Hiện nay, tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 300 ngàn người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy… đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị. Điều đáng nói, trong các rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm như: di truyền, ảnh hưởng các bệnh thực tổn, mất cân bằng tâm lý, nghiện rượu… Những người chịu nhiều áp lực, bà mẹ sau sinh căng thẳng trong thời gian dài, mất người thân, hôn nhân không hạnh phúc, sau bệnh tật (chấn thương sọ não, tai biến…), nghiện rượu thời gian dài đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Nếu trước đây, phần lớn bệnh trầm cảm bắt nguồn từ các bệnh nội sinh, thì nay có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm lại có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội, như: áp lực học hành, căng thẳng trong công việc và cuộc sống…
Đặc biệt từ năm 2020 những tác động của đại dịch COVID- 19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của hàng triệu người trên Thế giới. Bắt nguồn từ sự lo âu, sợ hãi, nỗi cô đơn, sự cô lập về xã hội, tình trạng stress căng thẳng của người bệnh tâm thần nặng lên khi dịch chưa được kiểm soát và cả thế giới vẫn còn đang tìm kiếm giải pháp ngăn ngừa bệnh dịch… Những bệnh lý rối loạn về tâm thần rất đa dạng như: Rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, stress, tâm thần phân liệt… Đặc biệt các bệnh lý này có thể đơn độc hoặc có thể kết hợp nhiều bệnh lý khác với những triệu chứng kín đáo làm ảnh hưởng tới việc phát hiện và hiệu quả điều trị cho người bệnh. Gánh nặng mà các bệnh lý rối loạn tâm thần gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, có thể kể đến như: Trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, xã hội do gánh nặng chi phí điều trị và giảm năng lực lao động. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh trầm cảm sẽ diễn tiến ngày càng trầm trọng và nguy hiểm, có thể dẫn đến những điều đáng tiếc không cứu vãn được, đó là gây tử vong.
Do vậy, ngày nay để có thể chăm sóc toàn diện tới sức khỏe của mỗi người ngoài việc chăm lo tới sức khỏe về thể chất thì việc bảo vệ sức khỏe tâm thần cũng vô cùng quan trọng. Trước hết, mỗi cá nhân cần duy trì một chế độ làm việc, học tập, ăn uống, nghỉ ngơi, và luyện tập hợp lý để phòng ngừa các rối loạn tâm thần:
– Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Ăn đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo thực phẩm sạch, tránh nhiễm khuẩn, chất bảo quản…Hạn chế bia rượu, thuốc lá, chất kích thích và đồ cay nóng, nước ngọt, nước có gaz
– Vận động thường xuyên: Chọn hình thức luyện tập phù hợp với sở thích, tuổi tác, nghề nghiệp và điều kiện sức khỏe và duy trì tập luyện khoảng 30 phút mỗi ngày.
– Kiểm soát tốt thời gian của bản thân bằng cách lên lịch làm việc, sinh hoạt và duy trì lịch trình đó.
– Suy nghĩ tích cực; chấp nhận bản thân mình, không quá cầu toàn; dành thời gian cho bản thân để thực hiện các sở thích, nghỉ ngơi, giải trí
– Xây dựng và cải thiện mối quan hệ thân thiện xung quanh.
– Đảm bảo chất lượng giấc ngủ bằng cách ngủ đủ 7-8 tiếng trong một đêm và có giấc ngủ sâu
Lê Thị Thuỳ Linh (tổng hợp)
Để lại một phản hồi