KINH NGHIỆM DẠY HỌC TRỰC TUYẾN HIỆU QUẢ CHO GIÁO VIÊN

KINH NGHIỆM DẠY HỌC TRỰC TUYẾN HIỆU QUẢ CHO GIÁO VIÊN

      Hiện nay, học online đã trở nên phổ biến, thậm chí trở thành một xu hướng phát triển được nhiều người lựa chọn ở các bậc đào tạo. Bên cạnh những ưu điểm như tiện lợi về việc không phải di chuyển, học tại nhà, chủ động thời gian,… thì tồn tại một số hạn chế nhất đinh như: khả năng tương tác kém, đòi hỏi phải hỗ trợ nhiều thì học sinh mới học tốt được, dễ bị phân tâm, môi trường học không kích thích được sự chủ động và sáng tạo của học viên,… Vậy làm sao để cải thiện những hạn chế này, nhằm tạo ra các buổi học trực tuyến hiệu quả?

     Một tiết học hiệu quả, đầu tiên phải tạo được bầu không khí học tập tích cực, bầu không khí học tập tích cực bao gồm trạng thái tâm lý thoải mái, người học cảm nhận được sự thân thiện từ những học viên trong lớp, và chính người giáo viên mang lại ngay từ giây phút đầu tiên khi vào lớp. Giáo viên là nhân tố chủ động trong việc tạo ra bầu không khí tích cực này thông qua việc đặt câu hỏi quan tâm chung cả lớp, hoặc nhắc tên một vài cá nhân trong lớp như một sự giao lưu. Không nhất thiết phải vào nội dung bài học ngay, sẽ tạo ra sự căng thẳng, nghiêm túc trong lớp học. Khuyến khích một vài tiết mục văn nghệ như ca hát, kể mẫu chuyện vui, tổ chức trò chơi, xem video vui nhộn, hoặc bàn luận một số sự kiện xã hội nổi cộm vừa diễn ra trong tuần…

     Cần một số quy tắc nữa trong lớp học, ví dụ muốn học sinh giơ tay phát biểu thì em đó phải đọc tên mình, bởi khi nói xin phát biểu nhưng không giơ tay thì cũng không biết là ai, hoặc phải “comment” trước với giáo viên. Dù quy định các em tắt mic, nhưng tất cả bật webcam để bất kỳ lúc nào giáo viên bật màn hình của một bạn nào đó, hoặc di chuyển đến một tài khoản nào đấy thì vẫn có thể kiểm tra được là người học có ngồi trước máy đang tập trung học hay không, đồng thời không khí lớp học sống động hơn.

     Dạy online cũng cần có những phương pháp giáo dục tương tự như trên lớp, nên phải có những hoạt động phong phú, chính vì vậy giáo viên cần phải khai thác được nhiều công cụ để tương tác phối hợp dạy online nhằm tăng sự tương tác của người học, như: video, hình ảnh, âm thanh, trò chơi trực tuyến,… Để tăng sự tương tác, tạo sự hứng thú cho người học, giáo viên phải luôn làm mới phương pháp dạy, thiết kế trò chơi trực truyến, đặt ra các thử thách theo từng nội dung bài dạy khác nhau. Giáo viên cần tương tác chat, cửa sổ trò chuyện với sinh viên để giải đáp câu hỏi, bài tập, hoặc đưa ra yêu cầu cần thảo luận, làm rõ…

      Yêu cầu người học đọc trước sách tham khảo, giáo trình môn học và đặc biệt là phải chuẩn bị câu hỏi để tương tác với giáo viên. Cần tăng cường hỏi đáp 1-1 với người học và nên đưa các câu hỏi nhỏ vào trong bài giảng. Đây là cách để tạm dừng, giảm sự nhàm chán, thu hút sự tham gia của người học cũng như giúp củng cố kiến thức đã thu nhận. Việc giáo viên lần lượt gọi tên thường xuyên các em cũng cần được khuyến khích, nhằm tránh sự mất tập trung trong quá trình nghe giảng.

     Khác với học trực tiếp, học online chỉ kéo dài sự tập trung của người học trong khoảng thời gian ngắn (1 tiếng đồng hồ), vì vậy, giáo viên cần chia buổi học theo khung thời gian hợp lý và cho nghỉ giải lao từ 5 – 10 phút sau mỗi nội dung bài học hoặc khoảng thời gian 1 tiếng đồng hồ, quá thời gian đó cả người dạy và người học đều mệt, hiệu quả kém. Thời gian nghỉ giải lao và thời gian vào lớp cần được ghi rõ ràng lên bảng và trình chiếu trước lớp, yêu cầu người học tuân thủ đúng thời gian, tránh ảnh hưởng đến tiến trình buổi học.

     Cuối cùng, dù là học trực tiếp hay học trực tuyến, thì giáo viên luôn cần có chuẩn mực phù hợp, từ việc mặc trang phục chỉnh tề, cách giao tiếp và lựa chọn bối cảnh không gian để thực hiện giờ giảng. Tránh việc phơi bày những hình ảnh thiếu chỉn chu, không gian không phù hợp (phòng ngủ, thiếu ánh sáng, ồn ào nhiều tạp âm,…), tranh thủ làm việc nhà, nói chuyện với những người xung quanh không cần thiết. Và luôn vào lớp trước 10 – 15 phút để chủ động điều chỉnh thiết bị, ánh sáng, cũng như nắm rõ tình hình lớp học từ đầu./.

ThS Hoàng Bào Trường – Giảng viên Khoa Công tác xã hội

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*