Bạo lực giới tăng từ 30% đến 300% trong dịch Covid-19
Diễn đàn do Sở Y tế TP.HCM, Sở LĐ-TB&XH TP, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm góp phần cải thiện chất lượng CTXH trong bệnh viện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới. Diễn đàn còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối và huy động các bên liên quan cùng tham gia phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới theo cách tiếp cận của CTXH, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Đến tham dự và phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh: Diễn đàn khẳng định rõ CTXH rất quan trọng trong các cơ sở y tế. Đây là cơ hội tốt cho các cơ sở y tế chia sẻ kinh nghiệm thực hiện CTXH trong bối cảnh Covid-19 và nắm rõ thêm thông tin các quy định, hướng dẫn hỗ trợ các nạn nhân, quy định về nhiệm vụ CTXH trong bệnh viện.
Ông Hưng thông tin thêm, bạo lực giới là vấn đề mang tính toàn cầu dưới nhiều hình thức như bạo lực gia đình, tấn công và cưỡng bức tình dục, buôn bán phụ nữ và quấy rối tình dục ở trường học, nơi công cộng, nơi làm việc. Bạo lực giới xảy ra ở cả nam và nữ nhưng phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng chính phải chịu đựng bạo lực giới, gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần…
Theo khảo sát quốc gia về bạo lực giới với phụ nữ do Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện năm 2019, trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có một người là nạn nhân của bạo lực giới. Tại Việt Nam, 63% phụ nữ đã từng trải qua một dạng bạo lực trong đời.
Báo cáo của UN Women năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300%. Các cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên tiếp nhận các nạn nhân bị bạo lực giới. Do đó, vai trò của CTXH tại các cơ sở này là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới và CTXH trong bệnh viện chưa có sự kết nối và cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập.
Bà Vũ Phương Ly – Chuyên gia chương trình của UN Women Việt Nam khẳng định, y tế là một trong 3 dịch vụ thiết yếu dành cho nạn nhân cùng với cơ quan chức năng và dịch vụ xã hội. Y tế được chú trọng trong gói dịch vụ thiết yếu toàn cầu cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới mà UN Women cùng với các tổ chức đang nỗ lực thử nghiệm và nhân rộng tại Việt Nam. Theo đó, quy trình khám chữa bệnh cần đảm bảo không gây thêm tổn thương cho bệnh nhân, đồng thời cần sự điều phối, kết nối, chuyển gửi chặt chẽ với các dịch vụ thiết yếu khác.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã chia sẻ tiêu chuẩn hỗ trợ nạn nhân toàn cầu theo gói dịch vụ can thiệp thiết yếu; Kinh nghiệm thực hiện CTXH trong bệnh viện và các mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới trong bệnh viện tại các nước trên thế giới. Đây là cơ sở để triển khai thực tế khi hỗ trợ các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới trong các cơ sở y tế tại Việt Nam.
Các chuyên gia cũng nhận định, nguyên nhân căn bản của bạo lực giới là tình trạng bất bình đẳng giới. Mặc dù các yếu tố khác như nghiện rượu, lạm dụng ma túy, sức ép kinh tế… cũng là nguyên nhân nhưng chính bất bình đẳng về quyền lực, về tiếng nói… giữa nam giới và phụ nữ đã “nâng đỡ” và kéo dài hành vi bạo lực.
Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên CTXH đến từ bệnh viện Lão khoa Trung ương; Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 chia sẻ những câu chuyện vui buồn liên quan đến việc tiếp cận những ca là nạn nhân của bạo lực giới. Qua đó đưa ra những lời khuyên đối với đồng nghiệp và các bậc cha mẹ trong việc phòng ngừa bạo lực giới.
T.An
Sưu tầm: Khoa CTXH
Trích nguồn: https://www.giaoduc.edu.vn/
Để lại một phản hồi