Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2020 “Quản lý trường hợp với trẻ khó khăn học tập ở tuổi mầm non”

     Sáng ngày 15/1/2021, tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 “Quản lý trường hợp với trẻ khó khăn học tập ở tuổi mầm nondo Thạc sĩ Hoàng Bào Trường thuộc Khoa Công tác xã hội làm chủ nhiệm, cùng các thành viên tham gia: Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, Thạc sĩ Trần Thị Thu Hường và Thạc sĩ Lê Thị Thu Phương.

Hội đồng nghiệm thu và nhóm nghiên cứu
Hội đồng nghiệm thu và nhóm nghiên cứu

     Tham gia Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu gồm có: Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng gồm: Tiến sĩ Tâm lý học Lê Minh Thuận, Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Sâm, Thạc sĩ Tâm lý học Lê Thị Thùy Linh, Thạc sĩ Tâm lý học Phan Thị Cẩm Giang.

     Đại diện nhóm báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài Thạc sĩ Hoàng Bào Trường nhấn mạnh rằng: việc phát hiện và can thiệp sớm trẻ khó khăn học tập là một trong những hoạt động có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với trẻ, mà còn giúp gia đình, nhà trường định hướng được kế hoạch hỗ trợ trẻ. Đề tài “Quản lý trường hợp với trẻ khó khăn học tập ở tuổi mầm non” sẽ là một bổ sung góp phần đa dạng kiến thức lý luận về trẻ khuyết tật học tập ở lứa tuổi mẫu giáo với vai trò là một nhân viên ngành Công tác xã hội. Đồng thời, cung cấp kiến thức, kỹ năng để phụ huynh và những người trực tiếp chăm sóc trẻ có thể cùng tham gia vào tiến trình phát hiện và hỗ trợ sớm cho trẻ khuyết tật học tập.

Thạc sĩ Hoàng Bào Trường - chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu
Thạc sĩ Hoàng Bào Trường – chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu

            Sau khi lắng nghe phần trình bày của chủ nhiệm đề tài, các thành viên Hội đồng đã có những nhận xét cụ thể, chi tiết và cung cấp thêm các thông tin chuyên môn dành cho nhóm nghiên cứu. Tiến sĩ Tâm lý học Lê Minh Thuận đánh giá cao tính ứng dụng của đề tài, thầy cho rằng: đây là một đề tài khó, đầy thách thức bởi đặc thù là đề tài thực nghiệm, trẻ tham gia vào khảo sát là nhóm đã được thụ hưởng từ đề tài và đề tài có thể sử dụng để viết một bài báo khoa học quốc tế. Bên cạnh đó, Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Sâm cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý để hoàn thiện và phát triển đề tài nghiên cứu trong tương lai. Nhóm nghiên cứu đã tiếp thu những đóng góp mang tính chuyên môn sâu của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu.

     Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương – Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc thực hiện đề tài của nhóm nghiên cứu và nhấn mạnh: Đề tài thực nghiệm, mang tính ứng dụng cao, ý nghĩa và không chỉ có các bé, mà bao gồm giáo viên, phụ huynh được hưởng lợi ngay trong quá trình nghiên cứu. Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện các nội dung theo đóng góp của Hội đồng. Đề tài nghiệm thu đạt loại Khá.

Thạc sĩ Lê Thị Thu Phương

Khoa Công tác xã hội – Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*