Trung thu – Ký ức diệu kỳ

     Trong trí nhớ của tôi, trước Tết Trung thu cả tháng, không chỉ mình tôi mà hầu như đứa trẻ nào cũng luôn miệng nhắc đến “Tết Trung thu rước đèn đi chơi”, hay “Phá cỗ đêm trăng rằm”…, dường như câu chuyện nào của đám trẻ con cũng đều có từ “Trung thu” với niềm mong đợi khát khao. Ngày xưa, Rằm trung thu thường được gọi là Tết trung thu, Tết đoàn viên, là ngày hội lớn trong năm của trẻ nhỏ.

     Thời đó, chúng tôi chưa biết đến các trò chơi điện tử, các thiết bị điện tử như Smartphone, notebook, hay các trò chơi công nghệ như bây giờ nên những dịp như Trung thu vô cùng háo hức. Háo hức chờ đợi những chiếc đèn lồng ông sao bọc giấy kiếng đủ màu – một món quà xa xỉ. Nhà đứa nào cũng nghèo, vì thế, cứ cách Trung thu cả tháng là chúng tôi tìm những vỏ hộp sữa, những thanh tre để “chế” những chiếc đèn Trung thu. Ba tôi, mặt dù rất bận rộn nhưng cách Rằm Trung thu nửa tháng là đi tìm những hạt bưởi phơi khô rồi xâu lại thành chuỗi treo trên góc bếp. Đến hôm Trung thu, ba sẽ chia cho mỗi đứa một xâu, tiếng hạt bưởi cháy lách tách vui tai quyện với mùi thơm hương bưởi có lẽ là ký ức đẹp nhất của tuổi thơ tôi. Mâm cỗ chỉ có vài thứ hoa quả như bưởi, mận, xoài, ổi, vài chiếc kẹo, những cái bánh hình thỏ, hình gà, hình mặt trăng, nhưng mẹ đã phải chuẩn bị từ mấy ngày trước. Khi trăng lên, tôi có một bữa tiệc thịnh soạn với các bạn trong tiếng hát và những tiếng cười giòn tan. Sau màn phá cỗ, những đứa trẻ ùa ra đường với chiếc đèn Trung thu “tự chế” trên tay. Trăng sáng, đường làng có chú Cuội phe phẩy cái quạt mo bên cạnh con lân to tướng. Tiếng trống múa lân và tiếng hát “Tùng rinh rinh” làm rộn rã cả một góc làng. Những chiếc đèn trời khẽ nâng mình trong gió, bay cao, bay xa mang theo những ước mơ từ vùng quê nghèo quanh năm lam lũ. Nửa đêm, trăng lên cao lắm rồi, bọn trẻ chúng tôi mới quay về và chìm vào giấc ngủ, trên môi khẽ cười mơ về mùa Trung thu năm sau.

     Còn Trung thu ngày nay, trên đường tôi đi làm, đi chợ, đều thấy họ bày bán các loại lồng đèn bằng điện, các sản phẩm đồ chơi bằng nhựa… nhiều vô kể. Những chiếc bánh trung thu đa dạng về mẫu mã, chủng loại được bày bán khắp nơi. Trẻ con thời nay chẳng còn háo hức thắp nến, rước đèn đêm trăng rằm như xưa nữa, đó có thể là một sự thiệt thòi lớn đối với thế hệ thiếu nhi ngày nay. Do đó, với mục đích để con em viên chức, người lao động của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam biết được cái hay, cái thú vị của Tết trung thu những năm tháng cũ mà thế hệ cha mẹ chúng đã được đi qua, và để các cháu hiểu ý nghĩa thiêng liêng mâm cỗ rằm, hoạt động rước đèn, chơi trò chơi dân gian theo phong tục truyền thống ngày xưa, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Phân hiệu, Đoàn thanh niên đã thiết kế một đêm trung thu mang màu sắc cổ truyền đầy ý nghĩa và sinh động với mâm cỗ đủ loại bánh trái, Chú cuội, chị Hằng và rất nhiều trò chơi dân gian thú vị.

     Được hoà mình trong không khí mang đậm màu sắc dân gian, các cháu tỏ ra vô cùng hứng thú với các trò chơi kéo co, nhảy sạp, đặc biệt là màn rước đèn hết sức rộn ràng diễn ra ngay tại sân trường. Những hoạt động tuy dân giã nhưng đã để lại dấu ấn đậm nét trong ký ức của các con. Hy vọng rằng theo thời gian, dù tuổi thơ dần đi qua nhưng kỷ niệm đáng nhớ này thì không bao giờ mờ nhạt trong tâm trí các con mà ngược lại nó càng hiện hữu mỗi khi nhớ lại, mỗi khi “thu sang” – mùa ký ức lại ùa về.

     Tết Trung thu trong mỗi chúng ta là những kỷ niệm đẹp gắn liền với thời thơ ấu. Đó không chỉ là ngày Tết của thiếu nhi mà đó là ngày Tết sum họp, đoàn viên của gia đình, quây quần bên mâm cỗ nhỏ. Thời gian ơi, cho tôi xin “một vé” quay về tuổi thơ! Tôi vẫn xin một lần sống lại trong không khí đêm rằm ngày ấy, để thêm một lần đo chiều dài ký ức của tuổi thơ.

Lê Thị Thuỳ Linh – Khoa KHCB

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*