Tổn thương gấp 14 lần
Hội thảo Khoa học quốc tế “Cải thiện sinh kế cho phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai” được tổ chức nhằm tìm hiểu những tác động của biến đổi khí hậu đến phụ nữ và sinh kế của phụ nữ; tạo diễn đàn cho các tỉnh/thành, chia sẻ các mô hình hỗ trợ hay; đề xuất các biện pháp, sáng kiến để cải thiện sinh kế cho phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phụ nữ phù hợp.
Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Th.S Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Theo tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women), biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên.
Bà Trần Thị Thúy Anh, Quản lý chương trình, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ Việt Nam (UN Women Việt Nam) nhận định: Sinh kế chính của phụ nữ chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp và ngư nghiệp. Trung bình cả nước có 51% phụ nữ làm trong ngành nông nghiệp và tỉ lệ này càng cao hơn ở các khu vực kém phát triển hơn như Miền núi phía Bắc (73%), Tây nguyên (72%), ven biển miền Trung (57%). Phụ nữ chủ yếu tập trung vào canh tác có quy mô nhỏ và tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Việc biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên xảy ra thì người phụ nữ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn.
Nguyên nhân khiến phụ nữ trở thành người bị tổn thương nhiều hơn trước thực trạng biến đổi khí hậu là gì? Bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra tại hội thảo: Phụ nữ bị hạn chế tiếp cận thông tin, họ chủ yếu tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và sinh kế nhỏ lẻ; hạn chế tín dụng; hạn chế nguồn lực thị trường; hạn chế các chương trình đào tạo nghề và dịch vụ khuyến nông. “Phụ nữ Việt Nam còn chịu nhiều về bất bình đẳng giới, chịu nhiều về vấn đề thu nhập, thời gian làm việc nhà, kinh tế phục thuộc vào nông nghiệp, ở những nơi có thu nhập thấp đều có bóng dáng của phụ nữ”, bà Hồ Thị Quý cho hay.
Giải pháp đặt ra
Theo TS. Báo Văn Tuy, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: Phụ nữ cũng như các đối tượng khác trong xã hội đều là một phần trong tổng thể, chịu sự tác động qua lại, có sự ảnh hưởng, hưởng lợi từ các đối tượng liên quan. Do đó, việc đề ra các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ trong điều kiện biến đổi khí hậu là cần xét đến tính toàn diện, đồng bộ. Tránh cục bộ, manh mún, chỉ nhắm đến tìm kiếm giải pháp gỡ khó cho phụ nữ mà quên đi các bên liên quan.
“Trong đó, giải pháp về “bảo hiểm sản xuất” sẽ góp phần ổn định sinh kế. Nghĩa là thông qua hỗ trợ phụ nữ mua bảo hiểm cây trồng, vật nuôi để khi rủi ro do thiên tai xảy ra, đời sống của người phụ nữ vẫn được đảm bảo và có khả năng tái sản xuất”, TS. Báo Văn Tuy nhấn mạnh.
PGS. TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Tài nguyên Môi trường, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết: “Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cần có phân kỳ thực hiện; xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn, nguồn lực trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất; trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan giảm nhẹ biến đổi khí hậu…”
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Ở cấp trung ương, Hội LHPN Việt Nam đã ký kết các chương trình phối hợp với các bộ ngành để tổ chức nhiều sự kiện truyền thông phát động, hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Ngày đại dương thế giới, Chiến dịch “làm cho thế giới sạch hơn”, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai, triển khai đề tài khoa học Dự án sản xuất thử nghiệm “Nghiên cứu ứng dụng mô hình hỗ trợ phụ nữ các dân tộc đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn”; hỗ trợ xây dựng 4 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tại các tỉnh chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển miền Trung. Đến nay, đã có 29.914 cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường hoặc mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Trích nguồn: https://phunuvietnam.vn/
Để lại một phản hồi