Nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, ngày 01 tháng 04 năm 2021 tại Nhà khách tỉnh Trà Vinh, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh kết nối nhằm phát triển kinh tế vùng đồng bằng Sông Cửu Long”.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện tỉnh Hội Phụ nữ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Hội miền núi phía Bắc, các Sở – Ban – Ngành tại địa phương và 10 gian hàng trưng bày sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp. Hội thảo đã được lắng nghe 09 bài phát biểu tham luận, chia sẻ mô hình khởi nghiệp thành công và hơn 20 lượt phát biểu ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề thực trạng, khó khăn và các giải pháp nhằm phát triển kinh tế đồng bằng Sông Cửu Long.
Khai mạc buổi hội thảo, bà Đỗ thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khái quát những nét đặc trưng của các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3/2021, nhấn mạnh 8 “chữ G” trong chiến lược phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới. Đó là: Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giàu, Giỏi, Già, Giới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh 3 chữ “G” tại miền Tây nam bộ gồm: Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Chữ “Giang” (sông) chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công. Chữ “Gắn”: Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cùng phát triển bền vững. Bà Đỗ Thị Thu Thảo đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố Giới để nhắn gửi tới các tỉnh Hội trong quá trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả và bền vững.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học quốc gia TP.HCM trình bày “Điểm mạnh, hạn chế, định hướng và giải pháp phát triển triển trong giai đoạn tới, bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và các gợi ý khởi nghiệp”. Tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL hiện nay đã đã cao hơn những năm trước, dịch chuyển cơ cấu kinh tế: nông nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng. Lợi thế phát triển các ngành công nghiệp có ưu thế gắn với biển, phát triển khu kinh tế khu công nghiệp ven biển, nguồn tài nguyên nước biển dồi dào, tiềm năng phát triển du lịch với với vị trí địa lý kết nối giúp những ngành nghề các tỉnh có thể liên kết với nhau sẽ tạo ra hiệu quả hơn. Tuy nhiên các tỉnh vùng ĐBSCL có nhiều khó khăn, thách thức: Hạn chế về phát triển kinh tế chậm theo hướng công nghiệp hoá, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ nguồn nhân lực thấp, xuất cư cao (chủ yếu nhân lực trẻ) gia nhập kinh tế thế giới cũng có nhiều lợi thế nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh và nguy cơ rủi ro đến từ bên ngoài, đất nông nghiệp ngày càng hẹp và biển đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến người dân. Tác giả đưa ra một số đề xuất chiến lược kết hợp điểm mạnh và cơ hội: Liên kết phát triển các ngành có lợi thế, phát triển chuỗi giá trị toàn cầu cho các sản phẩm chủ lực, trái cây – thuỷ hải sản, phát triển du lịch nội địa và quốc tế; Liên kết kêu gọi đầu tư quốc tế và ngoài tỉnh, xúc tiến thương mại, điều phối quy hoạch phân bổ các dự án phù hợp; liên kết phát triển hạ tầng – kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đánh giá 3 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, bà Hồ Thị Quý – Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam đưa ra những thành tựu đạt được sau 3 năm thực hiện đề án thông qua các hoạt động chính: Truyền thông và hoạt động tìm kiếm và hỗ trợ thực hiện hoá các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; Hoạt động giám sát, phản biện; Đề xuất chính sách và đã đạt được kết quả đáng khích lệ như: Nhận thức, năng lực của cán bộ Hội về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được tăng lên; Hoạt động hỗ trợ của hội đến đúng đối tượng và phù hợp nhu cầu của từng đối tượng; Huy động được sự ủng hộ, đồng hành của nhiều tổ chức ban ngành và toàn xã hội; Thúc đẩy, lan toả tinh thần khởi nghiệp cho đa dạng các tầng lớp phụ nữ; Chủ đề thay đổi sáng tạo theo từng năm, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, cách thức tổ chức, chủ đề hỗ trợ những người đang sống chung với HIV/AIDS, người hoàn lương, người khuyết tật.
Tác giả, đưa ra một số vấn đề đặt ra: năng lực của cán bộ Hội còn hạn chế, số lượng các dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo, đột phá, áp dụng khoa học công nghệ còn ít, tác động tới đối tượng phụ nữ yếu thế còn hạn chế, hoạt động tư vấn, đào tạo còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách, đồng thời cần tăng tính chủ động, sáng tạo ở từng địa phương.
Phát biểu bế mạc hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Thảo đã đưa ra một số kết luận trong cả hai phiên hội thảo và tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ trong công tác thực hiện Đề án 939 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở giai đoạn tiếp theo. Trong đó, bà đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần tăng cường việc kết nối giữa Hội phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc và Hội phụ nữ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Buổi hội thảo khép lại đầy ý nghĩa với hoạt động Ban thường vụ Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN các tỉnh/ thành thể hiện sự quyết tâm thực hiện hiệu quả đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 với hoạt động kí kết giao ước thi đua năm 2021.
ThS. Trần Thị Thu Hường – GV. CTXH
Để lại một phản hồi