Phụ nữ Việt Nam – Người anh hùng thầm lặng

 Phụ nữ Việt Nam – Người anh hùng thầm lặng

     Đất nước Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, hàng triệu người hy sinh để dân tộc Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới đến ngày hôm nay. Trong máu xương của những người anh hùng đã ngã xuống, có sự hy sinh của những người phụ nữ Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

    Khi đất nước chìm trong nỗi đau nô lệ, lầm than bởi sự đô hộ của giặc phương Bắc song ý chí, lòng quyết tâm tiêu diệt giặc thù vẫn luôn bùng cháy trong từng thớ thịt của những người phụ nữ lúc bấy giờ. Thật oai hùng biết bao, tự hào làm sao khi chị em Trưng Trắc Trưng Nhị đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi bọn xâm lăng và trở thành nữ Vương đầu tiên lúc bấy giờ.

    Ở thời kỳ phong kiến, do ảnh hưởng của nho giáo nên vị thế người phụ nữ không cao bằng nam giới, nam giới được đi học, đi thi làm quan còn người phụ nữ chỉ ở trong nhà và luôn chịu áp lực vô hình bởi quan niệm “Công, dung, ngôn, hạnh”. Tuy vậy, người phụ nữ Việt Nam không vì thế mà họ đánh mất ươc mơ, hoài bão của mình. Họ cũng đã  vươn lên bằng trí thông minh và lòng kiên cường để đến đời sau tên họ vẫn còn mãi, tiêu biểu như bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm,…

    Khi đất nước ta bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng triệu người đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc, trong đó có sự hy sinh của những người phụ nữ. Chúng ta phải kể đến những nữ anh hùng bất khuất như nữ tướng Nguyễn Thị Định, người anh hùng trẻ tuổi hy sinh tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu bảo vệ tổ quốc như chị Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và hàng vạn người mẹ, người vợ miền Bắc đã không ngần ngại hy sinh hạnh phúc cá nhân, động viên chồng con, anh em lên đường vào Nam chiến đấu thực hiện nghĩa vụ của hậu phương miền Bắc, hết lòng chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” và vì mục tiêu chung là giải phóng đất nước, dân ta được độc lập, tự do, dân chủ,văn minh. Trong thời chiến, những người phụ nữ anh hùng không chỉ ra cầm súng bảo vệ tổ quốc mà còn trực tiếp hăng hái lao động sản xuất, làm nên hạt lúa, củ khoai, manh áo… tiếp thêm sinh lực để bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”. “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đó là 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho người phụ nữ Việt Nam, tuy ngắn gọn xúc tích nhưng hàm chứa đầy đủ tính cách tốt đẹp, phẩm chất cao quý, vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ ViệtNam.

    Bước vào thời bình, thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước hiện nay thì vai trò của người phụ nữ lại càng khẳng định hơn nữa. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những đóng góp của những người phụ nữ, trong tất cả các lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước; hoạt động nghiên cứu khoa học; đẩu tư phát triển sản xuất, quản trị doanh nghiệp; tham gia công tác xóa đói giảm nghèo; phòng chống tệ nạn xã hội; thúc đẩy hoạt động đối ngoại

    Trước diễn biến diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phụ nữ khắp cả nước cũng đã có nhiều hoạt động, nghĩa cử cao đẹp trong việc chung tay phòng, chống dịch như góp tiền, góp gạo nấu ăn phục vụ công dân đang cách ly, nấu những suất ăn miễn phí cho người nghèo, người bán vé số, may khẩu trang, dung dịch sát khuẩn để tặng người nghèo, cung cấp nhu yếu phẩm cho những người khó khăn… Bằng những việc làm tử tế, thiết thực, Hội LHPN Hương Khê đang nhân lên truyền thống tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam, cùng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt, dù đã bước qua tuổi 95, vẫn ngày đêm cần mẫn may từng chiếc khẩu trang vải để tặng người dân thật cảm động biết bao. Qua đây có thể thấy rằng dù sống trong thời đại nào thì người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn là niềm tự hào, đáng được yêu thương và trân trọng với sự hy sinh thầm lặng của mình trong xã hội.

Lê Thị Như Cảnh – Trung tâm bồi dưỡng cán bộ

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*