CUỘC THI “SINH VIÊN PHÂN HIỆU HỌC VIỆN PHỤ NỮ VIỆT NAM
TỰ HÀO TIẾP BƯỚC NGƯỜI TRUYỀN LỬA NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI”
Cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh được coi là người tái sinh ngành CTXH tại miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với mong muốn truyền lửa tinh thần của Cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và phổ biến rộng rãi sách của cô tới các thế hệ sinh viên ngành CTXH, sáng ngày 26 tháng 10 năm 2019, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Nhóm Truyền lửa cho sinh viên CTXH tổ chức cuộc thi “Sinh viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam – Tự hào tiếp bước người truyền lửa nghề công tác xã hội”.
Đến tham dự cuộc thi có thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam; Cô Trần Thị Nên – Phòng Phát triển Xã hội – Hội Huynh Đệ; Thầy Chu Dũng – Trung tâm nghiên cứu CTXH và PTCĐ; Cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Điều phối viên CTXH – Trường Quốc tế Mỹ. Đó cũng chính là thành phần ban cố vấn của hội thi. Ngoài ra, hội thi còn có sự tham gia của các giảng viên trong bộ môn công tác xã hội và đặc biệt là sự có mặt của 50 sinh viên của lớp K1LHCTXH và K3LTCTXH, là những sinh viên ngành CTXH đang theo học tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh những đóng góp của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh đối với nghành công tác xã hội và gửi lời nhắn nhủ tới sinh viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cố gắng học tập và rèn luyện để có thể tiếp bước theo cô.
Với hình thức thi mới lạ, thông qua phần mềm Kahoot, 10 đội thi sử dụng điện thoại di động có kết nối mạng internet để trả lời câu hỏi. Các đội thi trả lời 30 câu hỏi xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và nội dung của các cuốn sách do cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh viết, bao gồm “Lối ra cho các vấn đề xã hội”, “Hạnh phúc phải lựa chọn”, “Để cuộc đời có ý nghĩa”. Hình thức thi qua phần mềm Kahoot tạo được sự hứng khởi cho sinh viên và đảm bảo sự công bằng tuyệt đối trong đánh giá kết quả. Sau mỗi câu trả lời, các đội thi đều được biết số điểm của đội mình và thứ tự của đội thi trên tổng số 10 đội. Hội thi đã diễn ra rất sôi nổi và gay cấn.
Ở một số câu hỏi liên quan đến những mốc sự kiện và bước ngoặt của trong sự nghiệp của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, Ban cố vấn đã cung cấp thêm các thông tin để làm rõ hơn về tư tưởng, quan điểm và tinh thần cống hiến vì sự nghiệp CTXH của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh. Ban cố vấn của hội thi là những học trò và có nhiều năm làm việc chung với của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh.
Kết quả hội thi đã tìm ra các đội thi đã trao giải. Năm đội thi có điểm số cao nhất bao gồm: “Hoa Mười Giờ”; “Xì Trum”; “Sáng Tạo”; “Đa Sắc Thái”; “Kệ”. Cả 10 đội thi đều nhận được phần thưởng từ Ban tổ chức là một phần thưởng bằng tiền mặt và một bộ sách của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh.
Hội thi là một cơ hội để sinh viên các lớp giao lưu, chia sẻ và rút ra được những giá trị, triết lý của nghề CTXH cũng như ý nghĩa của cuộc sống thông qua các cuốn sách của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh. Thông qua hội thi, các giảng viên, sinh viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam không chỉ hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh mà còn lan tỏa tinh thần cống hiến và truyền lửa nghề cho những ai đã, đang và sẽ theo đuổi nghề CTXH.
Hình 8, 9
ThS Hoàng Bào Trường – Giảng viên Khoa CTXH
Để lại một phản hồi