TRẢI NGHIỆM TỪ NHỮNG ĐỢT THỰC HÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
Nhân viên xã hội là người làm việc, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau như người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghiện ma túy, nhiễm HIV, người hoạt động mại dâm. Chính vì vậy, người hoạt động công tác xã hội (CTXH) không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, khai thác thông tin, hiểu biết tâm lý đối tượng… Hiện nay, ngành CTXH ngoài việc có những đòi hỏi chung như các ngành khoa học khác thì còn có những đòi hỏi đặc thù về năng lực. Chính vì vậy, đã có không ít sinh viên khi bắt đầu theo học ngành này cảm thấy không phù hợp dẫn đến chán nản, muốn thi vào những ngành khác.
Bản thân tôi từ năm 2014 – 2016 được biết và học ngành CTXH đã có một tình cảm không hề nhỏ đối với ngành này, mặc dù trước đó những năm 2009 khi tôi đọc quyển Tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng thì “Công tác xã hội” với tôi là một nghề khá lạ lẫm. Chính vì điều đó, mà sau 2 năm Trung cấp các học viên của lớp đã chủ động đề nghị Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục mở lớp đại học liên thông ngành CTXH tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long với 43 học viên.
Hình ảnh bế giảng lớp Trung cấp ngành CTXH tại Trường Chính trị Phạm Hùng Vĩnh Long
Hình ảnh khai giảng lớp Liên thông Đại học ngành CTXH tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long
Trong chương trình học, ngoài những kiến thức, kỹ năng được giáo viên truyền đạt trên lớp, sinh viên còn được thực hành 3 môn nghề nghiệp tại cơ sở để có cơ hội tiếp xúc, làm việc trực tiếp với thân chủ. Qua đó, mỗi cá nhận tự trau dồi thêm những kinh nghiệm về địa phương áp dụng vào thực tế công việc.
Hình ảnh tập thể lớp K1LTCTXHVL tại Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Long
Ngày 01/6/2018
Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Long, tọa lạc tại ấp Phước Yên B, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Được hình thành từ những năm 1975 với tên gọi Trại nuôi dưỡng, giáo dục đối tượng xì ke, ma túy và gái mại dâm. Sau nhiều lần đổi tên đến nay được gọi với tên là Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Long. Qua hơn 40 năm Trung tâm đã trở thành một gia đình, một mái ấm cho tất cả trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, những mảnh đời bất hạnh, người già không nơi nương tựa, người bệnh tâm thần lang thang, người cần bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn Tỉnh. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước cấp, Trung tâm còn vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài nước ủng hộ, tài trợ….Từ đó chất lượng bữa ăn cũng được nâng lên, đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm phục vụ đối tượng với tinh thần trách nhiệm cao, đời sống sinh hoạt của các đối tượng được cải thiện rõ rệt. Mặc dù điều kiện của Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, nhờ được sự quan tâm của UBND tỉnh Vĩnh Long, sự hỗ trợ của các ban ngành, chính quyền địa phương, sự quyết tâm cao độ của đội ngũ cán bộ, viên chức đã giúp cho Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít khó khăn như: hiện cơ sở vật chất của Trung tâm CTXH chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu chăm sóc đối tượng và trợ giúp xã hội. Đặc biệt là cung cấp dịch vụ CTXH có thu. Cơ sở II Bình Minh cũng đã xuống cấp, không đảm bảo cho việc phục vụ chăm sóc, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Chế độ ưu đãi nghề thực hiện chưa đồng bộ, vẫn còn khác nhau giữa các Tỉnh trong khu vực. Trình độ chuyên môn, chính trị của các cán bộ, viên chức trong Trung tâm đa số còn thấp, không đồng đều nên hạn chế về nhiều mặt, từ đó cũng ảnh hưởng đến kết quả công việc.
Bước vào môi trường làm CTXH các thành viên dù làm công việc gì, nam hay nữ, lớn hay nhỏ tuổi đều đoàn kết, gắn bó và dành tình cảm yêu thương cho nhau nhiều hơn. Họ có thể cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau, những khó khăn, vất vả để giúp đỡ nhau vì mục tiêu chung Công tác xã hội“Kết nối yêu thương, chung tay vì cộng đồng”. Trong 2 lần thực hành tại cơ sở bản thân đã được tiếp xúc với đối tượng thân chủ là người cao tuổi neo đơn, qua trò chuyện bản thân cảm thấy họ thân thiết, gần gũi. Họ thiếu thốn tình cảm từ con cháu, cần lắm những sự chia sẻ, quan tâm hỗ trợ của nhân viên xã hội. Họ là những người mang trong mình những căn bệnh có thể là sẽ ra đi bất cứ lúc nào nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ, sống hòa đồng với mọi người trong trung tâm. Khi tiếp xúc với chúng tôi họ rất vui vẻ chia sẻ về bản thân, về những câu chuyện cuộc đời mình. Họ cứ nói vô tư như những đứa trẻ, tôi cũng rất mong các cụ sẽ luôn yêu đời, sống khỏe mạnh thêm nhiều năm nữa. Bởi có 1 điều làm bản thân cảm phấn khởi vì có 1 vài bé cũng thi đậu đại học và theo học ngành CTXH nhưng cũng chạnh lòng đó là sau 2 năm trở lại nơi đây đã có vài cụ qua đời vì bệnh.
Chính vì tình yêu với nghề CTXH tôi nhận thấy bản thân và những sinh viên đã, đang và sẽ theo học ngành này càng phải hiểu rõ đặc thù ngành nghề mình sẽ gắn bó, cũng như cơ hội nghề nghiệp, công việc khi tốt nghiệp để rèn luyện, chuẩn bị những kỹ năng, tri thức một cách đầy đủ cho hoạt động nghề nghiệp khi ra trườngvà hơn hết là một tình yêu, lòng nhiệt huyết, tận tâm với nghề thì mới có thể là một nhân viên CTXH chuyên nghiệp.
NGUYỄN NHƯ TRÚC PHƯƠNG
Sinh viên Lớp K1LTCTXHVL
Để lại một phản hồi