Tọa đàm vận dụng quy điều đạo đức trong thực hành Công tác xã hội

 TỌA ĐÀM VẬN DỤNG QUY ĐIỀU ĐẠO ĐỨC TRONG THỰC HÀNH

CÔNG TÁC XÃ HỘI

     Ngày 14/11 vừa qua, tại Phân hiệu Học Viện Phụ Nữ Việt Nam đã diễn ra buổi toạ đàm với chủ đề: “Vận dụng quy điều đạo đức trong thực hành công tác xã hội” dành cho giảng viên, sinh viên đang học tại Phân hiệu. Buổi toạ đàm diễn ra trong không khí ấm áp sự tham gia tích cực, sôi nổi, nhiều ý kiến được đưa ra chia sẻ và bàn luận.

Với mong muốn tạo diễn đàn để các thầy cô và sinh viên lớp K1LHCTXH có cơ hội trao đổi cụ thể và sâu sắc từng nội dung trong quy điều đạo đức ngành công tác xã hội đồng thời làm hành trang cho sinh viên trước khi bước vào kì thực hành công tác xã hội đầu tiên trong chương trình học cử nhân.

Thành viên tham gia đang lắng nghe chia sẻ của một tham dự viên
Thành viên tham gia đang lắng nghe chia sẻ của một tham dự viên

 

     Buổi tọa đàm tập trung trao đổi các nội dung thể hiện trong thông tư 01/2017/TT-BLĐTBXH “Quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội” ngày 02/02/2017, cụ thể tập trung vào những nội dung sau:

  • Các quy điều đạo đức trong công tác xã hội;
  • Vai trò của sinh viên, giảng viên, kiểm huấn viên cơ sở trong việc áp dụng các quy điều đạo đức trong thực hành CTXH;
  • Những khó khăn/thuận lợi của sinh viên trong việc áp dụng các quy điều đạo đức trong thực hành CTXH;
  • Các giải pháp để áp dụng hiệu quả các quy điều đạo đức trong thực hành CTXH.

    Ý kiến đưa ra đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều thành viên trong lớp, với các câu trả lời xoay quanh nội dung như: trước hết, sinh viên cần phải tuân thủ nội quy, quy định của cơ sở nơi sinh viên thực tập; phải có tinh thần trách nhiệm; phải trung thực với bản thân và với mọi người; tích cực tham gia các hoạt động của cơ sở, có ý thức cầu tiến để trau dồi kiến thức từ thực tế – học tập  bởi những nhân viên giàu kinh nghiệm đang cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở. Bên cạnh đó, người làm công tác xã hội phải thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhận thức về chuyên môn công tác xã hội, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn nghề nghiệp công tác xã hội theo quy định của pháp luật; có kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ công tác xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo để phục vụ cho công việc; có trách nhiệm và khả năng hợp tác làm việc trong các nhóm liên ngành. Người làm công tác xã hội phải cần, kiệm, liêm, chính, không được lạm dụng các mối quan hệ với đối tượng để vụ lợi cá nhân, xác định rõ ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Theo đó, người làm công tác xã hội phải tôn trọng và phát huy quyền lựa chọn, quyền quyết định mà không phân biệt giá trị, niềm tin, tư tưởng, cuộc sống của đối tượng và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của đối tượng bằng cách giúp đối tượng tự quyết định và giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống.

     Buổi toạ đàm thực sự hiệu quả và có ý nghĩa với sinh viên, giảng viên. Thông qua sự trao đổi sôi nổi, tích cực của sinh viên và giảng viên, những khó khăn, thắc mắc của sinh viên đã được giải đáp giúp các bạn củng cố thêm kiến thức, kỹ năng vận dụng quy điều đạo đức CTXH trong đợt thực hành sắp tới. Buổi tọa đàm cũng nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn đối với các hoạt động học tập, thực hành và nghiên cứu của sinh viên tại Phân hiệu góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng tổ chức và hoạt động của Chi đoàn Phân hiệu.

ThS. Trần Thị Thu Hường 

        Khoa Công tác xã hội

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*