Một số ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác hội LHPN của cán bộ hội cấp tỉnh

MỘT SỐ Ý TƯỞNG SÁNG TẠO NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ

CÔNG TÁC HỘI LHPN CỦA CÁN BỘ HỘI CẤP TỈNH

     Cùng với lịch sử hình thành và phát triển gần 50 năm qua, tập thể cán bộ giáo viên Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện chức năng tốt đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp, cán bộ làm công tác phụ nữ, cán bộ nữ và tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu xã hội. Song song đó, với mục đích góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; phát huy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của học viên; Phân hiệu luôn khuyến khích, tạo nhiều diễn đàn mở để chị em cán bộ Hội các cấp trao đổi những mô hình hay, cách làm, giải pháp hiệu quả và những ý tưởng, sáng kiến đổi mới góp phần nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào phụ nữ.

Trong khuôn khổ bài viết này, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ trân trọng giới thiệu một số sáng kiến của cán bộ Hội cấp tỉnh qua lớp “Bồi dưỡng cơ bản về nghiệp vụ công tác Hội dành cho cán bộ, công chức cấp TW và cấp tỉnh”  được tổ chức tại Phân hiệu HVPN Việt Nam từ 23/07/2018 đến ngày 03/08/2018 vừa qua, với mong muốn đây sẽ là tiền đề để mở ra diễn đàn cho cán bộ, giảng viên cũng như cán bộ hội viên phụ nữ cùng tiếp tục tham gia thảo luận, trao đổi để hoàn thiện, phục vụ cho công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên, trong các hoạt động  của cán bộ Hội, góp phần nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào phụ nữ các cấp hiện nay.

Ý TƯỞNG 1: Đổi mới công tác tuyên truyền về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)

– Lý do cần đổi mới: Thời gian qua, công tác tuyên truyền về VSATTP được hầu hết trong những không gian đóng (như phòng họp, hội trường), số lượng người tham gia đông nhưng pchưa phân tích và xác định được đúng nhu cầu thông tin đối tượng để tuyên truyền nên chỉ tập trung tuyên truyền cho cán bộ Hội và thực hiện, chưa lan rộng được đến người dân.

     – Các mục tiêu sẽ đạt được

+ Tổ chức tuyên truyền có trọng điểm cho từng nhóm đối tượng.

+ Xây dựng mô hình điểm phụ nữ với VSATTP đề nhân rộng.

     – Cách làm để đạt được mục tiêu

Bước 1: Xác định nhóm đối tượng tuyên truyền (1) Cán bộ Hội; (2) Người sản xuất – kinh doanh; (3) Người sử dụng – người nội trợ.

Bước 2: Khảo sát thực tế xác định mong muốn của từng đối tượng đối với vấn đề VSATTP.

+ Nhóm 1. Cần kỹ năng, kiến thức để tuyên truyền cho người dân về VSATTP.

+ Nhóm 2: Khảo sát thực tế tại các khu vực sản xuất chuyên các nghề (như nem, bún,…) tìm ra những doanh nghiệp sản xuất đảm bảo ATVSTP mời họ làm báo cáo viên cho Hội (tư cách là người thật việc thật).

+ Nhóm 3: Nhu cầu về kỹ năng phân biệt sản phẩm an toàn và không an toàn, nguyện vọng được cung cấp danh sách sản phẩm sạch, an toàn…

Bước 3: Phối hợp với các đơn vị có liên quan để chuẩn bị công tác tuyên truyền với nội dung phù hợp từng đối tượng

+ Ban ATVSTP: cung cấp danh sách sản phẩm sạch cho Hội phụ nữ; chuẩn bị báo cáo viên – kết hợp thực nghiệp sản phẩm tại buổi tuyên truyền ở khu vực chợ giúp bà con nhận dạng thực phẩm sạch.

+ Sở Y tế: Báo cáo viên chia sẽ về ảnh hưởng của việc sủ dụng thực phẩm không an toàn; quay clip đơn vị sản xuất sạch đảm bảo tiêu chuẩn để giới thiệu cho người dân.

Bước 4: Tổ chức truyền thông, tuyên truyền theo nhóm hay các phương tiện truyền thông

+ Nhóm 1: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền vận động, báo cáo cho cán bộ Hội (tại hội trường).

+ Nhóm 2: Tổ chức nhóm nhỏ, mời các hộ kinh doanh ngành nghề (ví dụ nem, bún,…), báo cáo viên là chủ sản xuất – kinh doanh và Ban VSATTP để hướng dẫn đăng ký sản phẩm an toàn

– Xây dựng mô hình phụ nữ với VSATTP tại các khu phố có đông hàng quán, khu vực có các cơ sở sản xuất chuyên ngành để phát huy vai trò của phụ nữ trong giám sát VSATTP.

Bước 5: Sơ kết thực hiện, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình.

  • Các đề xuất, khuyến nghị

+ Cần sự phối hợp của các Sở, ban ngành, UBND.

+ Báo Phụ nữ tuyên truyền trên Báo giấy, Báo điện tử.

+ Đầy mạnh tuyên truyền thông qua website, facebook của Hội phụ nữ các cấp; giới thiệu các chuỗi sản phẩm sạch trên địa bàn cho hội viên, phụ nữ và nhân dân biết, tiếp cận.

Ý TƯỞNG 2:  Giải pháp “Scan văn bản phục vụ công tác văn thư lưu trữ của cơ quan chuyên trách Hội phụ nữ”

     – Lý do cần đổi mới: Công tác văn thư lưu trữ tại cơ quan chuyên trách của Hội còn những hạn chế, khó khăn như khó khăn khi tìm kiếm, tra cứu từ văn bản giấy; tình trạng thất lạc văn bản gốc; tốn kém nhiều thời gian, chi phí cho việc sao chép (photo)…

     – Các mục tiêu sẽ đạt được: thuận tiện cho việc lưu trữ và tìm kiếm, tra cứu. Tiết kiệm thời gian và chi phí photo văn bản.

     – Cách làm để đạt được mục tiêu

Thực hiện việc scan tất cả các văn bản đi – đến, lưu trữ sắp xếp thứ tự, khoa học theo từng thư mục (folder): theo thời gian (tháng, năm); theo loại (kế hoạch, báo cáo, thông báo, công văn,…) để phục vụ cho việc lưu trữ và tìm kiếm, tra cứu. Áp dụng các văn bản điện tử (văn bản đã được scan) này vào việc chuyển văn bản nghiên cứu, xử lý.

     – Các đề xuất, khuyến nghị

Đến cuối năm 2017, trong cả nước đã có 27 cơ quan, đơn vị từ cấp Bộ đến địa phương đã hoàn thiện liên thông văn bản điện tử (văn bản scan) có dùng chữ ký số, cũng như áp dụng chữ ký số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Một số địa phương đã triển khai đồng bộ việc chữ ký số đến tất cả cơ quan thuộc khối chính quyền; khối Đảng, Đoàn thể (trong đó có Hội LHPN) từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn. Từ đó, cho thấy khuynh hướng áp dụng, sử dụng văn bản điện tử (được scan từ văn bản giấy truyền thống) trong quá trình lưu trữ và ban hành văn bản đang dần trở thành xu hướng phổ biến.

Cán bộ chuyên trách Hội phụ nữ các cấp cần quan tâm để nghiên cứu cách thức triển khai thực hiện, tham mưu đề xuất các cấp có thẩm quyền về trang thiết bị, phương tiện; đồng thời hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ Hội nhằm thay đổi nhận thức và thói quen để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác văn thư lưu trữ phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp Hội và hướng đến việc sử dụng, ban hành văn bản điện tử có chữ ký số trong tương lai.

Ý TƯỞNG 3: MÔ HÌNH “BẢO HIỂM TIỀN VAY”

     – Lý do cần đổi mới: Đa phần người vay vốn thường ít quan tâm đến những trường hợp rủi ro có thể xảy ra như bệnh tật, tai nạn… dẫn đến mất khả năng lao động, không có khả năng trả khoản vay.

     – Các mục tiêu sẽ đạt được

Giúp đảm bảo quyền lợi cho người vay trong trường hợp xảy ra rủi ro. Hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng và góp phần bảo tồn nguồn vốn trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro không có khả năng chi trả.

     – Cách làm để đạt được mục tiêu

Bảo hiểm tiền vay là số tiền mà khách hàng chi trả để mua bảo hiểm cho gói sản phẩm vay vốn của mình tại tổ chức tín dụng. Mức bảo hiểm tiền vay có thể chiếm 3% trên tổng số tiền mà khách hàng đăng ký vay. Ví dụ: Người vay đăng ký vay 10 triệu đồng, số tiền bảo hiểm khoản vay là 300.000 đồng (3% x 10 triệu đồng). Người vay có thể trích lại 3% hoặc đóng thêm để thực hiện đóng Bảo hiểm tiền vay. Ví dụ: Vay 10 triệu đồng thì người vay nhận 9.700.000 đồng và đóng 300.000 đồng (Bảo hiểm tiền vay) hoặc nhận đủ 10 triệu đồng và đóng thêm 300.000 đồng (Bảo hiểm tiền vay).

     – Các đề xuất, khuyến nghị

Mô hình là một ý tưởng tốt gắn với một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội là Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có việc các cấp Hội xây dựng, quản lý, điều hành với nhiều mô hình tín dụng; đồng thời có thể đề xuất kiến nghị để triển khai thực hiện trong quản lý, sử dụng nguồn vốn Ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội.

Để có thể áp dụng ý tưởng vào thực tế, cần quan tâm một số vấn đề sau:

– Nghiên cứu, rút kinh nghiêm các mô hình bảo hiểm tiền vay trên thị trường để làm rõ cơ chế, cách thức thực hiện; quyền – nghĩa vụ của người vay và phía tổ chức tín dụng…bổ sung vào Quy chế quản lý các nguồn vốn vay do Hội quản lý để tạo cơ chế pháp lý rõ ràng.

– Vận động, tuyên truyền đối với các đối tượng hội viên, phụ nữ tham gia vay vốn tích cực thực hiện bảo hiểm tiền vay, nhất là các đối tượng dễ có nguy cơ rủi ro trong vay vốn như phụ nữ nhập cư, chưa có việc làm hoặc chổ ở ổn định,…

– Kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội th18ực hiện Bảo hiểm tiền vay để góp phần bảo tồn vốn, tăng chất lượng tín dụng, giảm tỉ lệ nợ xấu, nợ khó đòi trong các đối tượng người vay.

ThS Nguyễn Hồng Nhung – Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *