Cô Đặng Hồng Nhựt – Người gieo trồng không mệt mỏi
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi muốn viết những dòng cảm xúc này để tri ân cô Đặng Hồng Nhựt – nguyên Hiệu trưởng (nhiệm kỳ 1987-1997) Trường Cán bộ Phụ nữ Trung Ương II (nay là Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam). Cô gần như đã dành trọn cả cuộc đời mình cho Cách mạng, cho Đảng và cho nhân dân. Cô là một tấm gương sáng để các thế hệ chúng tôi noi theo.
Có những người, bạn chỉ cần gặp rất ít lần trong đời, dù không cùng trong một môi trường làm việc hay không có cơ hội gắn bó, vẫn có thể để lại trong lòng bạn những ấn tượng không bao giờ phai nhạt. Ấn tượng đó không phải vì hình thức bề ngoài hay vị trí xã hội của họ, mà là vì người đó có một tâm hồn đẹp được bộc lộ qua cử chỉ, tình cảm, nụ cười khi giao tiếp. Với tôi, những ấn tượng đó là về một người phụ nữ đáng kính – cô Đặng Hồng Nhựt – một người gieo trồng không mệt mỏi. Cô đã có những cống hiến lớn lao cho cộng đồng, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội, nhưng lại chưa bao giờ tự nói về mình, chưa từng tự đề cao những công lao của mình.
Tôi thường nghe mọi người gọi cô bằng hai tiếng thân thương – cô Út (hay cô Út Nhựt). Mỗi năm một lần, tôi thường được gặp cô vào dịp Tết Nguyên Đán. Đó là ngày “Gặp mặt cán bộ hưu trí” do Phân hiệu tổ chức nhằm tri ân các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động. Cô thường mặc quần màu sậm, áo bà ba hoặc áo vải thật giản dị, chân chất đúng truyền thống của một người phụ nữ Nam bộ xưa. Cô hay cười và giọng nói chậm rãi, trầm lắng như những lời tâm sự cứ tự nhiên đi vào lòng người vậy. Đặc biệt, cô rất hay hát và đọc thơ. Mỗi lần lên Phân hiệu, cô đều gieo vào lòng chúng tôi tinh thần lạc quan và cả một bầu nhiệt huyết qua các vần thơ, các bài hát và những lời tâm sự.
Ngày tôi về trường, cô đã nghỉ hưu 15 năm, nên tôi chỉ biết cô qua những dòng lịch sử của trường và qua những câu chuyện mọi người kể lại. Vậy mà khi gặp cô, tôi vẫn cảm thấy sao cô gần gũi, thân thương đến lạ. Tôi cũng ít có cơ hội được nói chuyện với cô, vì mỗi lần cô về trường, các thầy cô, anh chị từng làm việc với cô đều muốn được gần cô để hỏi thăm và chia sẻ. Tôi chỉ ngồi bên cạnh, lắng nghe nhưng vẫn cảm nhận được tình cảm mà cô đem đến cho mọi người, cũng như những sự quan tâm chăm sóc mà mọi người đã dành cho cô. Trong những lần chia sẻ cô thường kể lại những năm tháng khó khăn và những nỗ lực của trường trước đây, cũng như động viên khích lệ thế hệ chúng tôi sống và làm việc làm sao cho xứng đáng với những hi sinh, cống hiến của những người đi trước. Cô thường nhắc đi nhắc lại rằng: cô rất thương Phân hiệu, trong khi nhiệm vụ chính trị thì nặng nề mà điều kiện con người và cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã được cải thiện kha khá, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết được những yêu cầu, thách thức trong thời đại mới. Những dịp gặp các cán bộ lãnh đạo cấp cao, cô vẫn dành thời gian và tranh thủ sự quan tâm của các lãnh đạo để hướng về Phân hiệu. Sống trong thời kỳ hiện đại, thật không dễ kiếm tìm được những con người, những tình cảm quý giá đến như vậy.
Trong dịp Phân hiệu tổ chức đoàn công tác từ thiện ở Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiện Duyên – huyện Củ Chi, tôi có cơ hội được gần gũi với cô hơn. Chuyến đi đó, chính cô là người trực tiếp liên hệ với cơ sở và tạo điều kiện để chuyến đi thuận lợi nhất. Năm đó cô Út đã hơn 80 tuổi, vậy mà lúc nào cũng với phong cách của một người tiên phong. Cô đi lại nhanh nhẹn, nói chuyện hoạt bát và rõ ràng. Trên xe cô còn kể chuyện cười cho chúng tôi nghe, những câu chuyện cười thấm đẫm tính ngụ ngôn, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ngày cô đi làm Cách mạng, rồi bị giặc bắt ở tù Côn Đào, tôi chắc chắn còn chưa ra đời. Thế nhưng khi được gặp cô, tôi như có một sợi dây vô hình gắn bó như được ở bên một người mẹ, người chị, người cô vô cùng thân thương.
Ngược dòng lịch sử của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, những năm cô còn làm Hiệu trưởng (1987-1997), là thời kỳ Việt Nam bắt đầu cải cách, khi công cuộc đổi mới còn gặp muôn vàn khó khăn, trường cũng đứng trước nhiều chông gai thử thách. Là người đứng mũi chịu sào, một lần nữa, cô lại thể hiện được bản lĩnh của một người Chiến Sĩ Cách mạng trước cuộc đấu tranh chống giặc đói và giặc dốt cho chị em phụ nữ miền Nam, Việt Nam. Tháng 10/1990, Trường phối hợp với Bệnh viện phụ sản Từ Dũ bắt đầu tổ chức các lớp đào tạo “Kỹ năng chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh” cho cán bộ Hội phụ nữ cấp xã, cán bộ phụ nữ người dân tộc… Với các nội dung chương trình đa dạng như: bổ túc văn hóa; hướng dẫn công tác Hội, quản lý học viên, chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngoại ngữ, tin học, dạy nghề nữ công gia chánh, nấu ăn, may mặc… theo phương thức phối kết hợp với các trường và trung tâm dạy nghề khác. Chương trình đã trở thành mô hình chủ đạo đào tạo cán bộ Hội, cán bộ nữ của thời kỳ bấy giờ và nhanh chóng được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Có thể nói, đây là một trong những thời kỳ vàng son của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương II, và không thể không kể đến công lao to lớn của người đứng đầu là cô Đặng Hồng Nhựt.
Sau thời gian cô làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương II, cô nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng cô vẫn tiếp thục tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội, công tác xã hội, công tác thiện nguyện, chủ yếu là tập trung cho các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Cô được bầu làm Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam, đồng thời là Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Cô là một trong những người đã dám đảm nhận những công việc nặng nề, khó khăn nhất cho xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh. Cô đã miệt mài không biết mệt mỏi với những mảnh đời thiếu may mắn, những nhóm người được coi là yếu thế trong xã hội. Và chắc rằng, vẫn còn có nhiều công việc cô đã làm mà chúng tôi không thể biết hết được. Những việc làm của cô đã gieo lên những mầm yêu thương, những tình cảm quý báu, chân thành vô bờ bến đối với những người không phải là máu mủ ruột thịt, nhưng đối với cô, họ xứng đáng được nhận những điều đó, vì họ là đồng bào, đồng chí của cô. Và cũng chính cô đã gieo lên trong lòng chúng tôi – thế hệ hậu sinh của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung Ương II – thêm những hạt giống tốt, để tiếp tục cống hiến cho đời.
Ngày 13/12/2017, tập thể Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nghe tin cô mất. Chúng tôi đã mất đi một người ruột thịt, một người mẹ, một người chị, một người truyền cảm hứng cho các thế hệ viên chức, người lao động Phân hiệu. Noi gương cô, chúng tôi đã, đang và sẽ hăng say làm việc, lao động, học tập không ngừng để được tiếp bước con đường mà cô đã đi qua, đào tạo cán bộ Hội, cán bộ nữ, đào tạo những người làm công tác xã hội một cách chuyên nghiệp và tâm huyết. Với chúng tôi, cô mãi là một người chiến sỹ Cách mạng kiên cường, bất khuất trong cả thời chiến lẫn thời bình, một người mẹ, một người chị thật gần gũi, thân thương. Một lần nữa, nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ, xin được thay mặt cho thế hệ trẻ của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, mãi mãi tri ân cô – Người gieo trồng không mệt mỏi.
Nguyễn Thị Tố Vy – Phòng Tổ chức – Hành chính
Một số link chia sẻ thông tin về Cô Đặng Thị Hồng Nhựt
Để lại một phản hồi