Hội thảo khoa học “Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới – Tiêu chuẩn quốc tế và thực tế tại Việt Nam”

Hội thảo khoa học

“Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới – Tiêu chuẩn quốc tế và thực tế tại Việt Nam”

    Sáng ngày 06/12/2019, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và Hội giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới – Tiêu chuẩn quốc tế và Thực tế tại Việt Nam”

    Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu là đại diện của Sở Lao động – Thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Hội giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu; các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên CTXH trong Phòng CTXH của 9 bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh; đại diện công an, tòa án nhân dân thành phồ Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bình Dương; các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Ninh Thuận; các đơn vị trong lực lượng vũ trang.

    Phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã khẳng định “Bạo lực giới có thể xảy ra với bất kỳ ai trong bất kỳ độ tuổi nào và có thể diễn ra ở khắp mọi nơi với rất nhiều hình thức khác nhau, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đến hạnh phúc, sức khỏe và sự an toàn của nạn nhân. Bạo lực giới còn gây ra những hậu quả kinh tế, tác động đến năng suất lao động, ảnh hưởng đến kết quả giáo dục và sự phát triển của mỗi quốc gia. Mặc dù các quốc gia đã có những cam kết sâu rộng ở cấp độ toàn cầu nhằm ứng phó và phòng chống bạo lực giới nhưng nhiều nạn nhân vẫn không hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ sự hỗ trợ và các dịch vụ có thể bảo vệ họ, giúp đảm bảo an toàn cho họ và giải quyết những hậu quả do bạo lực gây ra”. Báo cáo đề dẫn đã khái quát thực trạng bạo lực giới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tổng hợp thông tin các bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, sau khi phản biện độc lập đã được chọn đăng trong Kỷ yếu hội thảo. Trong bài phát biểu, ThS Nguyễn Thị Thu Hương cũng bày tỏ sự cảm ơn Sở Lao động – Thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Hội giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học các nhà nghiên cứu đã đã đồng hành, hỗ trợ Phân hiệu trong quá trình chuẩn bị và tổ chức hội thảo.

ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu - Phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo để dẫn Hội thảo.
ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu – Phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo để dẫn Hội thảo.

    Điều hành hội thảo bao gồm ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam; Trung tá Lê Thị Phương Lan – Trợ lý phụ nữ Quân đoàn 4; TS Nguyễn Phan Hòa – Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Điều hành Hội thảo
Điều hành Hội thảo

    Hội thảo được tiến hành bắt đầu với hoạt cảnh về một vụ việc xâm hại tình dụng trẻ em. Trong hoạt cảnh vòng một, khi vụ việc xây ra người cha đổ lỗi cho người mẹ, bản thân người mẹ cũng không biết đi đâu để tìm kiếm sự giúp đỡ, thủ phạm thì đe dọa, trình báo công an chậm trễ nên không tìm kiếm được bằng chứng, nhiều người khuyên người mẹ nên im lặng hòa giải. Trước áp lực của tất cả những điều đó, người mẹ đã phải bỏ cuộc. Đến hoạt cảnh vòng 2, con đường tìm kiếm sự hỗ trợ của nạn nhân diễn ra thuận lợi với sự vào cuộc của nhân viên CTXH, bác sỹ, công an, chuyên gia tâm lý, tòa án.

    Sau phần hoạt cảnh, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng trao đổi, thảo luận về ba gói dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới (gói dịch vụ y tế, gói dịch vụ tư pháp hành pháp, gói dịch vụ xã hội) với các nội dung: Thực trạng việc triển khai các gói dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới; So sánh với tiêu chuẩn quốc tế (Ban tổ chức chuẩn bị sẵn tài liệu các tiêu chuẩn quốc tế cho từng gói dịch vụ); Khó khăn, rào cản trong việc cung cấp dịch vụ; Sự phối hợp liên ngành trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới; Giải pháp để cung cấp gói dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân.

Đại biểu thảo luận về Gói dịch vụ y tế
Đại biểu thảo luận về Gói dịch vụ y tế
Đại biểu thảo luận về Gói dịch vụ tư pháp, hành pháp
Đại biểu thảo luận về Gói dịch vụ tư pháp, hành pháp
Đại biểu trình bày về Gói dịch vụ xã hội
Đại biểu trình bày về Gói dịch vụ xã hội

Đại diện cho nhóm thảo luận về gói dịch vụ y tế, bà Vũ Hồng Hạnh – Bệnh viện Hùng Vương đưa ra những khó khăn trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới như: các bệnh viện chưa xây dựng quy trình rõ ràng trong việc hỗ trợ, bệnh nhân; người nhà từ chối hỗ trợ vì xấu hổ, không muốn nói ra; sự phối hợp liên ngành khó, chủ yếu dựa vào mối quan hệ cá nhân.

Bà Vũ Hồng Hạnh - Bênh viện Hùng Vương trình bày kết quả thảo luận
Bà Vũ Hồng Hạnh – Bênh viện Hùng Vương trình bày kết quả thảo luận

    Chia sẻ kinh nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y dược, bà Đỗ Thị Nam Phương – Phó trưởng phòng CTXH cho rằng: “Áp lực về thời gian khám bệnh của bác sỹ, đặc biệt là ở các bệnh viện công là vô cùng lớn, do vậy bác sỹ có thể bỏ qua những triệu chứng, dấu hiệu của bệnh nhân có thể là nạn nhân của bạo lực giới.  Ở bệnh viện Đại học Y dược đã tổ chức tập huấn cho tất cả các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý để phát hiện và phân biệt các dấu hiệu, triệu chứng tổn thương của người bệnh là nạn nhân của bạo lực. Phòng CTXH của bệnh viện của luôn chú ý đến việc xây dựng mạng lưới đa ngành để có thể hỗ trợ nạn nhân một cách tốt nhất”. Các chia sẻ khác đến từ Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Quân đoàn 4, bệnh xá Sư đoàn 9, bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện quận Thủ Đức cho thấy những tín hiệu rất đáng mừng khi các bệnh viện đã bắt đầu có quan tâm đến việc xây dựng quy trình khám chữa bệnh có quan tâm đến việc hỗ trợ bệnh nhân một cách toàn diện nhất.

Bà Đỗ Thị Nam Phương - Phó Trưởng phòng CTXH, Bênh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm
Bà Đỗ Thị Nam Phương – Phó Trưởng phòng CTXH, Bênh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm

Đại diện cho nhóm thảo luận về gói dịch vụ tư pháp hành pháp, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Công an Bến Tre, bà Phạm Thị Thu Phương – Phó Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên thành phố Hồ Chí Minh, bà Lưu Thị Mỹ Hương – Phó Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ những câu chuyện rất đau lòng về các nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cũng như những khó khăn trong quá trình điều tra, xét xử.

Bà Lưu Thị Mỹ Hương - Phó Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm
Bà Lưu Thị Mỹ Hương – Phó Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm

   Bên cạnh đó, thiếu tá Lê Quang Vinh – Phó trưởng công an phường Phú Tân, thành phố Bến Tre đã chia sẻ về Mô hình Đội phản ứng nhanh về phòng chống bạo lực gia đình tại thành phố Bến Tre. Mô hình này được Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm – Bộ Công an phối hợp với Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma tuý Liên hiệp quốc (UNODC) tiến hành tại Bến Tre nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các trường hợp bạo lực gia đình. Theo nhiều đại biểu, đây là một mô hình rất thiết thực nên được nhân rộng tại các tỉnh, bởi vì thực tế khi có một vụ việc xảy ra tại cộng đồng thì có rất nhiều ban ngành đoàn thể có trách nhiệm liên quan nhưng chưa xác định được ai là đầu mối để giải quyết.

Thiếu tá Lê Quang Vinh - Đội trưởng Đội phản ứng nhanh về phòng chống BLGĐ, Công an Bến Tre - Chia sẻ kinh nghiệm
Thiếu tá Lê Quang Vinh – Đội trưởng Đội phản ứng nhanh về phòng chống BLGĐ, Công an Bến Tre – Chia sẻ kinh nghiệm

    Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Phương – Phó Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ về mô hình tòa án thân thiện đang được tiến hành triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Phạm Thị Thu Phương - Phó Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TPHCM trình bày kết quả thảo luận
Bà Phạm Thị Thu Phương – Phó Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TPHCM trình bày kết quả thảo luận

    Đại diện cho nhóm thảo luận về gói dịch vụ xã hội, ông Đỗ Hùng Dương – nhân viên Tổ chức PE & D đã chia sẻ các dịch vụ rất đa đạng, phong phú và toàn diện cho nạn nhân bạo lực giới. Một khó khăn lớn được các đại biểu nhắc đến trong gói dịch xã hội là sự phối hợp đa ngành, liên ngành trong việc hỗ trợ.

Ông Đỗ Hùng Dương - Nhân viên PE & D trình bày kết quả thảo luận
Ông Đỗ Hùng Dương – Nhân viên PE & D trình bày kết quả thảo luận

    Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, bà Đào Thị Thanh Thúy – Ủy viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển của phụ nữ đồng bằng Sông Cửu Long cho rằng: “Đối với gói dịch vụ xã hội, nhân viên xã hội phải có kỹ năng phối hợp đa ngành, liên ngành. Đó được coi là vai trò lớn nhất trong tiến trình hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới. Do vậy, ở Trung tâm chúng tôi tiến hành ký kết thỏa thuận phối hợp, hợp tác để công việc phối hợp, liên kết diễn ra nhanh chóng và kịp thời”.

Bà Đào Thị Thanh Thúy - UV TW Hội, Giám đốc TT Vì sự phát triển của phụ nữ DBSCL chia sẽ kinh nghiệm
Bà Đào Thị Thanh Thúy – UV TW Hội, Giám đốc TT Vì sự phát triển của phụ nữ DBSCL chia sẽ kinh nghiệm

    Trong khuôn khổ hội thảo, TS tâm lý Lý Thị Mai đã đánh giá cao Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam trong việc chuẩn bị và tổ chức hội thảo với một chủ đề rất thiết thực, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu đến từ các cơ sở, đơn vị đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới. Từ việc dẫn dắt những tư tưởng tiến bộ về bình đẳng giới của các nhà nho xưa, tiến sĩ Lý Thị Mai nhấn mạnh đến vai trò của công tác truyền thông trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cũng như hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới. Theo bà, việc truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho người dân, đặc biệt là cho nam giới và trẻ em trai sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bạo lực giới. Đối với các bệnh viện, các cơ quan tư pháp, hành pháp, các tổ chức xã hội cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông về các dịch vụ đang cung cấp để người dân có thể dễ dàng tìm đến khi họ có nhu cầu. Bà cũng nhắn nhủ thêm rằng, để hạn chế tình trạng bạo lực giới, mỗi một người phụ nữ cần phải HIỂU giá trị của bản thân để biết yêu thương đúng nơi và hy sinh đúng chỗ.

TS tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ kinh nghiệm
TS tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ kinh nghiệm

    Kết thúc phần thảo luận, trao đổi, TS tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng: “Trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới không chỉ nên hỗ trợ mỗi nạn nhân, có một đối tượng nữa cũng cần giúp đỡ, đó chính là người gây ra bạo lực. Việc gây ra bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ trẻ em là không thể chấp nhận được, không thể biện minh, không thể đổ lỗi. Nhưng chúng ta không chỉ nên coi họ là thủ phạm, mà ở một góc độ nào đó, thủ phạm cũng là nạn nhân, họ cũng có thể là nạn nhân của những ám ảnh, những tổn thương, những sang chấn tâm lý trong thời thơ ấu. Do vậy, họ cũng cần được giúp đỡ”.

     Hội thảo khoa học “Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới – Tiêu chuẩn quốc tế và thực tế tại Việt Nam” đã thu nhận được rất nhiều ý kiến đa chiều, đa ngành từ y tế, tư pháp hành pháp đến xã hội. Các đại biểu đã trao đổi thảo luận rất tích cực, sôi nổi vì đó là những vấn đề đang diễn ra hàng ngày, thực tế từ công việc của chính các đại biểu. Từ sự thành công của hội thảo này, các đại biểu cũng thể hiện mong đợi Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ có những hội thảo chuyên sâu về từng gói dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới trong thời gian tới.

Đại biểu chụp hình lưu niệm
Đại biểu chụp hình lưu niệm

            ThS Nguyễn Thị Oanh – Trưởng khoa CTXH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

. Gọi điện: 0938 968 168
. Nhắn tin SMS
. Liên hệ Zalo
. Messenger Facebook