“BÍ KÍP” RÈN LUYỆN KỶ LUẬT BẢN THÂN KHI LÀM VIỆC TẠI NHÀ
Ngày 31 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg 2020 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” và “các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà;..”. Do vậy, từ ngày 01 tháng 4 năm 2020, viên chức, người lao động thực hiện chế độ làm việc trực tuyến tại nhà.
Làm việc tại nhà đòi hỏi kỹ năng quản lý thời gian và sự kỷ luật đối với bản thân. Nếu như chúng ta không nghiêm khắc với chính mình thì chúng ta sẽ dễ dàng thỏa hiệp và hiệu quả làm việc không cao. Vậy làm gì để rèn luyện tính kỷ luật bản thân khi làm việc tại nhà trong mùa dịch? Một vài gợi ý sau đây hy vọng sẽ giúp chúng ta làm việc hiệu quả tại nhà:
Làm việc càng sớm càng tốt
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thức dậy sớm sẽ cải thiện được năng suất làm việc. Thức dậy sớm không chỉ giúp chúng ta có tinh thần sảng khoái mà còn tăng thêm số giờ nhất định cho lịch trình một ngày. Điều đó giúp bạn có nhiều thời gian hơn, có nhiều năng lượng hơn dễ giải quyết các công việc trong ngày. Tiết lộ cho các bạn rằng, thức dậy sớm để làm việc là thói quen của những nhà lãnh đạo và những doanh nhân thành đạt trên khắp thế giới.
Dành mấy việc siêu khó để làm vào lúc sáng sớm
Cái gì mà trong đầu mình thấy khó, tốn thời gian, lười đụng tới nhất thì nên làm vào lúc sáng sớm. Khi đã hoàn thành các công việc quan trọng rồi, chúng ta sẽ có nhiều thời gian để làm những công việc khác với một tâm trạng thảnh thơi, “không mắc nợ”.
Xác định “khung giờ vàng” phù hợp với bản thân
“Khung giờ vàng” là khoảng thời gian mà mỗi chúng ta cảm thấy làm việc hiệu quả nhất. Mỗi người có một “khung giờ vàng” khác nhau. Chính vì thế, chúng ta cũng nên dành thời gian xác định xem thời gian nào trong ngày mà chúng ta làm việc hiệu quả nhất. Ví dụ, có người làm việc hiệu quả nhất từ khoảng 9 giờ đến 12 giờ, có người thì khoảng từ 5 giờ đến 9 giờ, có người thì cứ lúc mọi người chùm chăn đi ngủ thì mới là lúc họ tỉnh táo, sáng tạo nhất. Bạn nên tự quan sát và ghi chép lại khoảng thời gian làm việc và đánh giá hiệu quả làm việc các theo các khung giờ để tìm ra “khung giờ vàng” của mình.
Gợi ý nhé: Kết quả thử nghiệm cho thấy, thời điểm năng lượng tốt nhất của con người là từ 10 giờ sáng tới trưa và từ 5 giờ chiều tới 8 giờ tối.[1]
Cần có kế hoạch và chuẩn bị cho ngày hôm sau
Nếu ngày hôm sau phải tốn thời gian để suy nghĩ xem bây giờ làm gì, làm cái gì trước, cái gì sau thì nhiều khả năng bạn sẽ chọn xem phim và ngồi chơi game chứ không chọn làm việc. Chính vì thế, chúng ta nên lên kế hoạch cho ngày làm việc tiếp theo vào buổi tối trước khi đi ngủ. Trước khi ngủ, bạn hãy viết vào sổ 3 việc mình muốn hoàn thành vào ngày mai và ngày mai phải hoàn thành 3 việc đó rồi thì mới làm các việc khác.
Chỗ làm nên khác chỗ chơi
Không nên duy trì thói quen để laptop lên giường làm việc cho tiện. Hãy dành riêng một góc làm việc ở một góc trong phòng với một cái bàn và một cái ghế nhỏ. Não của con người được dạy một cách đơn giản rằng: ở không gian nào, thì tự nhiên chúng ta sẽ muốn làm việc đúng với không gian đó. Khi ở trên giường, bạn chỉ muốn ngủ hoac75 nằm chơi, khi ở trong nhà vệ sinh, mình sẽ chỉ nghĩ đến việc giải quyết một số thứ. Vì thế khi ngồi ở góc làm việc, mình sẽ làm việc!
Âm nhạc
Âm nhạc thực sự có thể nâng cao năng suất làm việc của chúng ta. Theo một báo cáo trên tờ tạp chí Neuroscience of Behavior and Physiology (Thần kinh học về hành vi và sinh lý học), khả năng nhận thức các hình ảnh của con người, bao gồm cả chữ cái và các số, nhanh nhạy hơn khi họ nghe nhạc rock hoặc nhạc cổ điển khi làm việc. Thử lên YouTube gõ “music for working” hoặc “nhạc giúp tập trung khi học tập, làm việc” và trải nghiệm một số loại nhạc để vừa làm vừa nghe xem hiệu quả không nhé!
ThS. Hoàng Bào Trường – Khoa Công tác xã hội
[1] Theo Tiến sĩ Michael Smolensky, giáo sư tại Đại học Texas (Mỹ), nghiên cứu về những thay đổi và lịch trình hoạt động hàng ngày theo đồng hồ sinh học.
Để lại một phản hồi