh đạo các Ban của TW Hội, các đơn vị phía Nam (Ban Công tác phía Nam, Trường Trung cấp Lê Thị Riêng, Báo Phụ nữ Việt Nam); Ban giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cùng gần 100 đại biểu là đại diện Hội LHPN tỉnh, các Sở, Ban, ngành các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước, các cơ quan báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Tính đến 6 tháng đầu năm 2024, Dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em DTTS vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm và các dịch vụ công cộng… Mục tiêu Hội thảo lần này nhằm xác định rõ các vấn đề cấp bách và đề xuất các giải pháp thiết thực để giải quyết những vướn mắc, khó khăn nêu trên.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương – PGĐ Học viện, Giám đốc Phân hiệu nhấn mạnh: Hội thảo sẽ thảo luận về cơ hội, thách thức và vai trò của sự hợp tác giữa các cơ quan trong việc triển khai Dự án 8, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường khả năng tiếp cận chính sách, đồng thời các đại biểu sẽ trao đổi về các mô hình, cách làm, và rút ra bài học kinh nghiệm. Mục tiêu là hoàn thiện bản tóm tắt các khuyến nghị, đề xuất chính sách và giải pháp truyền thông hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và quyền lợi của phụ nữ và trẻ em DTTS.
Phiên 1 (buổi sáng) của Hội thảo với chủ đề “Kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực phía Nam, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị, đề xuất” với sự chủ trì của PGS.TS. Dương Kim Anh- PGĐ Học viện Phụ nữ Việt Nam; bà Lò Thị Thu Thủy – UV Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Dân tộc, tôn giáo TW Hội LHPN việt Nam; GS.TS Vũ Gia Hiền – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng khoa học công nghệ TP.HCM.
Trong phiên 1, nhiều thực trạng xoay quanh chủ đề Hội thảo đã được nêu ra. Ông Ngô Vân, đại biểu tỉnh Sóc Trăng cho biết công tác phối hợp các ngành liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức về: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường vẫn còn hạn chế về nhân lực và cách thức nên chưa đạt hiệu quả. Bà Doanh Thị Thoa – Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Nhau (Bù Đăng, Bình Phước) cho biết thực trạng đối với phụ nữ DTTS trong phát triển kinh tế – xã hội tại tỉnh Bình Phước cũng đặt ra nhiều thách thức như: bất bình đẳng giới, thiếu kiến thức, hạn chế tham gia, và chịu thiệt thòi “kép” đến từ cả góc độ giới và góc độ dân tộc… Ông Nguyễn Thanh Đạt, đại biểu từ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đã chia sẻ quan điểm về việc nâng cao tiếp cận truyền thông cho đồng bào DTTS qua lăng kính điện ảnh. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc cần truyền tải thông điệp một cách linh hoạt và hiệu quả hơn, để tránh những tác động ngược khi các nhà làm phim chưa khai thác đủ sâu và truyền thông chưa đúng cách về phụ nữ, trẻ em DTTS.
Phiên 2 (buổi chiều) của Hội thảo với chủ đề “Những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi khu vực phía Nam” với sự chủ trì của PGS.TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Phân hiệu, TS. Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo tiếp tục với không khí sôi nổi, các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp. Đồng thời, họ cũng nhận diện các vấn đề mới và xem xét lại những vấn đề đã có can thiệp nhưng vẫn còn tồn đọng.
Theo đó, một số ý kiến đưa ra như: Để giải quyết các vấn đề cấp thiết như trình độ học vấn thấp, khó tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, và chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được coi trọng, các đại biểu đề xuất tăng cường giáo dục và đào tạo nghề cho phụ nữ DTTS, xây dựng và nâng cấp cơ sở y tế tại các vùng sâu, vùng xa, và tổ chức các chương trình khám chữa bệnh lưu động. Đồng thời, cần thúc đẩy kinh tế, việc làm và khởi nghiệp cho phụ nữ DTTS thông qua hỗ trợ vốn vay ưu đãi và đào tạo kỹ năng kinh doanh. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT cũng là những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng DTTS đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa trăn trở: “Trẻ em vùng đồng bào DTTS đối diện với vấn nạn bị xâm hại tình dục, các em không nói được tiếng phổ thông và phụ huynh cũng gặp rào cản ngôn ngữ tương tự. Do đó trong quá trình hỗ trợ tâm lý, các chuyên gia đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận và làm việc”.
Phát biểu bế mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã đánh giá cao công tác tổ chức của Phân hiệu, chú trọng đổi mới và sáng tạo trong nội dung hội thảo. Bà khẳng định Dự án 8 là một dự án quan trọng, và Phân hiệu được phân công chủ trì tổ chức hội thảo phía Nam đạt được kết quả thành công tốt đẹp. Bên cạnh đó, Kỷ yếu Hội thảo đã lựa chọn được 40 bài viết của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn chọn đăng đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Các kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp làm cơ sở đề xuất lên Ban điều hành Dự án 8 để có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi trong những năm tiếp theo. Đồng thời, bà cũng đề nghị các cấp Hội phía Nam tập trung vào một số nội dung trọng yếu. Trước hết, rà soát bộ công cụ đánh giá giám sát Dự án 8, tổng hợp và phân loại các vấn đề cấp thiết của đồng bào DTTS tại từng địa phương, tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá mức độ giải quyết hiện tại. Một số vấn đề mới được nhận diện như: bảo vệ phụ nữ trong vấn đề tiêu dùng, tiếp cận thông tin, cần tăng cường phối hợp với các ban ngành liên quan để tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết không quên bám sát vào việc dựa trên phong tục tập quán và văn hóa của từng dân tộc, cần đưa ra các giải pháp cụ thể và thiết thực, theo tiêu chí “mưa dầm thấm lâu”.
Tại các tỉnh phía Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến giới trong gia đình và cộng đồng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ… Bên cạnh đó, Hội cũng chú trọng đến việc đào tạo về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng, giúp họ có kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tham gia vào quá trình phát triển bền vững.
Hội thảo không chỉ mở ra những hướng đi mới đầy triển vọng để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em DTTS, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bình đẳng và toàn diện của cộng đồng xã hội.
Xuân Quỳnh
Để lại một phản hồi