Hội thảo “An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng”

HỘI THẢO

“AN TOÀN CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG”

      Sự bùng nổ của Internet cùng với tình trạng giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid -19 càng làm gia tăng nhu cầu tiếp cận với không gian mạng của cả người lớn và trẻ em trên khắp thế giới. Internet đem lại cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, hữu ích, hay tăng cường tương tác xã hội, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với người sử dụng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng đã trở thành vấn đề cấp bách. Nắm bắt bối cảnh hiện tại, đồng thời thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2021 của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngày 16/10/2021, Phân hiệu tổ chức Hội thảo “An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng” nhằm tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên và cá nhân có quan tâm trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, những kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, trong các hoạt động chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng ở Việt Nam và trên thế giới; Cung cấp thêm những thông tin cần thiết về lĩnh vực an toàn và bảo mật thông tin tại Việt Nam; Chia sẻ các giải pháp để góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em hiện nay.

      Hội thảo khoa học rất vui mừng nhận được sự quan tâm và tham gia trình bày tham luận của các diễn giả. (1) Bà Nguyễn Thị Nga – Phó cục trưởng cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; (2) Bà Trần Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh; (3) Bà Lê Thị Lan Phương – Cán bộ Quản lý chương trình Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ, tổ chức UN Women; (4) TS Hoàng Tuấn Ngọc –  Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Tp HCM; (5) ThS Phan Thị Cẩm Giang – Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam và sự tham dự của hơn 90 đại biểu là những người đang nghiên cứu bao gồm: các chuyên gia, nhà quản lý, các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục – Đào tạo, trường Đại học, Trường THCS, THPT, các viện nghiên cứu, các trung tâm CTXH, các bệnh viện trên cả nước.

      Trong phần trình bày với chủ đề “Chính sách, luật pháp, cơ chế phối hợp liên ngành trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở Việt Nam hiện nay”, Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết năm 2020, Việt Nam xếp hạng 25 trong 194 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá, tăng 25 bậc so với đánh giá công bố năm 2019 (hạng 50). Các đánh giá dựa trên 5 trụ cột “Pháp lý, Kỹ thuật; Tổ chức, Nâng cao năng lực, Hợp tác”. Ngoài ra, bà Nga cũng chia sẻ các luật, các thông tư, nghị định và mạng lưới ứng cứu liên quan đến bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện nay.

      Ở tham luận tiếp theo với chủ đề Thực trạng bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng” Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới chỉ ra trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được quy định tại Điều 54 Luật Trẻ em, năm 2016, theo đó: Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; Cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Bà Thanh cũng chia sẻ các kinh nghiệm bảo vệ trẻ em của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong bối cảnh Covid -19.

      Ở một khía cạnh khác, trong tham luận Các vấn đề của phụ nữ trên không gian mạng và kinh nghiệm Quốc tế Bà Lê Thị Lan Phương – Cán bộ Quản lý chương trình Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ, UN Women chỉ ra rằng các hình vi bạo lực phụ nữ trên không gian mạng là sự mở rộng hơn với sự phân biệt giới tính và bạo lực ngoài đời thật.Các hình thức bạo lực không ngừng biến hóa của BLPN trên môi trường mạng như: Phát ngôn thù hận (hate speech); Gửi tin nhắn có nội dung tình dục mà không có sự đồng thuận; Chia sẻ hình ảnh thân mật mà không có sự đồng thuận; Doxing – công khai thông tin cá nhân hoặc thông tin nhận dạng về nạn nhân; Chia sẻ/trao đổi video có nội dung hiếp dâm, cưỡng bức tình dục; Phô dâm trên mạng; Sử dụng kỹ thuật mô phỏng một con người dưới hình thức âm thanh, hình ảnh hay video bằng trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, bà Phương cũng chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo vệ phụ nữ trước bạo lực trên không gian mạng hiện nay.

      Trong phần trình bày kết quả nghiên cứu với chủ đề Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi bắt nạt trên môi trường mạng của học sinh THCS tại Tp. HCM”, Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Tp. HCM đã nêu ra 11 nhân tố ảnh hưởng đến hành vi bắt nạt trên mạng của học sinh gồm: (1) Năng lực giải quyết vấn đề, (2) Tự trọng, (3) Tính công kích, (4) Trầm cảm, (5) Tính kích động, (6) Tính ẩn danh, (7) Nghiện mạng xã hội, (8) Thái độ chấp nhận bạo lực, (9) Ý thức đạo đức trên môi trường trực tuyến, (10) Khả năng phân biệt giữa thực tiễn và không gian ảo, (11) Tiếp cận bạo lực thông qua phương tiện đại chúng. Và có sự khác nhau trong mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến hành vi bắt nạt trên môi trường mạng của học sinh. Trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất chính là khả năng phân biệt giữa thực tế và không gian ảo”.

      Thạc sỹ Phan Thị Cẩm Giang – Giảng viên Phân hiệu trong tham luận Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng thông qua giáo dục cảm xúc xã hội đã đề cập đến một phương pháp bảo vệ trẻ em tránh khỏi những tác động xấu trên môi trường mạng đó là ngoài việc quan tâm, bảo vệ trẻ em và đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành cùng chung tay thực hiện, việc hướng trẻ em đến việc hình thành những kỹ năng như tự nhận thức, tự quản lý, nhận thức xã hội, kỹ năng quan hệ xã hội và đưa quyết định có trách nhiệm là điều cần thực hiện trước tiên. Và để hình thành được các kỹ năng trên, giáo dục cảm xúc – xã hội cho trẻ em được xem là cần thiết nhằm giúp trẻ em tự bảo vệ an toàn cho bản thân và bạn bè nói chung và trên môi trường mạng nói riêng

      Buổi hội thảo cũng thực hiện 02 phiên hỏi đáp – thảo luận chung rất sôi nổi và đã nhận được rất nhiều lượt ý kiến đóng góp và đề xuất về các nội dung theo chủ đề hội thảo đưa ra. Là một trong những chủ đề nóng đang được quan tâm trong bối cảnh người người, nhà nhà sử dụng Internet để học tập và làm việc. Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến, trao đổi liên quan đến bảo vệ an toàn cho trẻ em và phụ nữ trước các nguy cơ tiềm ẩn trên môi trường mạng. Hội thảo đã kết thúc và đánh dấu điểm nhấn là sự cam kết chung tay lan toả những thông tin tích cực, các kỹ năng để phụ nữ và trẻ em nói riêng cũng như mỗi cá nhân nói chung biết cách bảo vệ chính mình cùng người thân của mình trên môi trường mạng.

      Người đưa tin: ThS Lê Thị Thuỳ Linh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*