Nữ chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật

     Trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952, đăng toàn văn Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Qua lời nhắn nhủ của Bác, một lần nữa cho thấy sự khẳng định của Người về vai trò của văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

     Trong bài viết này, tôi muốn nhắc đến một người phụ nữ – cố nghệ sĩ cải lương tài danh, nữ hoàng sân khấu, tài sắc vẹn toàn, cống hiến trọn đời cho nghệ thuật sân khấu, bà đã để lại những vai diễn để đời trong các tác phẩm kinh điển mà cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người hâm mộ, đó là nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga.

      Nghệ sĩ Thanh Nga tên là Julliet Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1942, quê quán Tây Ninh, là con gái của Bà Nguyễn Thị Thơ – Trưởng  đoàn Thanh Minh Thanh Nga, vang tiếng trong lòng khán giả một thời. Những vai diễn để lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trong lòng khán giả, có thể kể ra như: Trưng Trắc trong vỡ “Tiếng trống Mê Linh”; Thái Hậu Dương Vân Nga trong “Thái hậu Dương Vân Nga” và Tiểu Thơ Quỳnh Nga trong tác phẩm “Bên Cầu dệt lụa”.

     Khi được xem nhân vật Trưng Trắc trong “Tiếng trống Mê Linh”, qua tài diễn xuất đầy nội lực của nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga thể hiện trong từng cử chỉ, điệu bộ, lời nói và đặc biệt là thần thái thể hiện trong vỡ diễn đã tái hiện cho người xem hình ảnh sóng động, hào hùng, bất khuất về một vị nữ tướng của nước ta từ buổi đầu dựng nước như: tài thao lược, điều binh khiển tướng, thu phục lòng dân, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa, cũng như hun đúc tinh thần cho toàn thể tướng lĩnh và toàn dân để chuẩn bị điều kiện tốt nhất trong việc xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa sau này.

Cố NSUT Thanh Nga trong vai Trưng Trắc – Vở Tiếng Trống Mê Linh
Cố NSUT Thanh Nga trong vai Trưng Trắc – Vở Tiếng Trống Mê Linh

     Đặc biệt, cũng qua vai diễn nữ tướng Trưng Trắc, với cách thể hiện nội tâm thật trầm ấm, sâu sắc, nghệ sĩ Thanh Nga còn đem đến cho người xem, người nghe về hình ảnh của một người phụ nữ Việt Nam, một nữ tướng rất mực yêu thương, tôn trọng đối với người chồng, đó là Tướng quân Thi Sách, mặc dù cả hai có tình cảm vợ chồng vô cùng sâu nặng, tuy nhiên, tình yêu đối với tổ quốc, đồng bào luôn được đặt lên trên hết và trước hết.

     Hay trong tác phẩm “Bên cầu dệt lụa” với vai tiểu thơ Quỳnh Nga, qua tài diễn xuất đặc biệt, nội tâm, sâu sắc thể hiện qua từng cử chỉ, lời nói đạt đến đỉnh chuẩn của nghệ thuật đã đem đến cho người xem hình ảnh của một người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, trọng nghĩa nhân, sống có tình sau trước, thủy chung trong nghĩa vợ chồng, không tham phú phụ bần,… mặc dù Quỳnh Nga là con gái của một quan huyện, giàu sang, danh giá.

Cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga trong vỡ Bên cầu dệt lụa
Cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga trong vỡ Bên cầu dệt lụa

     Với những đóng góp cho nghệ thuật sân khấu, năm 1958, Thanh Nga được nhận giải Thanh Thanh Tâm triển vọng; năm 1966 nhận giải Thanh Thanh Tâm xuất sắc và đến năm 1984 được Nhà nước truy phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú theo quyết định số 44-CT do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 25 tháng 01 năm 1984.

     Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga ra đi ngày 26 tháng 11 năm 1978, trong sự tiếc thương vô hạn của nhiều thế hệ nghệ sĩ cũng như khán giả Miền Nam nói riêng và cả nước nói chung đối với một ngôi sao đang ở đỉnh cao của nghệ thuật và trong lòng người mộ điệu sân khấu cải lương.

     Nhận định về tài năng của nữ nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga, theo báo Người lao động, trong bài viết: “Thanh Nga – Ngôi sao bất tử”, tác giả Thanh Hiệp khẳng định: “Sân khấu cải lương 40 năm qua kể từ khi Nghệ sĩ Thanh Nga qua đời vẫn chưa có ai đủ sức thay thế bà. Các nhà chuyên môn lý giải 3 yếu tố: sắc vóc nổi bật, giọng ca chân phương và nội tâm sâu lắng đã làm nên một Thanh Nga khó thay thế”.

     Trong cuộc sống đời thường, nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga luôn bình dị, chân phương, quan tâm tới đồng nghiệp bằng cả tấm lòng, có đạo đức với nghề, chăm chút từng vai diễn để thực hiện sao cho hiệu quả nhất, đem đến những giá trị nhân văn phục vụ cho cuộc sống, đồng thời đó còn là cách để tri ân khán giả một cách chân thành, sâu sắc nhất.

     Là một khán giả được biết đến nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga từ những năm sáu, bảy tuổi, khi tôi được xem các vỡ tuồng Tiếng trống Mê Linh; Thái hậu Dương Vân Nga và Bên cầu dệt lụa, đặc biệt là vai Trưng Trắc; Tiểu thơ Quỳnh Nga, bởi cách diễn của Cô quá ấn tượng, có sức cuốn hút mạnh mẽ trong tôi.

     Để thay cho lời kết của bài viết này về cố nghệ sĩ tài danh này, xin mượn lời của tác giả Thanh Hiệp thể hiện trong bài “Thanh Nga – Ngôi sao bất tử” với nhận định: “…..Mặc dù cố nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga đã đi xa hơn 40 năm nhưng tình cảm đối với bà luôn sống mãi trong trái tim của nhiều thế hệ nghệ sĩ và khán thính giả qua những vai diễn ấn tượng để đời đã làm nên một Thanh Nga khó thay thế”.

                                      Phạm Thị Thu Trâm – Phòng Tổ chức – Hành chính

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*